Chiều 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022, Nghị quyết nêu rõ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành những quyết sách đúng đắn, kịp thời, tạo tiền đề căn bản để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
GDP Quý I đạt 5,03% và tiếp tục tăng trưởng khá trong quý 2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đạt hơn 305 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021, cán cân thương mại thặng dư; thu ngân sách nhà nước đã đạt hơn 57% dự toán năm, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lãi suất huy động và tỷ giá tăng, song vẫn trong tầm kiểm soát. Tình hình dịch COVID-19 cơ bản được cải thiện tích cực.
Bên cạnh kết quả đạt được, các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro. Các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai, công tác dự báo thu ngân sách nhà nước chưa sát thực tiễn. Việc hân bổ, giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chi chuyển nguồn ngân sách còn lớn; việc thực hiện một số kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra, các cơ quan chức năng khác chưa nghiêm. Nguy cơ nợ xấu, lạm phát tăng cao, sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn.
Công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa có chuyển biến tích cực; còn nhiều vi phạm nghiêm trọng trong công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế. Một số nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội triển khai chưa kịp thời, hiệu quả…
Bình ổn giá xăng dầu, hàng hóa
Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, trong đó cần kiểm soát chặt chẽ lạm phát, nợ xấu và có giải pháp căn cơ, bền vững nhằm định hướng nguồn lực của nền kinh tế vào sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cân đối cung – cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là giá xăng, dầu. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ giá xăng, dầu cho một số đối tượng đặc thù; duy trì chuỗi cung ứng; bảo đảm nguồn cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp như bám sát diễn biến và dự báo tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và động thái chính sách của ngân hàng trung ương các quốc gia, nhất là các nền kinh tế lớn đến nước ta để kịp thời có giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai hiệu quả, đồng bộ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và nhóm tiêu chuẩn, định mức cụ thể để bảo đảm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công.
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần./.