Đại dịch giáng những đòn nặng nề xuống các doanh nghiệp du lịch, kể cả ông lớn Vietravel với gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành cũng không ngoại lệ. Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ từng ngậm ngùi chia sẻ về tình hình của doanh nghiệp mình trong giai đoạn "ngủ đông" rằng "một tuần sẽ đẩy 1 chiếc Range Rover xuống sông, hay mỗi ngày mất đi một chiếc Camry".
"Tôi xin nói rằng không doanh nghiệp nào dám báo lãi, nói thẳng thắn từ việc kinh doanh của mình, vì có kinh doanh đâu mà lời… Sau dịch chúng ta thấy ngành du lịch, ngành công nghiệp không khói tan tác", ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ tại talkshow The Next Power do VnExpress tổ chức. "Nhưng Vietravel biến tất cả những thất thoát, mất mát, thiệt hại đó thành kinh nghiệm, thành bài toán để giải quyết từng bước, từng ngày".
Vì nguồn tài chính gần như cạn kiệt, Vietravel ưu tiên tập trung vào những khâu chính, mạnh dạn "cắt rất sâu" để giảm bớt chi phí, dồn lực tập trung vào tái cấu trúc. Trước dịch, công ty có 64 văn phòng đại diện trên toàn quốc, sau dịch chỉ còn lại 29. Nhân sự cũng phải thu gọn lại, chia sâu hơn, đặc biệt là phải thay đổi một số vị trí nhân sự lãnh đạo.”
"Đó là những sự hi sinh. Vietravel phải giải tán, đóng cửa, thậm chí phải cắt bớt ‘chân, tay’ để tập trung nguồn lực cho sự thay đổi", ông Kỳ ví von.
Giống như bất kỳ doanh nghiệp nào trong ngành, Vietravel xác định đại dịch buộc họ phải trải qua 4 giai đoạn: ngủ đông, rã đông, hồi phục và phát triển. Tuy nhiên thay vì nằm im, giai đoạn đầu tiên được ông nhìn nhận là giai đoạn "ngủ đông tích cực".
Ví dụ trong giai đoạn này, Vietravel triển khai chương trình Happy Mask, khuyến khích mọi người ở nhà mùa dịch. Mặt khác, công ty cũng luôn nhắc lại những kỉ niệm tươi đẹp trước đây để mọi người không bi quan, có thể suy nghĩ tích cực hơn về tương lai.
"Chúng tôi có kinh nghiệm rằng sau khủng hoảng, không có doanh nghiệp lớn, nhỏ, không có khách hàng trung thành, tất cả đều ở một vạch xuất phát, thị trường là chân không", ông Kỳ nói.
"Rõ ràng ta thấy đại dịch là ngủ đông tích cực, đến lúc rã đông cũng phải tích cực. Nếu không, chuyển đổi chậm sẽ làm doanh nghiệp hụt hơi và không theo kịp yêu cầu thị trường".
Bán tour trên Shopee, Tiki, Lazada - Một phần của chiến lược rã đông nhanh
Chủ tịch Vietravel cho biết để rã đông nhanh, một trong những chiến lược họ hướng tới là đẩy mạnh công nghệ. Sau đại dịch, công ty đóng bớt hệ thống offline và đẩy mạnh online, không chỉ trên web mà còn trên ứng dụng điện thoại cũng như trên 3 sàn thương mại điện tử: Tiki, Shopee, Lazada.
"Đây là điều lạ và mới so với trước dịch. Trước dịch không bao giờ có chuyện đó".
Shop online của Vietravel trên Shopee...
trên Tiki...
... và trên Lazada.
Lý giải rõ hơn về điều này, ông cho biết trước dịch, rất nhiều người không có khái niệm mua hàng online và thanh toán qua mạng, nhưng sau đó, những điều này đã trở nên bình thường.
Đặc biệt, sau dịch xuất hiện một tầng lớp khách hàng mới, họ là những người trẻ của thế hệ GenZ, sinh ra trong giai đoạn 1997-2001, thế hệ lớn lên với Internet và công nghệ. Tất nhiên, vẫn còn đó thị trường truyền thống là những khách hàng đến văn phòng đăng ký tour trực tiếp, nhưng thị trường của GenZ được ông Kỳ đánh giá là mới hoàn toàn. Họ thuộc thế hệ "ít chạm" và dùng nhiều công nghệ hơn, buộc công ty phải bán trên môi trường online nhiều hơn.
"Chúng tôi nhận thức rằng xã hội sau dịch là xã hội mới, hình thành nên thị trường mới với những nhu cầu mới. Chúng tôi phải nhanh chóng chiếm lĩnh những thị trường còn đang bỏ ngỏ".
"Trước dịch không bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện mở 3 cửa hàng trên 3 sàn thương mại điện tử nhưng sau dịch chuyện đó là tự nhiên và tự thân phải có".
Ngoài chuyện bán tour trên sàn thương mại điện tử, sau dịch, Vietravel còn tích cực liên kết với các doanh nghiệp trong ngành. Ông Kỳ đánh giá ngành du lịch khi còn khỏe mạnh thì "mỗi ông đi một kiểu", nhưng khi đã bị thương thì sẽ kết nối lại, đó là sự thuận lợi và cần thiết, giúp tất cả cùng nhanh chóng hồi phục hơn.
Chẳng hạn trước đây Vietravel mạnh về tour dành cho khách nước ngoài vào Việt Nam còn du lịch trong nước chỉ ở mức độ trung bình. Tuy nhiên sau dịch, tập đoàn hướng tới thu hút mạnh mẽ du khách nội địa bằng cách tập trung nguồn lực khai thác những giá trị mà trước dịch chưa được quan tâm, ví dụ những chương trình ngắm hoàng hôn, khám phá ẩm thực, khám phá điểm đến,… Việc này đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ ngành công nghiệp du lịch và tạo thành hệ sinh thái tuần hoàn trong kinh doanh.
Trong dự báo của Chủ tịch Vietravel, thời kỳ "bình thường mới" của ngành du lịch chỉ trở lại vào năm 2024-2025 do thời gian chữa lành phải mất 2-3 năm.
Ông nhận định hầu hết các quốc gia sẽ mở cửa du lịch vào khoảng cuối năm 2022, đầu năm 2023, đặc biệt là ba thị trường khách nước ngoài chủ đạo của Việt Nam gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (gọi chung là khu vực Đông Bắc Á).
Ông cũng đánh giá từ năm 2023-2025 là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam được định hình trở lại, tâm lý xã hội và yêu cầu xã hội theo đó được cải thiện hoàn toàn và "khi đó, chúng ta sẽ thấy một thế giới phẳng như năm 2019".
"Nếu chúng ta không thay đổi nhanh, biến hình nhanh mà còn lưu luyến thì sẽ bị bỏ lại".
http://tintuc.vdong.vn/06/1391882.htmNhật Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế