Ngày 15/6 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo xây dựng chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng năm 2045.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết: Xây dựng và phát triển Sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng thu nhập cho người làm rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc phát triển thương hiệu Sâm Việt Nam phải bám sát yêu cầu là thương hiệu quốc gia, có giá trị vượt trội, ưu việt; tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ, kinh nghiệm tham gia trồng, chế biến Sâm; khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết, trong đó có liên kết, hợp tác với nông dân, bảo đảm sinh kế cho người dân.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sâm Việt Nam là loại dược liệu quý, hiếm, với những công dụng đặc biệt mà ít loài cây dược liệu có được. Hiện nay, một số địa phương đã nuôi trồng, phát triển Sâm, trong đó chủ yếu là sâm Ngọc Linh được trồng ở tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, với hơn 6.000 ha. Một số địa phương đã tập trung chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ trong nước. Hoạt động gây trồng, phát triển sâm bước đầu đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; đồng thời cải thiện hạ tầng, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc tiêu thụ, chế biến Sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như: Thiếu quy hoạch phát triển nguồn nhiên liệu, thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng; thiếu cơ sở chế biến sâu, công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu còn hạn chế… Hội thảo được tổ chức nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, loài cây đặc hữu có giá trị kinh tế cao.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Liên, Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Sâm Ngọc Linh cho rằng: Từ khi được gọi là Quốc bảo, cây Sâm Ngọc Linh không chỉ là đối tượng cây trồng đơn thuần trong danh mục trồng trọt của nông nghiệp Việt Nam, mà đã trở thành đối tượng đặc biệt, được bảo vệ đặc biệt. Tuy nhiên, hiện cây Sâm Ngọc Linh mới chỉ được khai thác như một đối tượng kinh tế chứ chưa được nhìn nhận như một Quốc bảo.
Bà Nguyễn Thị Thu Liên kiến nghị, nguồn gen giống gốc Sâm Ngọc Linh bản địa cần phải được bảo tồn để không bị lai tạp; nhanh chóng xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh, khuyến khích và đầu tư nguồn lực Nhà nước cho việc ra đời những siêu phẩm chiết xuất, chế biến từ Sâm Ngọc Linh có giá trị và công dụng vượt trội; có chính sách khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng… Đồng thời, trước khi mở rộng vùng trồng cây sâm Ngọc Linh cần phải xây dựng hồ sơ lý lịch tư pháp và sinh học đặc biệt được số hóa và mã hóa cho loại cây này.
Tại Quảng Nam, sau khi Đề án bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua, tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương và cơ chế chính sách để bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh. Nhờ vậy, bước đầu đã góp phần bảo tồn nguồn giống gốc, tạo ra nguồn giống đáng kể cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp sản xuất. Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh được xác định là 15.567 ha. Đến nay, 20 doanh nghiệp và người dân đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh với trên 1.600 ha. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh và sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh chưa có chương trình, định hướng cụ thể, chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực. Do vậy, việc đề xuất xây dựng "Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) tại Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến 2045" là rất cần thiết.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Cần phát triển cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) thành ngành công nghiệp sản xuất đạt thương hiệu sản phẩm quốc gia và đưa ngành sản xuất, chế biến sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Quảng Nam phấn đấu đến năm 2045 trở thành trung tâm cung ứng Sâm Ngọc Linh trên toàn quốc; sản xuất, cung ứng cây giống Sâm Ngọc Linh, sâm nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ Sâm, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất Sâm có thể cạnh tranh ngang với Hàn Quốc.
Tỉnh Quảng Nam đề xuất các bộ, ngành tham mưu Chính phủ sớm ban hành Chương trình phát triển Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam); đồng thời có những cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ Sâm núi Ngọc Linh; hỗ trợ xây dựng Bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, thu hoạch... phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho Sâm Ngọc Linh tiếp cận với thị trường thế giới.
Đồng thời, có cơ chế chính sách riêng đủ mạnh về tín dụng đối với việc đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại dược liệu khác nói chung. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, cơ sở pháp lý để xác nhận cây Sâm Ngọc Linh hiện trồng ở Quảng Nam là Sâm nuôi trồng nhân tạo (không phải là sâm tự nhiên trong phụ lục của CITES); định hướng về chủ trương trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng.
Kon Tum phát triển sâm Ngọc Linh thành sản phẩm du lịch tỉnh nhà
Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc hữu đang được tỉnh Kon Tum nâng lên thành một bộ phận giá trị của du lịch tỉnh nhà.
Thương hiệu sâm Ngọc Linh đến lúc này đã vượt ra phạm vi Kon Tum, trở thành "quốc bảo". Nhưng cùng với đó, đã xuất hiện không ít tổ chức, cá nhân vẽ ra những “vườn sâm ảo” để trục lợi. Sâm giả bán nhiều nơi, nhất là trên mạng. Thậm chí, ngay ở vùng trồng sâm Ngọc Linh cũng có kẻ xấu trà trộn vào để lừa người tiêu dùng.
Trao đổi với Pháp luật Tp.HCM, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đánh giá rừng và sâm Ngọc Linh gắn với du lịch là lợi thế của Tu Mơ Rông.
“Huyện sẽ cố gắng xúc tiến cấp tem sản phẩm sâm Ngọc Linh cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để khẳng định độ tin cậy cho khách hàng”, ông Mạnh thông tin.
Ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Kon Tum, đề xuất cần xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, công bố chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
Còn ông Võ Tấn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, cho rằng cần tập trung đầu tư phát triển dược liệu gắn với chế biến, khoa học công nghệ. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu và sâm Ngọc Linh công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thương mại. Cần sớm đăng ký, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sâm Ngọc Linh ra nước ngoài cho các sản phẩm xuất khẩu.
Hiện tỉnh Kon Tum đang xây dựng kế hoạch đưa Sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh Kon Tum gắn với các tour trải nghiệm “về miền quốc bảo” nhằm quảng bá sản phẩm đặc hữu này.
Hương Anh (tổng hợp)