Phẫu thuật khớp gối bán phần tại Bệnh viện Bạch Mai bằng robot Mako - Ảnh: BVBM
Tuổi Trẻ giới thiệu một góc nhìn khác về tự chủ, liên doanh - liên kết trong bệnh viện công của ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS).
Theo ông Đồng, cần phải cắt bỏ ngay liên kết, liên doanh trong bệnh viện công.
"Không phải 100% vụ việc xảy ra vừa rồi là do liên kết, liên doanh giữa tư nhân và bệnh viện công nhưng đây vẫn là nguyên nhân chính. Chúng ta đang lẫn lộn về cung cấp dịch vụ công y tế, dẫn đến thiết kế mô hình công - tư bất hợp lý. Nếu không bỏ ngay, có thể còn nhiều cán bộ quản lý bệnh viện công và đơn vị tư nhân sai phạm dẫn đến bị khởi tố", ông Đồng nói.
* Quan điểm của ông như vậy trái ngược với nhiều người, kể cả các đại biểu Quốc hội, ngành y tế và cả người làm quản lý bệnh viện công đang đề xuất đẩy mạnh liên kết, liên doanh giữa bệnh viện công và các đơn vị tư nhân...
- Chúng ta sai lầm khi lẫn lộn giữa việc "xã hội hóa" và tạo cơ chế cho tư nhân tham gia cùng cung cấp dịch vụ y tế trong bệnh viện công. Tư duy này sai và chắc chắn đem lại rủi ro rất lớn cho bệnh viện công, nhất là những người quản lý.
Tư nhân luôn đặt nặng lợi nhuận. Khi cho phép "tư" ở trong "công" dễ dẫn đến việc nâng giá lắp đặt, bắt tay "gầm bàn", lạm dụng chỉ định xét nghiệm, kê đơn thuốc để thu lợi...
Xuất phát từ yêu cầu tự chủ và từ đó cho phép "liên doanh, liên kết" sẽ tạo khuyến khích ngược, khiến lãnh đạo bệnh viện công làm sai, làm trái.
Về ngắn hạn, cần có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các giám đốc bệnh viện khi họ làm đúng quy trình trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết y tế nhưng sau đó có sai sót do khách quan. Chỉ xem xét trách nhiệm khi có dấu hiệu thông thầu, móc ngoặc để trục lợi và khi truy tố cũng truy tố tội nhận hối lộ, không thể truy tố tội lợi dụng trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì tội này mơ hồ.
* Sự nóng lòng đòi cơ chế rõ cho liên kết, liên doanh của các bệnh viện công có thể hiểu do bức bí về nguồn lực đầu tư y tế hạn hẹp, trong khi các bệnh viện muốn có nhiều dịch vụ khám chữa bệnh hiện đại, tối ưu cho bệnh nhân?
- Cần hiểu việc liên kết, liên doanh giữa các đơn vị tư nhân và bệnh viện công xuất phát từ việc giai đoạn nước ta bắt đầu khởi đầu kinh tế thị trường, nguồn lực đầu tư cho bệnh viện công ít ỏi, thiếu thốn, trong khi bệnh viện tư cũng chưa phát triển, không đủ tiền mua máy móc, thiết bị y tế.
Bối cảnh bây giờ đã hoàn toàn khác, doanh nghiệp đầu tư vào bệnh viện tư nhân cung cấp đa dạng dịch vụ khám chữa bệnh; ngân sách nhà nước cũng đã dư dả hơn để đầu tư cho việc đảm bảo cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Đã đến lúc công phải là công, chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản cho một nhóm đối tượng nhất định thôi. Không thể đòi hỏi bệnh viện công vừa đồng thời phục vụ đối tượng phổ thông vừa có chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tối ưu. Đòi hỏi này là quá tham lam.
* Nếu không liên kết, liên doanh, theo ông, việc đầu tư trang thiết bị, dịch vụ y tế, nhất là những công nghệ hiện đại cần chi phí cao ở bệnh viện công nên như thế nào?
- Phải chấp nhận đã là bệnh viện công thì dịch vụ ở mức cơ bản. Đầu tư nhà nước ban đầu là đầu tư cơ bản để các bệnh viện công có thể trang bị được các máy móc tối thiểu đảm bảo phục vụ khám bệnh chữa bệnh cơ bản của nhóm người dân cần đến bệnh viện công. Tất nhiên, Nhà nước cần phải ngày càng tăng nguồn vốn đầu tư, thậm chí kêu gọi từ thiện, hiến tặng để trang bị được càng nhiều máy móc tốt hơn cho bệnh viện công.
