Hiện nhiều nhà quan sát cho rằng Mỹ đang mất dần lợi thế quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương so với Trung Quốc. Trong số này có ông Ashley Townshend - thành viên cấp cao về an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế và ông James Crabtree - Giám đốc điều hành văn phòng châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh). Trong một bài viết trên tờ The New York Times, hai ông đã gợi ý những điều Mỹ nên làm để xoay chuyển tình thế.
Sức mạnh quân sự Trung Quốc gia tăng ở châu Á – Thái Bình Dương
Hai chuyên gia cho rằng khó có thể phủ nhận sức mạnh quân sự Trung Quốc đang gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Điều này trước hết thể hiện ở việc Bắc Kinh sẵn sàng thử phản ứng của Mỹ và các đồng minh châu Á. Gần đây Trung Quốc đã cho các chiến đấu cơ áp sát máy bay trinh sát của Úc và Canada khi chúng đang làm nhiệm vụ ở khu vực không phận quốc tế, cho máy bay thâm nhập vào không phận Đài Loan.
Thứ hai, Bắc Kinh theo dõi sát sao các tàu chiến Mỹ và cử lực lượng tuần duyên tăng cường hoạt động ở Biển Đông, thậm chí còn chạm trán với các tàu của Philippines, Malaysia và Indonesia. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nỗ lực xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Tàu chiến Trung Quốc và Nga trong cuộc tập trận hải quân Joint Sea-2021 vào ngày 15-10-2021. Ảnh: CHINA MILITARY |
Thứ ba, ở phía nam Thái Bình Dương, Trung Quốc đang tích cực xúc tiến hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh với các quốc đảo ở khu vực này.
Hiện Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và lực lượng không quân lớn nhất châu Á, cùng kho tên lửa lớn được thiết kế để ngăn chặn sức mạnh quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương nếu khủng hoảng xảy ra. Trung Quốc vừa mới ra mắt hàng không mẫu hạm thứ ba và cũng là tàu chiến tân tiến nhất của mình.
Mỹ đang mất lợi thế quân sự ở khu vực
Trong khi quân đội Trung Quốc ngày càng phát triển về sức mạnh, độ tinh vi và sự tự tin thì khả năng răn đe quân sự do Mỹ dẫn đầu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang bị lung lay. Một lý do có thể giải thích cho vấn đề này là trong khoảng thời gian dài trước đây, Mỹ dường như sao nhãng chiến lược quốc phòng của mình ở châu Á khi dù coi thách thức của Trung Quốc là quan trọng nhưng lại đánh giá là không cấp bách.
Về sự hiện diện quân sự trong khu vực, Mỹ có khoảng 55.000 quân ở Nhật và 28.000 quân ở Hàn Quốc. Thêm vài nghìn quân nữa được triển khai trên khắp nước Úc, Philippines, Thái Lan và đảo Guam. Đáng nói là con số này dường như không thay đổi kể từ những năm 1950.
Thêm nữa, các kế hoạch phục hồi sự hiện diện của Mỹ đã bị cản trở do ngân sách không đủ, do phải đặt các ưu tiên khác lên trên và thiếu đồng thuận ở Washington về cách đối phó với Trung Quốc.
Lầu Năm Góc đã tăng cường đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, hệ thống mạng và không gian vũ trụ để chuẩn bị cho một cuộc xung đột công nghệ cao với Trung Quốc có thể xảy ra vào những năm 2030. Tuy nhiên, nếu Mỹ không sớm biến các nguồn lực mới này thành hiện thực thì cán cân quyền lực có thể thay đổi theo hướng nghiêng về Trung Quốc.
Các tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường USS Preble (DDG 88), USS Halsey (DDG 97) và USS Sampson (DDG 102). Ảnh: HẢI QUÂN MỸ |
Hồi cuối tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu quốc hội phê duyệt khoản chi ngân sách quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay, nhưng có vẻ phần lớn khoản tiền gia tăng này dù có được duyệt cũng sẽ bị tình trạng lạm phát làm mất giá. Do đó, về mặt hình thức Mỹ chi “khủng” nhưng thực tế lại chẳng cải thiện được bao nhiêu.
