Tài xế khóc ròng, doanh nghiệp bán xe
Trao đổi với báo Lao Động, anh Phạm Minh Hà, tài xế xe khách tuyến Đà Nẵng – Đắk Lắk cho biết, với giá xăng dầu như hiện nay, chạy chỉ để giữ khách chứ càng chạy nhiều càng lỗ. Mỗi chuyến hết khoảng 8 triệu tiền dầu nhưng khách đi rất ít. Chuyến nào may mắn kín ghế thì mới có lãi nhưng đa phần là lỗ.
Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cũng cho hay, giá nguyên liệu phụ thuộc vào giá cước 40%, do đó, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng rất lớn.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng lên khoảng 11.000 đồng/lít. Như vậy, nếu tăng theo đúng lộ trình là tăng 24% giá cước.
Hiện nay, ngành vận tải gánh chịu chi phí đầu vào rất lớn bởi các nguyên liệu khác cũng đều tăng theo giá xăng dầu.
Đối với vận tải hàng hóa, lẽ ra điều chỉnh tăng từ 20 - 30% mới phù hợp được với cơ cấu giá đầu vào và đầu ra. Tuy nhiên, khách hàng cũng trải qua giai đoạn đầy khó khăn do Covid-19 và chưa phục hồi, nay giá xăng dầu tăng khiến đứt gãy thị trường xuất nhập khẩu, làm ảnh hưởng nặng nề đến ngành vận tải.
Nếu những hợp đồng vừa ký từ đầu năm 2022 đến nay thì rất khó để đàm phán tăng giá cước hoặc tăng thì ở một khoảng ít. Với tình hình thế giới hiện tại, trong năm nay, giá xăng dầu sẽ rất khó ổn định trở lại.
“Các nhà vận tải hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp cố gắng theo, nhưng những doanh nghiệp quy mô lớn thì rất khó, bởi không ai đi với giá thấp đó. Rất nhiều thành viên của chúng tôi không chạy, bởi càng chạy càng lỗ. Và cũng có nhiều người bán xe”, ông Hiệp thông tin.
Ông Hiệp lý giải, hiện tại với xe container đậu một chỗ thì tốn phí mỗi ngày khoảng 1 triệu đồng, giá cước không tăng, hàng hóa ít, nếu chạy thì chỉ có lỗ nên có người chấp nhận bán hàng chục chiếc xe.
Không chỉ vậy, những tài xế chạy xe công nghệ cũng như ngồi trên đống lửa. Chia sẻ với VOV, tài xế Hoàng Văn Khắc cho biết, ngày trước chỉ cần đổ 300.000 đồng là có thể đi cả ngày, nhưng bây giờ phải đổ 500.000 đồng mới đủ. Chiếc xe ô tô trả góp là cần câu cơm của gia đình anh Khắc. Làm nghề chạy xe, tiền tươi thóc thật, thu nhập một ngày có thể tính ra tiền gạo, tiền rau, tiền thịt.
Nghề lái xe xem xăng như máu. Những bác tài hóng giờ điều chỉnh xăng tăng giá nhiều hơn những người khác. Bởi đó là tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt phí. Các hãng xe đều có thông báo giá cước điều chỉnh vì xăng tăng, thế nhưng với các tài xế điều đó không thấm vào đâu cả. Việc điều chỉnh giá xăng lần nào cũng khiến các tài xế thót tim.
Thực phẩm thiết yếu tiếp tục tăng giá
“Nương” theo giá xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu cũng cũng bắt đầu điều chỉnh tăng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Điển hình, Sở Tài chính Tp.Hồ Chí Minh đã có chấp thuận đề xuất tăng giá trứng gia cầm tham gia Chương trình Bình ổn thị trường Tp.Hồ Chí Minh và sẽ chính thức áp dụng từng ngày 15/6/2022.
Trong số đó, giá sản phẩm trứng gà loại 1, có giá bán lẻ hiện hành 29.500 đồng/10 quả/vỉ lên 31.500 đồng/10 quả/vỉ, tăng 6,78%; sản phẩm trứng gà loại 1 có giá bán lẻ hiện hành 17.700 đồng/6 quả/vỉ lên 18.900 đồng/6 quả/vỉ, tăng 6,78%.
Còn sản phẩm trứng vịt loại 1 có giá bán lẻ hiện hành 35.000 đồng/10 quả/vỉ lên 37.000 đồng/10 quả/vỉ, tăng 5,71%; trứng vịt loại 1 có giá bán lẻ hiện hành 21.000 đồng/6 quả/vỉ lên 22.200 đồng/6 quả/vỉ, tăng 5,71%.
