Ông Lê Hùng Dũng qua đời sau thời gian dài mắc bệnh hiểm nghèo. Ông điều trị có phần khá âm thầm trong giai đoạn bóng đá Việt Nam (VN) có những bước phát triển vượt bậc, đứng đầu Đông Nam Á, bảo vệ được HCV SEA Games, liên tục đứng trong top 100 thế giới…
Người đặt nền tảng cho sự đổi mới
Ông Lê Hùng Dũng mất đi nhưng vẫn được nhớ đến là một người đặt nền tảng cho chiến dịch “bàn tay sắt” kiên quyết chống lại bóng đá tiêu cực, bóng đá dàn xếp tỉ số, bán độ.
Ông Lê Hùng Dũng trao danh hiệu Vinh danh Fair Play cho HLV Phạm Huỳnh Tam Lang tại giải Fair Play 2012. Ảnh: XUÂN HUY |
Thời làm chủ tịch VFF, ông từng tuyên bố: “Có chứng cứ tiêu cực, tôi loại vĩnh viễn những cầu thủ bán mình cho quỷ dữ”. Và thật vậy, khóa VII VFF thời ông làm chủ tịch, nhiều cầu thủ bán mình cho quỷ dữ và một số trọng tài vòi vĩnh các CLB… Lập tức ông lệnh cho cấp dưới loại vĩnh viễn họ khỏi đời sống bóng đá...
Những nhiệm kỳ trước ông Dũng, nhiều người cứ hô hào chống tiêu cực nhưng khi đụng chuyện thì sợ “vỡ bình” nên chống không đến nơi đến chốn, cũng đồng nghĩa với dung dưỡng cho tiêu cực. Ngược lại, khi ông làm chủ tịch VFF thì quyết liệt với chiến dịch “bàn tay sắt”, bất chấp gặp nhiều phản ứng rất mạnh mẽ.
Nhiều cầu thủ trong vòng nghi án, thường thì ông Dũng trực tiếp gặp HLV trưởng đội tuyển quốc gia và đề nghị không gọi những cầu thủ đó lên tuyển cho đến khi họ thay đổi và tiến bộ thực sự.
Phải thay đổi được bộ mặt bóng đá
Giải thích cho hành động “bàn tay sắt” của mình, ông Dũng vẫn thường chia sẻ rằng là cầu thủ, nhất là cầu thủ chuyên nghiệp thì đừng viện cớ gia đình, người thân khó khăn mà tiêu cực. Ông từng nói: “Tôi là dân doanh nghiệp, tôi không khó để “hoạch định” tài chính về thu nhập chính đáng của cầu thủ nên không đồng tình với việc bán mình rồi đổ cho nghèo khó, lừa dối khán giả, phản bội các đồng đội và hủy hoại dần nền bóng đá…”.
Nhiều lần chúng tôi trò chuyện với ông, ông tự nhận: “Tôi có tiền nhiều, quyền lực nhiều trong doanh nghiệp, đam mê và trăn trở với bóng đá, tôi phải làm thay đổi được bộ mặt bóng đá”.
Khí chất của Chủ tịch Lê Hùng Dũng cũng phần nào phản ánh lên gương mặt của ông với đường chân mày đậm, giàu cá tính, nóng nảy và thậm chí độc đoán nhưng đọng lại ở vị chủ tịch này là sự trăn trở để bóng đá VN trong sạch và đi lên.
Nhưng ông cũng là người biết lắng nghe và biết cách hòa giải. Còn nhớ cuộc đối thoại giữa các ông bầu làm bóng đá vào tháng 9-2012 do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức. Ông Lê Hùng Dũng khi đó là người đại diện cho LĐBĐ VN và cũng là doanh nghiệp làm bóng đá, từng là ông bầu bóng đá. Ông tham dự và lắng nghe rồi tìm cách hòa giải, đưa ra những phương hướng tích cực thay cho “cuộc nổi loạn của các ông bầu”. Cũng từ đó, ông đau đáu với phương án thành lập VPF và tìm dần hướng gỡ cho bức xúc của các ông bầu.
