vĐồng tin tức tài chính 365

CEO Emmi Hoàng: Ở thị trường mỹ phẩm nội địa,“ông lớn” Thorakao, Thái Dương… vẫn duy trì lối kinh doanh truyền thống, kh

2022-06-16 13:26

Người dùng mạng xã hội chắc chắn sẽ không còn xa lạ với cái tên Emmi Hoàng – Beauty Blogger với hơn 800.000 lượt theo dõi trên Youtube và Facebook. Hiện nay, Emmi Hoàng còn là CEO & Founder của Happy Skin Vietnam, thương hiệu mỹ phẩm Emmié by Happy Skin và chuỗi Happy Skin Beauty Clinic & Spa. Từng có một xuất phát điểm khá “lừng lẫy” với vị trí là Giám đốc quản lý thương hiệu của Pond’s và ngành hàng chăm sóc sắc đẹp cho nam giới ở Unilever Việt Nam, Emmi Hoàng - Hoàng Hạnh Dung – quyết định “bỏ ngang” để theo đuổi một sự nghiệp kinh doanh riêng với ấp ủ xây dựng một brand mang tên mình.

CEO Emmi Hoàng: Ở thị trường mỹ phẩm nội địa,“ông lớn” Thorakao, Thái Dương… vẫn duy trì lối kinh doanh truyền thống, không có nhiều đột phá, còn Happy Skin Vietnam muốn ‘phủ xanh’ công nghệ! - Ảnh 2.

Đang có một công việc tốt với mức lương là mơ ước của nhiều người trẻ thời bấy giờ, điều gì đã khiến Emmi Hoàng quyết định “về hưu sớm” để kinh doanh riêng?

Thời điểm đó đúng là mình đã có mức lương đáng mơ ước. Chục năm trước, được “offer” lương 3 ngàn đô, thực sự là khát khao của nhiều bạn trẻ mới bước vào đời. Mọi người thì nghĩ thường nghỉ việc khởi nghiệp chắc là vì muốn tự chủ tài chính. Với mình, đó không chỉ là quyết định liên quan đến vấn đề thu nhập, bởi nếu thuần túy muốn có thu nhập cao thì vẫn nên đi làm thuê vì làm thuê chắc vẫn nhiều tiền và ổn định hơn là làm chủ. Khi làm chủ, bạn sẽ phải tự bỏ vốn, tự tính toán rất nhiều thứ. Đôi khi là đau đầu nghĩ xem nên chọn phương án nào: an toàn hay mạo hiểm… Lý do thực sự là vì hoài bão mà mình ấp ủ, một chút ngông cuồng của việc xây dựng “đế chế” của riêng mình, thực sự đắm mình vào thế giới chăm sóc sắc đẹp một cách khoa học và toàn diện, chứ không chỉ đơn thuần là kinh doanh mỹ phẩm hay làm đẹp.

Quyết định startup vào thời điểm “người người đều startup”, Emmi Hoàng có tự tin không?

Mình rất tự tin, vì mình đã có khá nhiều kinh nghiệm làm việc trong ngành hàng này, hơn nữa, khi đó mình đã có một “cộng đồng” riêng. Và trong thời kỳ bùng nổ của mạng xã hội, ai nắm được “cộng đồng”, người đó sẽ thành công. Mình có trang blog với nhiều người theo dõi, có uy tín và ảnh hưởng nhất định. Mình cũng có một số vốn đủ để “khởi nghiệp” theo như mình dự tính lúc đó. Nhưng quyết định startup của mình vẫn chủ yếu xuất phát từ niềm đam mê chia sẻ và sở thích cá nhân. Bởi thế, con đường khởi nghiệp của mình cũng khá gập ghềnh, vì “đời không như là mơ”.

CEO Emmi Hoàng: Ở thị trường mỹ phẩm nội địa,“ông lớn” Thorakao, Thái Dương… vẫn duy trì lối kinh doanh truyền thống, không có nhiều đột phá, còn Happy Skin Vietnam muốn ‘phủ xanh’ công nghệ! - Ảnh 3.

Mọi sự thay đổi đều mang đến một “cú nhảy vọt”, với Emmi Hoàng, sự thay đổi từ quản lý của tập đoàn đa quốc gia sang quản lý một doanh nghiệp, thương hiệu của riêng mình có gì khác biệt?

