Nhiều cổ phiếu đang có giá chưa bằng một ly trà đá - Ảnh: BÔNG MAI
Tràn ngập "cổ phiếu giá trà đá"
Thị trường chứng khoán rơi vào xu hướng giảm, chỉ số VN-Index rớt xuống mốc 1.217 điểm, tương đương mất 311 điểm kể từ đỉnh lịch sử lập vào hồi đầu năm. Trong khoảng thời gian trên, chỉ tính riêng vốn hóa sàn chứng khoán TP.HCM - HoSE cũng bị "bốc hơi" hơn 1,1 triệu tỉ đồng.
Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp ngành thép (HPG, HSG, NKG...), ngành chứng khoán (SSI, VND, FTS...), ngành ngân hàng (MBB, TPB, TCB...) từng được tung hô hết mực vì mang đến khoản lãi bằng lần, giờ giá đã bị giảm 30 - 60% so với mốc đỉnh. Trong khi nhiều người mua trúng thời kỳ suy giảm đang phải ôm khoản lỗ lớn, cũng có không ít người chờ cơ hội mua vào.
Đáng chú ý, toàn thị trường hiện có tới 194 mã có thị giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu (sàn HoSE 20 mã, sàn HNX 28 mã, sàn UPCoM 146 mã).
Theo đó, top 3 mã có thị giá thấp nhất trên sàn HoSE đều rơi vào "họ FLC", gồm: HAI (Nông dược H.A.I, 2.090 đồng/cổ phiếu), ROS (Xây dựng FLC Faros, 2.360 đồng/cổ phiếu) và AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone).
Trong khi đó, ACM (Khoáng sản Á Cường, 1.500 đồng/cổ phiếu), LCS (Licogi 166, 2.200 đồng/cổ phiếu), BII (Louis Land - doanh nghiệp liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân, chủ tịch Louis Holdings, mới bị bắt vì thao túng chứng khoán, 2.700 đồng/cổ phiếu) là ba mã chứng khoán dẫn đầu danh sách có thị giá thấp nhất sàn HNX.
Sàn UPCoM đang chứa 16 mã có thị giá dưới 1.000 đồng. Trong đó các mã đứng đầu bảng xếp hạng thị giá thấp lần lượt thuộc về DNN (Cấp nước Đà Nẵng, 200 đồng/cổ phiếu), PTG (May xuất khẩu Phan Thiết, 200 đồng/cổ phiếu), CPH (Phục vụ mai táng Hải Phòng, 300 đồng/cổ phiếu) và X77 (Thành An 77, 300 đồng/cổ phiếu).
Trong rổ cổ phiếu có thị giá chưa bằng ly trà đá, rất nhiều mã thuộc "danh sách đen". Riêng sàn UPCoM có 146 mã dưới 5.000 đồng, thì 1/3 đang trong diện "bị kiểm soát", "cảnh báo"...
Có nên gom "cổ phiếu trà đá" chờ thời?
Khi cổ phiếu rơi xuống vùng giá thấp, bên cạnh những người chỉ muốn cắt lỗ, thì vẫn có người kháo nhau mua vào.
"Giá thấp quá rồi, đang rẻ, tính gom một ít hy vọng chục năm nữa ăn bằng lần", anh T.Nam (nhà đầu tư) chia sẻ, khi thấy cổ phiếu của Tập đoàn FLC hiện rơi xuống giá 3.920 đồng, tương đương giảm 83% so với mốc đỉnh hồi đầu năm. Kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị phanh phui vụ "bán chui" cổ phiếu và bị bắt giam vì thao túng chứng khoán, cổ phiếu "họ FLC" liên tục nằm sàn.
Đồng hành thị trường, ông Nguyễn Anh Vũ - phó trưởng khoa tài chính Trường đại học Ngân hàng TP.HCM - cho biết, một cổ phiếu có 4 loại giá: mệnh giá, giá trị sổ sách, giá thị trường và giá trị nội tại.
"Nhìn lướt qua một cổ phiếu có giá 2.000 - 3.000 đồng thì thấp, nhưng rẻ hay không cũng phụ thuộc sức khỏe doanh nghiệp trong hiện tại và tiềm lực tương lai. Nếu doanh nghiệp làm ăn sa sút, mục rỗng bên trong, sắp bị hủy niêm yết, sắp phá sản... thì 2.000 - 3.000 đồng cũng chưa chắc rẻ, nhiều khi còn đắt", ông Vũ cho hay.
Trường hợp bị hủy niêm yết, giá cổ phiếu thường lao dốc mạnh, thanh khoản chạm đáy, đôi khi không xuất hiện giao dịch, nhà đầu tư khó cắt lỗ, bị "chôn vốn". Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp phá sản thì nhà đầu tư phải chờ mòn mỏi để nhận được một phần tiền từ thanh lý tài sản.
Lựa chọn mua cổ phiếu đang bị giảm giá sâu của những doanh nghiệp có nền tảng tốt, hay mua "cổ phiếu trà đá", "cổ phiếu rác", theo ông Vũ: "Tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Dĩ nhiên nếu đó là một doanh nghiệp có nội lực tốt, hoạt động trong ngành nghề hứa hẹn tiềm năng lợi nhuận cao, nếu nhà đầu tư nào đồng hành trong lúc doanh nghiệp khó khăn thì nhiều khả năng sẽ được đền đáp xứng đáng".
Với nhìn từ quỹ đầu tư, chia sẻ tại Hội nghị Invest ASEAN, ông Lê Anh Tuấn - phó tổng giám đốc đầu tư, kinh tế gia trưởng Dragon Capital - cho biết vào năm 2012 khi lạm phát cao, nền kinh tế đi xuống, VN-Index chạm đáy 350 điểm, nhiều nhà đầu tư lo lắng, nhưng hai quỹ đầu tư nổi tiếng nói rằng thị trường Việt Nam đang "ngồi trên mỏ vàng".
10 năm sau nhiều cổ phiếu đã tăng 30-50 lần, nhận định trên đã đúng. Hiện chứng khoán Việt Nam đang rẻ hơn khu vực, nếu lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết vẫn tăng, thị trường được nâng hạng, rõ ràng "chúng ta đang nằm trên mỏ vàng trong vòng 5 năm tới".
Tuy nhiên, cần lưu ý vàng ròng chỉ dành cho người biết chọn đúng cổ phiếu và đúng thời điểm, và không phải lúc nào "rác" cũng hóa thành vàng.
TTO - Sau nhiều tháng lao dốc, đến nay nhiều cổ phiếu "họ FLC" đã bị rớt xuống quanh giá 2.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 85-90% giá trị kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" cổ phiếu và bị bắt giam.
Xem thêm: mth.30693123191602202-aig-iad-hnaht-ioht-ohc-ed-ad-art-ueihp-oc-mog-nen-oc/nv.ertiout