Hiện tại, sản phẩm trứng gia cầm tham gia Chương trình Bình ổn thị trường Tp.Hồ Chí Minh được cung ứng bởi Công ty cổ phần Ba Huân, HN-PT Đông Hưng, Vĩnh Thành Đạt, C.P Việt nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp.Hồ Chí Minh... Ngoài giá bán các mặt hàng nêu trên tham gia Chương trình Bình ổn thị trường Tp. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp tham gia chương trình được quyền chủ động thực hiện khuyến mãi, giảm giá phù hợp với tình hình thực tế thị trường và chiến lược kinh doanh của công ty.
Theo Báo Tin tức, một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm tại Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trong giai đoạn thị trường gặp khó khăn về sức mua, không đơn vị nào muốn tăng giá thành sản phẩm, nhưng cho phí nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng bắt buộc phải cơ cấu lại mặt bằng giá cả. Bên cạnh đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không chỉ với đời sống sinh hoạt hàng ngày mà còn phục vụ cho sản xuất, vận chuyển, phân phối, bán lẻ...
Để đồng hành cùng doanh nghiệp và chia sẻ thách thức trong mua sắm, tiêu dùng với người dân, từ ngày 15/6 đến ngày 15/7/2022, ngành Công Thương Tp. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp cùng đơn vị liên ngành tổ chức Chương trình Khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm trên địa bàn Thành phố năm 2022 (đợt 1), chủ đề “Tưng bừng mua sắm Hè 2022”. Đồng thời, kết hợp tổ chức sự kiện hội chợ Khuyến mại “Shopping Season”, từ ngày 28/6 đến ngày 3/7/2022 nhằm trưng bày, mua bán sản phẩm từ các doanh nghiệp có thương hiệu của Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành, với dự kiến mức khuyến mại từ 30-100%.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, ngành công thương thành phố vận động doanh nghiệp tham gia và xác định đây là cơ hội tạo sự cộng hưởng, lan tỏa hoạt động khuyến mại đạt hiệu quả cao nhất có thể. Tính đến thời điểm này, Ban tổ chức ghi nhận nhiều doanh nghiệp lớn đã đăng ký tham gia chương trình, giảm giá đến 70-80%, giá trị hàng hóa khuyến mại lên đến 100% (mua 1 tặng 1) với tổng giá trị hàng hóa khuyến mại từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng.
Du lịch gặp khó
Vài tháng trở lại đây, nhu cầu đi du lịch của khách trong dịp hè rất đông với cả khách lẻ và khách đoàn đem lại kỳ vọng cho ngành du lịch sau hơn 2 năm "ngủ đông". Tuy nhiên, giá xăng dầu vượt 32.000 đồng/lít đang đẩy chi phí đầu vào tất cả dịch vụ lên từ 10%-30% khiến doanh nghiệp (DN) đứng ngồi không yên.
Theo ghi nhận của Người Lao động, tại nhiều công ty du lịch, nhu cầu đặt tour trọn gói và dịch vụ như vé máy bay, khách sạn, nhà hàng… của du khách tăng mạnh khi ngành du lịch bước vào mùa cao điểm hè.
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist dự kiến sẽ phục vụ hơn 280.000 lượt khách trong mùa hè 2022. Con số này có thể cao hơn do nhu cầu của thị trường về du lịch trong và ngoài nước vẫn đang tăng mạnh. Với những tour trọn gói đã chốt, giá tour không thay đổi và hiện DN bắt đầu triển khai dịch vụ cho du khách. Lữ hành Saigontourist đang mở bán tour khởi hành từ tháng 10 trở đi hoặc đáp ứng nhu cầu của khách đặt tour lẻ phát sinh.
Hè là mùa cao điểm nhất trong năm với ngành du lịch, nhất là ở giai đoạn phục hồi và nhu cầu thị trường đang cao nên các DN nỗ lực đáp ứng nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, DN chưa kịp phục hồi thì nguy cơ gặp phải cú sốc từ giá xăng dầu tăng cao liên tục thời gian qua.
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho biết khi giá xăng dầu vượt qua mốc 30.000 đồng/lít và hiện tại vượt 32.000 đồng/lít, giá nhiều loại dịch vụ khác trong chuỗi cung ứng của ngành du lịch cũng tăng theo từ 10%-30%. Với các tour đã ký kết với khách hàng (tour trọn gói), DN không phụ thu thêm được nên phải chịu lỗ.
"Một số tour tới Đà Nẵng chuẩn bị khởi hành, đơn vị vận chuyển ôtô vừa bất ngờ thông báo sẽ tăng giá vì giá xăng tăng khiến chúng tôi trở tay không kịp. Với những tour sắp tới trong dịp hè, giá tour sẽ phải tăng theo thị trường khiến du khách có thể sụt giảm hoặc dè dặt đặt tour. Diễn biến này ảnh hưởng tiêu cực khi ngành du lịch đang dần phục hồi sau 2 năm "ngủ đông", ông Phạm Quý Huy nói.