Làm trong một tập đoàn toàn cầu cũng giống như là đang “đứng trên vai người khổng lồ”, bạn đã có sẵn những cộng sự có chuyên môn cao, có một bộ máy chuẩn chỉnh, chuyên nghiệp và mọi thứ đều “chạy” theo một guồng rất trơn tru, quy trình bài bản, bạn chỉ cần làm tốt việc của mình như một mảnh ghép trong bức tranh hoàn hảo. Nhưng khởi nghiệp, kinh doanh riêng lại là chuyện khác hẳn. Bạn phải “xắn tay” vào mọi thứ, bắt đầu tìm những cộng sự mới, thậm chí là phải đào tạo nhân viên từ đầu… tự bạn xây dựng một câu chuyện của riêng mình, vẽ bức tranh của mình từ những nét đầu tiên.

Mình đã từng bầm dập, thua lỗ suốt 4 năm sau khi khởi nghiệp, hàng tỷ đồng mỗi năm dù cũng đã rất “thu va hào vén”, do mô hình kinh doanh tập trung vào truyền thông nhưng lại chưa rõ ràng và thiếu kinh nghiệm vận hành. Để tóm lại quãng thời gian đó, chỉ có một từ “gồng lỗ”. Thời gian đầu mình khá “lạc quan” vì mình có một số vốn khá dư dả để khởi nghiệp, nhưng sau đó mình đã tiêu tốn hết số tiền tiết kiệm, phải vay thêm của ông xã để duy trì công ty. Đến lúc đó, mình chợt “tỉnh táo” và nhớ lại hai điều mình đã quán triệt ngay từ đầu là: phải tự chủ về kinh tế và không được coi công sức lao động của mình quá bèo bọt! Tiền kiếm ra đã khó, đốt tiền để gồng lỗ thực sự vô cùng mỏi mệt.

Thực tế, trong suốt những năm đầu khởi nghiệp, mình làm việc “không công” và thậm chí còn “âm công” bởi nghĩ đó là “đứa con” của mình, mình có “hi sinh” cho nó thế nào cũng là xứng đáng, thậm chí còn tự an ủi là bản thân đang tập trung xây dựng cộng đồng, làm những việc có ích cho xã hội. Nhưng khi nghĩ lại thì rõ ràng mình đã quá “coi rẻ” sức lao động và chất xám của mình khi cứ “đổ ra” mà chẳng thu lại được mấy.

Trong những năm đầu khởi nghiệp đầy sóng gió, có khi nào chị chán nản, hối hận và muốn dừng lại? 

Thật ra lúc mình nói sẽ “nghỉ hưu” để startup, hầu hết mọi người đều ủng hộ mình. Ngay cả ông xã mình cũng hết sức tán thành vì nghĩ rằng vợ sẽ chọn một công việc khác “nhàn” hơn. Công việc cũ của mình tuy thu nhập cao nhưng cũng vô cùng áp lực và bận rộn. Thậm chí có lúc mình đã từng khóc một mình trong nhà tắm vì ấm ức. Khi nghỉ việc ở Unilever, có rất nhiều nơi cũng chào mời mình với mức lương hấp dẫn, nhưng mình lại chọn xây dựng một sự nghiệp kinh doanh riêng. So với công việc cũ thì khởi nghiệp còn đem tới nhiều bận rộn và áp lực hơn.

Phải thừa nhận một sự thật rằng trong lúc khó khăn nhất, mình đã từng thấy thất vọng, nhưng không hối hận. Mình vẫn còn nhớ câu nói đã từng nghe đâu đó từ người nổi tiếng, dịch ra đại ý là “Tôi không có thời gian cho việc hối hận. Tôi chọn cách tiến lên. Chúng ta được quyền chấp nhận bản thân mình, cho những điều tuyệt vời và cả những thứ chưa hoàn hảo”. Những lúc bị từ chối hay không được như ý, ai cũng sẽ thấy đắng lòng, nhưng chúng ta cần học cách chấp nhận. Và mình chọn cách thay đổi, tìm hướng đi mới. Mình đã đứng trước những lựa chọn khó khăn như: tiếp tục theo đuổi mục tiêu ban đầu nhưng song song phải trở thành một agency nhằm “nuôi sống” Happy Skin hay chuyển hướng kinh doanh để có lời và phát triển nhanh. Cuối cùng, mình thay đổi, tập trung vào phát triển dịch vụ và sản phẩm, dùng cộng đồng và thế mạnh truyền thông làm đòn bẩy tăng trưởng, hướng đi này ngay lập tức gặt hái thành quả.