Một vấn đề nữa là trong khi quân đội Mỹ phân tán trên toàn cầu thì Trung Quốc có thể tập trung lực lượng ở khu vực lân cận mình để giành chiến thắng, nếu xung đột xảy ra. Thêm nữa, khả năng quân sự Trung Quốc không thể được xem nhẹ.
Vị trí quân sự của Mỹ ở châu Á đang mờ nhạt do hàng thập niên Washington mải bận tâm đến các cuộc xung đột Trung Đông, Nam Á. Chính quyền ông Biden đã kết thúc sự can dự kéo dài và tốn kém của Mỹ ở Afghanistan nhưng điều này không tăng thêm nguồn lực cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao nhiêu.
Thêm nữa, một mối bận tâm khác có thể làm sao nhãng Mỹ là cuộc chiến ở Ukraine. Vì cuộc chiến này Mỹ đã phải viện trợ cho Ukraine hàng chục tỉ USD, đồng thời phải tính toán lại chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh quốc gia.
Trong bài phát biểu tại hội nghị quốc phòng Đối thoại Shangri-La ở Singapore đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng tâm của chiến lược lớn của Mỹ” nhưng lại đưa ra rất ít các nguồn lực hoặc cam kết mới với khu vực này.
Làm sao để Mỹ lật ngược thế cờ?
Theo hai chuyên gia Townshend và Crabtree, để xoay chuyển tình thế, Mỹ phải ưu tiên chú ý đến mối đe dọa từ Trung Quốc, củng cố sức mạnh quân sự ở châu Á, cung cấp cho Úc, Nhật và Ấn Độ khả năng quân sự và công nghệ tinh vi hơn để củng cố chiến lược phòng thủ tập thể.
Mỹ cũng cần khẩn trương mở rộng “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương”. Sáng kiến này sẽ hướng các khoản chi tiêu bổ sung vào việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở phía tây Hawaii bằng cách phân bổ lực lượng nhiều hơn, cải thiện hậu cần, phòng không cũng như các biện pháp khác.
Theo các chuyên gia, những động thái này rất cần thiết để tăng cường hiện diện nếu có khủng hoảng quân sự xảy ra. Tuy nhiên, sáng kiến này hiện đang rơi vào tình trạng thiếu kinh phí và bị nhiều người chỉ trích rằng các ưu tiên hàng đầu của sáng kiến không được đáp ứng.
Tàu chiến của Mỹ và Nhật tập trận chung tại biển Nhật Bản ngày 12-4. Ảnh: AP |
Bên cạnh đó, Mỹ có thể củng cố năng lực quân sự của mình trong khu vực bằng cách tăng từ 5 lên 6 tàu ngầm tấn công đóng tại đảo Guam. Mỹ có thể mở rộng các hoạt động hàng hải ở Thái Bình Dương và triển khai nhiều máy bay chiến đấu, tàu chiến, máy bay không người lái và tên lửa tầm xa tiên tiến hơn đến khu vực.
Washington cũng nên hỗ trợ Úc và Nhật trong việc chế tạo tên lửa tầm xa bằng cách chia sẻ tài sản trí tuệ, đồng thời cung cấp thêm vũ khí cho Ấn Độ và tăng cường tài trợ quân sự nước ngoài trong khu vực. Cùng với đó Mỹ có thể có một quỹ chuyên dụng để tăng cường khả năng răn đe của Đài Loan.
Theo hai chuyên gia, tất cả những điều đó có thể vẫn chưa đủ, bởi thách thức do Trung Quốc đặt ra đang trở nên lớn đến mức Mỹ không còn có thể duy trì sự cân bằng sức mạnh quân sự ở châu Á.
Các chuyên gia đánh giá rằng Washington đã có bước đi đầu tiên và rất táo bạo nhằm chia sẻ gánh nặng an ninh cho các đồng minh thông qua thỏa thuận quốc phòng AUKUS giữa Úc, Anh và Mỹ được công bố vào năm ngoái. Theo đó nước này sẽ làm việc với Anh để cung cấp cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và cùng phát triển các công nghệ quân sự tiên tiến khác.
Tuy nhiên, các tàu ngầm sẽ không được đưa vào hoạt động cho đến cuối những năm 2030 và các nỗ lực hợp tác khác của AUKUS sẽ đòi hỏi những cải cách khó khăn vì các hạn chế lâu nay của Mỹ về việc chia sẻ công nghệ an ninh quốc gia nhạy cảm.