Một cuộc điều tra nằm trong Sách Trắng về bình đẳng giới được chính phủ Nhật Bản công bố trong tháng này cho thấy, 40% nam giới ngoài 20 tuổi ở nước này chưa từng hẹn hò.
Theo Mainichi, cuộc điều tra được tiến hành đối với 20.000 người trong độ tuổi từ ngoài 20 đến ngoài 60 và diễn ra từ tháng 12/2021 - 1/2022. Những người tham gia trả lời các câu hỏi liên quan tới hôn nhân và thu nhập.
Trong số những người tham gia khảo sát có 54,6% nam giới và 62,6% nữ giới ngoài 30 tuổi đã kết hôn.
Đáng nói, kết quả điều tra cho thấy, 4/10 đàn ông độc thân ngoài 20 tuổi ở Nhật Bản chưa từng hẹn hò. Ngoài ra, khoảng 35% đàn ông ngoài 30 tuổi ở đất nước Mặt trời mọc cũng chưa bao giờ hẹn hò. Và tỷ lệ này ở độ tuổi ngoài 40 là 22%.
Đối với nữ giới, kết quả khảo sát có sự chênh lệch khá lớn so với nam giới. Theo đó, khoảng 25% phụ nữ ngoài 20 tuổi cho biết họ chưa từng hẹn hò, phụ nữ ngoài 30 tuổi là 22% và ngoài 40 tuổi là 12%.
Cứ 4 người độc thân ngoài 30 tuổi bất kể nam hay nữ thì có 1 người chia sẻ họ không có ý định kết hôn. Cụ thể theo kết quả khảo sát, nam giới độc thân ngoài 30 tuổi ở Nhật Bản không muốn kết hôn là 26,5%, và tỷ lệ này ở nữ giới độc thân là 25,4%.
Nhóm ngoài 20 tuổi còn độc thân hy vọng được kết hôn ở nam giới là 19,3% và 14% ở nữ giới. Nhóm ngoài 30 tuổi chưa từng kết hôn và còn độc thân mong muốn lấy vợ/chồng là 46,4%.
Cả nam và nữ tham gia khảo sát đều cho hay mong muốn được tự do là nguyên nhân chính khiến họ không tính tới chuyện kết hôn. Điển hình như phụ nữ, mối lo sợ về mất việc, bất ổn tài chính và gánh nặng chăm sóc con cái cùng việc nhà là những lý do khiến họ chọn cuộc sống độc thân.
Trong khi đó, đàn ông lo sợ không đủ khả năng tài chính và công việc bấp bênh nên cũng không dám kết hôn.
Thêm một lý do khác khiến số lượng phụ nữ Nhật Bản không muốn kết hôn nhiều hơn nam giới là do quy định đổi họ. Bộ luật Dân sự của Nhật Bản quy định vợ/ chồng phải mang cùng một họ sau khi kết hôn.
Điều này có nghĩa là một trong hai người phải đổi họ theo quy định của pháp luật, và đa phần là phụ nữ. Việc mang họ khác nhau sau khi kết hôn chỉ được cho phép trong trường hợp vợ/chồng có quốc tịch khác nhau.
Cũng theo kết quả của cuộc điều tra, tỷ lệ sinh đẻ ở Nhật Bản đang ở mức thấp báo động. Hồi tháng Năm, tỷ phú công nghệ Elon Musk từng đưa ra nhận định rằng Nhật Bản sẽ "bị xóa sổ", nếu như không thể tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh chào đời.
Vào năm 2021, Nhật Bản ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với chỉ 811.604 trẻ chào đời.
Cũng theo Sách Trắng về bình đẳng giới của chính phủ Nhật Bản, số lượng cặp đôi kết hôn trong năm 2021 ở nước này đã giảm còn khoảng 514.000. Đây là con số thấp kỷ lục sau thời kỳ chiến tranh ở Nhật Bản.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng tỷ lệ sinh đẻ sụt giảm ở Nhật Bản chịu tác động từ sự hoành hành của dịch bệnh Covid-19 , và sẽ tiếp tục rơi xuống mức thấp hơn nữa so với trước thời kỳ dịch bệnh xuất hiện.
Theo Minh Thu
Infonet