CEO Emmi Hoàng: Ở thị trường mỹ phẩm nội địa,“ông lớn” Thorakao, Thái Dương… vẫn duy trì lối kinh doanh truyền thống, không có nhiều đột phá, còn Happy Skin Vietnam muốn ‘phủ xanh’ công nghệ! - Ảnh 5.

CEO Emmi Hoàng: Ở thị trường mỹ phẩm nội địa,“ông lớn” Thorakao, Thái Dương… vẫn duy trì lối kinh doanh truyền thống, không có nhiều đột phá, còn Happy Skin Vietnam muốn ‘phủ xanh’ công nghệ! - Ảnh 6.

Đam mê làm đẹp nên Emmi Hoàng chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực này, nhưng tại sao lại là ngành mỹ phẩm công nghệ cao - một thị trường ngách vốn còn quá mới mẻ ở Việt Nam?

Trước khi chuyển đổi mô hình sang tập trung phát triển dịch vụ & sản phẩm chăm sóc da, mình khảo sát thị trường và nhận thấy mảng dược mỹ phẩm cũng như các thiết bị làm đẹp tại nhà ở Việt Nam là một thị trường ngách rất tiềm năng. Hơn 70% người tham gia làm skin test (bài kiểm tra da) có làm da nhạy cảm và trong số đó hơn 90% là có làn da có vấn đề. Tương tác với khán giả theo dõi các nội dung của Happy Skin, mình nhận thấy người Việt Nam đang rất quan tâm tới điều trị da một cách bài bản, có hiệu quả rõ rệt, vì thường người Việt có một thói quen là khi da gặp vấn đề mới nghĩ đến việc chạy chữa. Do đó, các sản phẩm điều trị da chuyên sâu rất hữu ích đối với đa phần người Việt và mang lại nhiều giá trị hơn cho họ.

Và đúng là vài năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt Nam mới bắt đầu tiếp cận với những khái niệm như “dược mỹ phẩm” hay “skincare đặc trị” với những hiểu biết còn rất sơ khai. Bởi thế, để khai mở thị trường này, yếu tố tiên quyết là phải “giáo dục người dùng”, chia sẻ kiến thức chuyên sâu, khoa học để người tiêu dùng hiểu, “chịu chi” và chịu dùng những sản phẩm skincare đặc trị vốn không hề rẻ này.

Dù nghe mới mẻ song trên thực tế, nhiều “ông lớn” trong ngành mỹ phẩm đã hướng tới thị trường này và bắt đầu thực hiện nhiều chiến lược truyền thông. Bên cạnh đó, cộng đồng khán giả trên các kênh truyền thông nền tảng của Happy Skin đã được tiếp cận với những kiến thức chăm sóc da chuyên sâu từ lâu nên rất đón nhận hướng đi mới này.

Sản xuất sản phẩm skincare đặc trị hay chăm sóc da chuyên sâu bằng công nghệ cao đòi hỏi chi phí đầu tư lớn với những yêu cầu nghiêm ngặt, chuẩn xác, song đây cũng là ngàng hàng có sự tăng trưởng rất nhanh, không chỉ được đón nhận ở Việt Nam mà còn được chào đón ở các nước trong khu vực. Sự tăng trưởng hơn 200% của Happy Skin mỗi năm, bất chấp tình hình dịch bệnh, chính là một minh chứng rõ nét nhất cho điều này.

Bước chân vào thị trường đã có khá nhiều “ông lớn”, điều gì đã giúp chị "ngông cuồng" mơ sẽ xây dựng được một thương hiệu riêng? 

