Hầu như tháng nào cũng có chuyện nắp cống, hộ lan cao tốc, các thiết bị công cộng khác bị trộm, gây hệ lụy rất lớn, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Ngoài việc xử lý những người trộm cắp, các chuyên gia nêu giải pháp để chấm dứt vấn nạn này.
Nghi phạm Nguyễn Văn Thái trộm hàng loạt nắp chắn rác trên cầu Thủ Thiêm 2 và đơn vị thi công phải thay bằng nắp gỗ. Ảnh: NT |
Tháng nào cũng có vụ trộm thiết bị công cộng
Mới nhất, ngày 15-6, nhà thầu tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cho biết bị mất trộm hơn 13.000 chiếc kẹp ray trong tổng số hơn 20.000 chiếc được thiết kế. Khóa kẹp ray này là thiết bị dùng để cố định, liên kết các thanh ray và thanh nối tà vẹt.
Còn trong tháng 5, chỉ huy trưởng ban thi công của Công ty Thiên An (phụ trách thi công cầu Thủ Thiêm 2) cho biết sáng 4-5 và 5-5 ghi nhận mất trộm hàng chục nắp chắn rác (làm bằng gang) của cống thoát nước trên cầu Thủ Thiêm 2. Các nắp chắn rác này sẽ được đặt hàng lại và công ty đã thay tạm những nắp chắn rác bị mất bằng gỗ.
Chưa hết, vào tháng 4, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết 52 khoang lưới rào B40 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã bị lấy trộm.
Hồi tháng 3, Công an quận Tân Phú (TP.HCM) cho biết một số tuyến đường trên địa bàn xảy ra tình trạng trộm cắp tấm chắn rác tại các hố ga. Tình trạng này không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, ách tắc hệ thống thoát nước.
Trước đó, trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng xảy ra tình trạng các đối tượng trộm cắp cắt dây cáp điện cấp nguồn cho hệ thống chiếu sáng tại khu vực nút giao Dầu Giây, nơi có độ cong lớn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.
Thống kê từ VEC cho thấy từ năm 2016 đến nay, riêng tại địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã xảy ra 30 vụ trộm cắp các thiết bị công cộng phục vụ cho đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 400 triệu đồng. Tài sản đường cao tốc mà các đối tượng trộm cắp thường nhắm đến là dây cáp điện chiếu sáng, dây tiếp địa, nắp trụ hộ lan, tấm đệm, tấm gang nhỏ, trụ kẽm gai… thuộc kết cấu hạ tầng, hệ thống an toàn giao thông đường cao tốc.
Người thu mua, chủ vựa ve chai thu mua các trang thiết bị ở các công trình, công trường… sẽ phải đối diện với cáo buộc vào hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
“Cần báo ngay cho công an”
Ngày 19-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM, cũng nêu những khuyến cáo đến người dân về nạn trộm, mua bán… các thiết bị của các công trình, cơ sở hạ tầng công cộng.
Theo lãnh đạo PC02, những công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ cho cộng đồng có những thiết bị rất nhỏ, tưởng là giá trị thấp nên một số người lượm ve chai, người dân, kẻ trộm nảy sinh lòng tham, lấy đi và tiêu thụ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Nắp chắn rác cao tốc Bến Lức - Long Thành và hộp đệm hộ lan cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bị trộm. |
“Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng của công trình, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người dân mà nắp cống ở trên cầu Thủ Thiêm 2 là ví dụ” - Đại tá Hiếu nói. Theo Đại tá Hiếu, người dân tham gia giao thông ở khu vực bị trộm mất nắp cống có thể bị té ngã, bị sụp hố vào lúc thời tiết xấu, mưa gió, hậu quả khôn lường.
Lãnh đạo PC02 cũng khuyến cáo những người thu mua ve chai, phế liệu cần phải cảnh giác, xác định nguồn gốc của các phế liệu, nắp cống vì bề ngoài rất dễ nhận biết nó là tài sản của Nhà nước.
“Người thu mua, chủ vựa ve chai cần có ý thức trong việc này, chủ động trình báo cơ quan chức năng để phối hợp xử lý. Ngược lại, nếu cơ quan công an phát hiện những người thu mua các trang thiết bị ở các công trình, công trường… thì họ sẽ phải đối diện với cáo buộc vào hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” - ông Hiếu phân tích.
Lãnh đạo PC02 cũng cho biết phần lớn những vụ mất trộm này thường được cơ quan CSĐT công an các quận, huyện điều tra, xử lý.
Còn Công an quận Tân Phú cũng khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, nếu phát hiện kẻ vi phạm phải thông báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định.
Công an bắt và khởi tố
các vụ vi phạm
• Ngày 12-6, Công an thị xã Cai Lậy, Tiền Giang khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Duy Khanh (25 tuổi, ngụ ấp Phú Mỹ, xã Phú Quý, thị xã Cai Lậy) để điều tra về tội trộm cắp tài sản. Khanh được xác định là người trộm nhiều nắp đậy bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật ở thị xã Cai Lậy, gây bức xúc trong nhân dân.
• Ngày 13-5, Nguyễn Văn Thái (52 tuổi, nghi phạm trộm hàng chục nắp chắn rác trên cầu Thủ Thiêm 2) đã bị PC02 phối hợp với các đơn vị liên quan bắt giữ để điều tra.
Tăng cường tuyên truyền
Đại diện VEC cho rằng tình trạng tháo hộ lan tôn sóng và hàng rào lưới B40 trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý nói chung đã tồn tại từ nhiều năm nay. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho tài sản quốc gia, làm mất an ninh trật tự, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia lưu thông trên đường cao tốc.
“Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền pháp luật, ký cam kết với người dân sinh sống tại khu vực lân cận đường cao tốc, học sinh các trường đóng trên địa bàn tuyến cao tốc chạy qua, tuần tra trên đường cao tốc để sớm phát hiện các vụ việc, sự cố xảy ra trên tuyến… rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, lực lượng chức năng để giảm thiểu tình trạng đáng báo động này” - VEC cho hay.
Mua, cất trữ các tài sản ăn trộm có thể bị tù
Theo Giám đốc Công ty Tư vấn NTD Law Việt Nam Nguyễn Tấn Đạt, hành vi trộm cắp nắp cống, thiết bị công trình nói chung tùy theo mức độ của hành vi và hậu quả có thể được xem là hành vi trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, đặc biệt đây là tài sản của Nhà nước.
Căn cứ Điều 15 Nghị định 144/2021, hành vi này sẽ bị phạt tiền 2-5 triệu đồng hoặc bị phạt đến bảy năm tù theo Điều 173 BLHS.
Với các cá nhân/tổ chức mua lại những dụng cụ, thiết bị của các công trình công cộng do ăn trộm mà có (do Nhà nước quản lý, có ghi chữ) thì hành vi này có thể được xem là hành vi vi phạm: Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có. Hành vi này có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt tù đến ba năm theo Điều 323 BLHS hiện hành.
“Cần tăng cường công tác quản lý, giám sát và tăng mức phạt, thậm chí phải xử lý nghiêm để răn đe, vì các hành vi này thường xuyên xảy ra nhưng mức độ đôi khi chưa đủ để xử lý hình sự. Các hành vi tiếp diễn phải xử lý thích đáng” - ông Đạt góp ý.