Với những tour đang bán cho khách, một số DN đã thông báo điều chỉnh giá tour và khó tránh bị khách hàng phản ứng. Khách sẽ cân nhắc đặt tour hoặc chọn những chương trình có chi phí thấp hơn như tour 3 ngày đổi thành 2 ngày; ở khách sạn 5 sao xuống còn 4 sao…
Trao đổi thêm với Người Lao đông, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, Vietluxtour, nhận định giá xăng dầu tăng cao đang tác động đến tất cả ngành kinh tế trong đó có du lịch vì đây là ngành kinh tế tổng hợp. Đến thời điểm này, giá vé máy bay, giá ôtô vận chuyển đều đã tăng lên khá cao, khoảng 20%, không còn "tăng nhẹ" như trước. Nếu so vé máy bay hiện tại và vài tháng trước - thời điểm DN lữ hành đặt dịch vụ - thì chênh lệch cả triệu đồng/khách nên sẽ rất khó cho những tour mở bán mới.
"Thời điểm này vẫn đang là giai đoạn phục hồi của ngành, DN cũng rất muốn duy trì mức giá thấp hoặc chương trình khuyến mãi để kích cầu nhưng trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng mạnh hiện nay là rất khó", ông Nguyễn Ngọc An bộc bạch.
Chi phí đầu vào tăng cao đẩy giá thành tour lên nhưng các DN cho hay không dễ tăng mạnh giá tour vì như vậy khách sẽ "quay lưng". Các DN lữ hành lo ngại lượng khách có thể giảm và "hạ nhiệt" trong thời gian tới. Ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, cho rằng các tour du lịch bình dân sẽ chịu tác động mạnh hơn tour cao cấp do chi phí vận chuyển, thực đơn trong các bữa ăn tăng. Còn tour cao cấp chịu tác động ít hơn do chi phí giá tour chủ yếu là chi phí lưu trú. Nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh bằng khoảng 80% so với thời điểm trước dịch nhưng chủ yếu là phân khúc trung, cao cấp trong khi phân khúc bình dân tăng chậm hơn.
Giải pháp nào cho giá xăng dầu?
Ở nước ta, thời gian qua, dù giá xăng dầu tăng liên tiếp nhưng nguồn cung vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, ở nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ gây nhiễu loạn thị trường. Để giải quyết tình trạng này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nhà nước nên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nhanh, kịp thời, thông tin những đơn vị nào làm sai để tạo sức ép dư luận, thậm chí có thể xử phạt, tạm dừng hoặc rút giấy phép kinh doanh. Bên cạnh đó cũng cần có những nghiên cứu, phân tích cũng như công tác chuẩn bị dự trữ đảm bảo nguồn cung giúp thị trường ổn định.
So với các nước trên thế giới thì hiện nay mức thuế liên quan đến xăng dầu ở nước ta còn cao (khoảng 30-40%), nếu trong thời điểm này nhà nước thực hiện giảm thuế thậm chí không thu thuế nữa thì giá xăng sẽ giảm chỉ còn khoảng 20 nghìn/lít.
Tại dự án Luật giá sửa đổi đang được xin ý kiến của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, ông Nguyễn Công Hùng, chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội hoàn toàn ủng hộ.
Theo ông, quỹ bình ổn giá xăng dầu là một thể chế phi thị trường. Mỗi khi lập và trích quỹ đều có tác động không nhỏ đến thị trường, làm mất đi tính dự báo của thị trường. Hiện nay, cả nước có 10 đơn vị đầu mối có quy mô dự trữ khác nhau trong khi thời gian và mức xả quỹ thì giống nhau, nếu không xả hết sẽ dẫn đến tình trạng tham nhũng, thất thoát. Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần điều chỉnh để đưa quỹ bình ổn giá xăng dầu vào quỹ an ninh năng lượng quốc gia.
Một giải pháp căn bản cũng cần được nhắc tới đó là Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng cần tiếp tục gia tăng lượng cung trong nước để bù lại lượng thiếu hụt của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, tăng cường nhập bổ sung xăng dầu từ những nguồn giá rẻ, tích cực điều phối các cơ sở đầu mối và hệ thống phân phối để tránh trường hợp bên thừa bên thiếu, và đặc biệt là tránh tâm lý ngộ nhận, tát nước theo mưa. Khi các giải pháp này được thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt, khi đó giá xăng dầu trong nước sẽ hạ nhiệt, công việc và thu nhập của tài xế sẽ được cải thiện.
Hương Anh (tổng hợp)