Thị trường mỹ phẩm ở Việt Nam hiện nay chia thành rất nhiều mảnh nhỏ, từ chính thống, không chính thống cho đến hàng xách tay… Ở thị trường nội địa, có một số “ông lớn” tên tuổi như Thorakao, Thái Dương… Tuy nhiên, sau rất nhiều năm, các tập đoàn này đều duy trì lối kinh doanh truyền thống, vẫn đi theo hướng cổ điển, không có sự đột phá. Trong khi đó, thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi lại đưa ra những yêu cầu rất mới mẻ đối với sản phẩm mà không đặt nặng vấn đề thương hiệu như trước. Bên cạnh đó, mình cũng rất tự tin có thể cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài do trong quá trình làm Beauty Blogger, mình đã có cơ hội trao đổi với rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam và hiểu rõ nhu cầu cũng như tính chất làn da châu Á. Bên cạnh mình, đội ngũ chuyên gia gồm các dược sĩ và bác sĩ của Happy Skin cũng là nguồn lực quý giá để phát triển những sản phẩm chất lượng. Đó là những lợi thế để các dịch vụ và sản phẩm của Happy Skin có thể chinh phục người dùng trong nước và tiến tới vươn ra thị trường các nước trong khu vực.

Để “đo lường” thị trường, ban đầu, Happy Skin đã đưa vào một số nhãn hàng mới của Hàn Quốc, sau đó mình thấy rằng việc đưa một thương hiệu mới của nước ngoài vào thị trường nội địa so với việc tự xây dựng một brand (thương hiệu) của riêng mình cũng vất vả ngang nhau, vậy tại sao mình không làm hẳn một cái gì đó riêng của mình?! Ý tưởng này cũng được bạn bè, gia đình ủng hộ và cộng đồng đón nhận tích cực nên hệ thống Happy Skin Medical Spa (sau này trở thành Happy Skin Beauty Clinic) và thương hiệu mỹ phẩm Emmié by Happy Skin ra đời từ đó. Chúng mình không chỉ hướng đến việc chăm sóc da cơ bản, mà còn mang tính điều trị và ứng dụng thiết bị công nghệ cao để mang hiệu quả cải thiện tối đa đúng như cam kết của Happy Skin Beauty Clinic: “cải thiện rõ rệt sau từng liệu trình”.

CEO Emmi Hoàng: Ở thị trường mỹ phẩm nội địa,“ông lớn” Thorakao, Thái Dương… vẫn duy trì lối kinh doanh truyền thống, không có nhiều đột phá, còn Happy Skin Vietnam muốn ‘phủ xanh’ công nghệ! - Ảnh 8.

Tại sao lại là cái tên Happy Skin? Sau đó còn ẩn chứa một thông điệp nào mà Emmi Hoàng - muốn gửi tới cộng đồng?

Mọi người thường nói rất nhiều về nghệ thuật làm giàu, nghệ thuật giao tiếp, nghệ thuật kinh doanh… còn mình chỉ đơn giản muốn bắt đầu từ nghệ thuật yêu bản thân. Dù đang sống trong xã hội hiện đại, nhưng phụ nữ vẫn phải chịu rất nhiều định kiến, rất nhiều gánh nặng cả trong gia đình và công việc. Bởi thế, biết yêu thương, chăm sóc bản thân giúp phụ nữ nói riêng và tất cả chúng ta biết trân quý những gì mình đang có.

Đối với mình, niềm vui, niềm hạnh phúc có thể bắt đầu từ những điều rất nhỏ bé như là được chia sẻ, lan toả nguồn năng lượng tích cực tới mọi người, mang lại cho cộng đồng nhiều giá trị hơn. Khi biết cách chăm sóc, trân trọng bản thân mình, chúng ta sẽ đẹp hơn, tự tin hơn và cũng cảm thấy hạnh phúc hơn. Thông điệp này được truyền tải không chỉ từ những sản phẩm chất lượng giúp cải thiện vẻ ngoài, mà còn từ bao bì đẹp, đột phá qua từng sản phẩm, với mong muốn khi người dùng cầm sản phẩm trên tay, họ sẽ thấy vui và phấn khích như được tặng một món quà xinh đẹp.

Bên cạnh đó, Happy Skin còn đang thực hiện một hoạt động rất ý nghĩa là hàng năm tài trợ cho những bạn có vấn đề về da nhưng không có điều kiện kinh tế để chữa trị, giúp bạn tự tin hơn về ngoại hình của mình. Team của Emmi Hoàng muốn lan toả thông điệp rằng mỹ phẩm không phải điều gì đó phù phiếm mà nó chính là một công cụ giúp chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khoẻ cả bên ngoài và bên trong.

CEO Emmi Hoàng: Ở thị trường mỹ phẩm nội địa,“ông lớn” Thorakao, Thái Dương… vẫn duy trì lối kinh doanh truyền thống, không có nhiều đột phá, còn Happy Skin Vietnam muốn ‘phủ xanh’ công nghệ! - Ảnh 9.

