Mới nghe thì người đọc có thể thở dài: Lại chuyện ăn cắp vặt vật tư công trình.
Nhưng đây là công trình trọng điểm quốc gia! Nếu quản lý, giám sát chặt chẽ thì kẻ cắp vặt có chăng cũng chỉ trộm lẻ tẻ vài thứ. Đằng này, có đến 13.443 khoa kẹp ray tàu trong tổng số khoảng 20.200 chiếc bị mất, tức là khoảng 67%. Thế thì coi như mất gần hết. Thế thì trộm vặt đã hoành hành ở mức đáng báo động.
Quản lý an ninh, an toàn cho một dự án trọng điểm quốc gia có mức đầu tư 43.700 tỉ đồng mà nghe như thể quản lý công trình xây bếp, xây chuồng ở nhà dân, để mất trộm vật tư rồi thì mới hô hoán kiểu “nên xem xét có thể gắn camera an ninh để giám sát trong suốt quá trình thi công, lắp đặt, cũng như hỗ trợ công tác bảo vệ”!
Báo cáo từ nhà thầu bị mất trộm cho thấy, việc giám sát đối với những người vào ra công trình cần phải được xem xét lại. Nhà thầu báo cáo đã lắp ráp hoàn chỉnh các khóa kẹp đường ray từ tháng 2.2021, chuyện mất cắp xảy ra sau khi nhà thầu rời khỏi khu vực thi công này từ tháng 11.2021. Những người ra vào công trình trên cao này đều là những người được cấp phép. Vậy mà cả chục ngàn chiếc khóa kẹp đường ray đã biến mất. Nếu cứ để tình trạng đơn vị thi công xong bàn giao khối lượng thì sau đó công trình không quản lý được thì dự án chẳng biết khi nào về đích, và về đích với mức chi phí sau cùng là bao nhiêu.
Nhìn rộng ra bối cảnh quản lý các công trình công cộng của đất nước, hàng loạt vụ việc trộm vặt kiểu nói trên đặt ra những câu hỏi đầy bức xúc về trách nhiệm của nhà quản lý. Làm đường bộ cao tốc thì mất trộm hàng loạt tấm chống lóa. Làm cầu đường bộ thì mất trộm hàng loạt nắp chắn rác. Đường phố đô thị thì mất nắp cống. Đường ray tàu dự án metro thì mất trộm cả chục ngàn khóa kẹp ray tàu. Cứ như thể trộm từ dưới đất trổ lên khiến các nhà quản lý phải lúng túng. Những kiểu trộm vặt nhưng hoành hành đến mức như thế thì nguy cơ không đơn giản là thất thoát tài sản mà còn đe dọa an toàn giao thông.
Chưa kể, nếu nhìn vào yêu cầu về tiến độ công trình thì những chuyện mất trộm thế này góp phần tạo ra những rắc rối ngăn cản công trình về đích đúng kế hoạch. Với những công trình trọng điểm quốc gia, chậm một ngày tiến độ là lãng phí tiền tỉ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người dân.
Không thể cứ có sẵn “cửa đổ thừa” là các nhà thầu thì nhà quản lý được tùy nghi gõ cửa nhà thầu và đổ trách nhiệm khi xảy ra vụ việc. Một cách công bằng, nhà quản lý công trình cần phải tôn trọng quyền lợi của nhà thầu. Câu hỏi về trách nhiệm lớn phải được chuyển thẳng đến các nhà quản lý hữu trách.