Bóng đá VN được như hôm nay không thể không nhớ đến giai đoạn quyết liệt và kể cả độc đoán để được việc, để đi đúng hướng của ông Lê Hùng Dũng.
Chủ tịch VFF đầu tiên không phải là “quan chức”
Ông Lê Hùng Dũng là chủ tịch VFF đầu tiên trong lịch sử bóng đá VN không phải là quan chức có vai vế mà VFF hay có thói quen “đặt” người có địa vị hay là người của Tổng cục Thể dục thể thao, của cơ quan nhà nước ngồi vào.
Việc đầu tiên khi có quyền là ông sẵn sàng ủng hộ những người trẻ có năng lực vào những vị trí quan trọng và bảo vệ những người đó làm bóng đá rồi ông sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết sách của mình.
Thời ông Lê Hùng Dũng làm chủ tịch cũng là lúc bầu Đức “trình làng” lứa khóa 1 Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG, một lứa cầu thủ mới ra lò làm “mát lòng” hàng triệu người hâm mộ nước nhà sau một thời gian bóng đá VN để mất niềm tin. Cũng từ đó, ông Lê Hùng Dũng “thân hơn” với bầu Đức và quý bầu Đức hơn.
Có lần chính ông Lê Hùng Dũng tâm sự với chúng tôi rằng mọi người bảo ông thấy ông Đức… sang nên bắt quàng làm họ, giữ ghế chắc hơn nhưng ông nói ngay: “Là một doanh nghiệp, tôi quý những doanh nghiệp làm bóng đá, hết mình với bóng đá. Tôi mong bóng đá VN có hàng chục người như ông Đoàn Nguyên Đức thì mới phát triển nhanh, phát triển tốt…”.
Dù thời ông Lê Hùng Dũng làm chủ tịch VFF khóa VII bóng đá VN chưa tạo nên những dấu ấn đặc biệt về mặt thành tích nhưng đó lại là giai đoạn rất quan trọng trong việc cải tổ và thay đổi bắt đầu từ làm sạch dần môi trường bóng đá và trẻ hóa, đổi mới đội ngũ làm bóng đá.
Bóng đá VN được như hôm nay không thể không nhớ đến giai đoạn quyết liệt và kể cả độc đoán để được việc, để đi đúng hướng của ông.•
Nhớ mãi gương mặt đỏ lừ giận dữ của ông Lê Hùng Dũng ở Bacolod 2005
Sau trận U-23 VN thắng U-23 Myanmar 1-0 môn bóng đá SEA Games 2005 tại Bacolod (Philippines), cánh báo chí chúng tôi rời sân Panaad thật nặng nề. Bất ngờ khi vừa ra phía ngoài sân bỗng thấy nguyên một bộ sậu VFF lúc đó gồm Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, Lê Hùng Dũng, Nguyễn Lân Trung ngồi bệt dưới gầm của một đoạn đường vượt. Gương mặt của các vị này đều trông rất mệt mỏi và khi thấy cánh báo chí VN đi ngang qua, chẳng ai nói chuyện với nhau. Riêng gương mặt ông Dũng đỏ ngầu. Tôi tiến đến gần ông Lê Hùng Dũng (đang ngồi cạnh Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ) và hỏi: “Đội thắng 1-0 vào bán kết sao trông các anh căng và buồn thế?”. Ông Dũng thở dài, bặm môi muốn trả lời nhưng thấy quá đông PV, ông nén lại không nói gì…
Sau này trở về đến gặp ông Dũng tại công ty của ông, ông kể từng chi tiết sự việc của SEA Games 2005 tại Bacolod, SEA Games mà bảy cầu thủ U-23 VN bán độ và ông tức điên vì nghĩ tại sao họ lại như thế. Sau đó ông cùng một số người có trách nhiệm làm quyết liệt đến nơi đến chốn.
Sau này gặp lại tôi, ông nói: “Hồi đấy, nhiều người cứ sợ “vỡ bình”, chúng ta mất một số cầu thủ giỏi nhưng hư hỏng nhưng bình có vỡ đâu…”.