Đó là niềm vui mà Happy Skin mang tới cho cộng đồng, còn với riêng Emmi Hoàng thì sao? 

Thật ra rất khó có thể đong đếm được “niềm vui” - “nỗi buồn” trong kinh doanh, bởi khi đã bắt đầu một sự nghiệp riêng, bạn sẽ phải dành cho nó rất nhiều suy tư, trăn trở và không thể vô tư, vô lo được. Trước đây, khi mới khởi nghiệp, trong những năm đầu loay hoay tìm hướng đi, mình có rất ít niềm vui, bởi những cảm xúc ấy đã bị sự lo âu che lấp. Khi đó lúc vui nhất là được thoải mái sáng tạo nội dung, còn buồn nhất chắc là lúc đi lương cho nhân viên mỗi tháng (cười lớn). Song gần đây, khi công việc “vào guồng”, mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn thì niềm vui cũng tới nhiều hơn.

Khi thành lập doanh nghiệp, phương châm của mình là tạo ra một môi trường làm việc, nơi các thành viên tìm thấy cảm hứng và sự gắn kết. Ở Happy Skin, mỗi thành viên phải là một chiến binh mạnh mẽ và luôn sẵn sàng hết mình với công việc. Chính nguồn năng lượng tràn đầy ấy đã trở thành động lực cho tất cả mọi thành viên.

Đến giai đoạn này, mình lại có những niềm vui và nỗi buồn kiểu khác, khi lãnh đạo một tập thể gần 100 thành viên, áp lực vận hành và quản trị nhân sự rất lớn, có không ít lần mình đã khóc vì phải đứng trước các sự lựa chọn hoặc chia ly quá khó khăn. Nhưng nhờ vậy mình lại lớn hơn rất nhiều và ngày càng cảm thấy thoải mái với áp lực và sự thay đổi. Suy cho cùng, niềm vui hoàn toàn có thể được tạo ra từ trong suy nghĩ của mỗi người.

Là một startup thành công, Emmi Hoàng có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp?

Nếu bạn muốn khởi nghiệp, hãy cứ dấn thân đi, rồi bạn sẽ tự rút ra được những bài học cho chính mình. Ước mơ cần được chinh phục bằng sự chăm chỉ, nỗ lực và đừng ngại thử nghiệm, đừng ngại thay đổi nếu điều đó là tốt cho doanh nghiệp của bạn.

Đam mê chính là yếu tố giúp bạn vượt qua những khó khăn, thử thách trong lúc nản lòng nhất. Đó cũng chính là ngọn lửa để truyền cảm hứng cho những cộng sự của mình. Hãy cứ làm đi, nhưng đừng mù quáng, tỉnh táo nhận ra điều gì chưa đúng để khắc phục, thay đổi cũng chính là yếu tố cần thiết của một founder. Hãy nói với bất kỳ ai bạn gặp, tin tưởng hoặc ngưỡng mộ về những gì bạn định làm và lắng nghe phản hồi của họ, đôi khi chỉ một hai câu nói ngắn gọn lại giúp bạn ngộ ra nhiều điều.

Cảm ơn Emmi Hoàng về buổi trò chuyện thú vị, chúc chị ngày càng gặt hái nhiều thành công hơn trên con đường đem đến hạnh phúc cho làn da phụ nữ Việt!


Bài: Trang Đỗ - Trang Đào 
Design: Hà Mĩ 

http://tintuc.vdong.vn/06/1389535.htm

Bài viết: Huyền Trang | Thiết kế: Hà Mĩ

Theo Nhịp sống kinh tế

Xem thêm: -ehgn-gnoc-hnax-uhp-noum-manteiv-niks-yppah-noc-ahp-tod-ueihn-oc-gnohk-gnoht-neyurt-hnaod-hnik-iol-irt-yud-nav-gnoud-iaht-oakaroht-nol-gnoaid-ion-mahp-ym-gnourt-iht-o-gnaoh-imme-oec/nv.zibefac

Comments:0 | Tags: app

“CEO Emmi Hoàng: Ở thị trường mỹ phẩm nội địa,“ông lớn” Thorakao, Thái Dương… vẫn duy trì lối kinh doanh truyền thống, kh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools