Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa có văn bản giải trình gửi Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu của hãng này (mã HVN) đang bị kiểm soát.
Theo Vietnam Airlines, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng không, trong đó vận tải hành khách quốc tế thường lệ ngừng trệ từ tháng 3/2020 đến 15/3/2022 mới tái khởi động. Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hợp nhất của Vietnam Airlines năm 2020, năm 2021 và quý 1/2022 đã bị lỗ và vốn chủ sở hữu hợp nhất đã bị âm tại thời điểm 31/3/2022. Việc này dẫn đến cổ phiếu HVN bị thuộc diện kiểm soát theo quy định của HoSE.
“Tình trạng trên đây xảy ra do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines”, báo cáo của công ty này nêu rõ.
Theo Vietnam Airlines, trước các ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, doanh nghiệp này đã chủ động xây dựng các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại, cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung nguồn vốn, dòng tiền cho doanh nghiệp tại đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đề án, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ 3 giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất bao gồm: Cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh vận tải hàng không; phát hành cổ phiếu để tăng vốn; cơ cấu tài sản (bán, bán và thuê lại máy bay), thoái vốn tại một số doanh nghiệp có vốn góp.
Trong số các giải pháp mà Vietnam Airlines đề cập, đáng lưu ý có bán và thuê lại máy bay (sale and leaseback - SLB).
SLB là giao dịch rất phổ biến được các hãng hàng không trên thế giới sử dụng. Còn trong nước, từ năm 2014 đến nay, giá trị các giao dịch SLB luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu doanh thu cũng như lợi nhuận hàng năm của Vietjet Air. Khoản lãi mà Vietjet Air kiếm về từ các giao dịch đặc biệt này thậm chí còn vượt trội so với nguồn thu từ các hoạt động cốt lõi của hãng nói riêng và các hãng hàng không khác nói chung, là vận chuyển hành khách hay kinh doanh phụ trợ. Điển hình như năm 2019, trong tổng số 50.602 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch của Vietjet Air thì doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay đã hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm 23% và đến năm 2021, tỷ lệ này là 28%.
Về phần mình, SLB cũng là nghiệp vụ được Vietnam Airlines áp dụng từ quý 4/2016 song con số thu về lại khá khiêm tốn bởi "lợi nhuận không phải là mục tiêu mà Vietnam Airlines hướng đến trong các giao dịch đặc thù SLB", như lãnh đạo hãng này từng khẳng định tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017.
Theo Khánh An
NĐT
Xem thêm: nhc.50232404161602202-kcabesael-dna-elas-uv-peihgn-gnud-noum-senilria-manteiv/nv.zibefac