Thông lệ là mọi quốc gia, khách hàng của bệnh viện công chỉ giới hạn vào những đối tượng ưu tiên nhất định, ví dụ người thu nhập trung bình, nghèo, người thu nhập thấp. Ví dụ bệnh viện công không thể bố trí riêng mỗi bệnh nhân một phòng, mà phải chấp nhận nằm phòng chung, miễn là đáp ứng mỗi giường một người.
Trường hợp có điều kiện hơn thì người dân phải bỏ thêm tiền sang bệnh viện tư để được đáp ứng. Đây chính là xã hội hóa y tế đúng nghĩa: tư nhân được cung cấp dịch vụ y tế cho những nhóm đối tượng có khả năng chi trả và có nhu cầu cao hơn mức cơ bản.
Cũng cần lưu ý, cần rạch ròi để đừng nhầm lẫn giữa bệnh viện công và bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế chi trả ở một mức cơ bản dù người dân vào bệnh viện công hay tư. Người dân được lựa chọn: dùng mức bảo hiểm y tế chi trả cơ bản, còn đến bệnh viện công hay tư thì tùy ý lựa chọn.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 vận hành robot phẫu thuật cho một bệnh nhân u não - Ảnh: T.N.T.
* Quyền tự chủ cho các bệnh viện công có phải giải pháp mở ra để đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế?
- Xin nhắc lại dịch vụ công thì không thể yêu cầu tự chủ được, và việc đặt ra vấn đề tự chủ ở bệnh viện công là sai từ ngay triết lý ban đầu. Tự chủ, tự nuôi mình thì phải kinh doanh, phải có lợi nhuận.
Để có lợi nhuận, bệnh viện phải tạo ra các dịch vụ. Như vậy mới có thực trạng trong cùng bệnh viện công có người bệnh được thuê nằm riêng một phòng, trong khi các bệnh nhân khác chen chúc hai người/giường, thậm chí vạ vật ở hành lang, gầm giường.
Tình trạng người có tiền vừa được hưởng giá dịch vụ rẻ (so với tư nhân), vừa được ưu tiên chăm sóc ngay trong cơ sở công lập là rất bất bình đẳng.
Vấn đề chúng ta cần giải quyết là làm sao để nâng hiệu quả vận hành bệnh viện công, chứ không phải tự chủ trong bệnh viện công.
Nguy cơ lợi ích "dưới gầm bàn"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một số bệnh viện cho hay hiện chưa có cơ chế thống nhất về chia lợi nhuận giữa công ty đặt máy và bệnh viện, có nơi chia 30 - 70 (bệnh viện hưởng 30%), có nơi 50 - 50 hoặc 40 - 60. Ngay cả việc quy định phần góp của bệnh viện là thương hiệu và nhân lực, nhưng xác định như thế nào cũng không rõ. Do vậy, bệnh viện (thực ra là giám đốc và cấp có thẩm quyền) tự thỏa thuận với bên cung cấp máy, từ đó dẫn đến nguy cơ "lợi ích dưới gầm bàn" và chỉ một số cá nhân được hưởng thay vì lợi nhuận cho tập thể.
"Nếu có hướng dẫn này theo hướng chuẩn mực, rõ ràng thì các thiết bị liên doanh, liên kết trị giá hàng ngàn tỉ đồng có thể sớm được quay lại sử dụng hoặc được đầu tư mới, và người bệnh được lợi", giám đốc một bệnh viện ở Hà Nội nêu ý kiến.
L.ANH
Chờ trung tâm mua sắm ngành y tế tại TP.HCM
Đó là ý kiến được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đưa ra sau khi nghe Sở Y tế TP.HCM trình bày đề án và các ý kiến đóng góp của các sở, ngành có liên quan đến đề án thành lập trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế.
Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng thiếu các trang thiết bị y tế, thuốc men do vướng đấu thầu hoặc có tâm lý lo ngại mua sắm. Theo kế hoạch dự kiến, đề án trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế sẽ được UBND TP.HCM xem xét phê duyệt trong tháng 7-2022 sau khi được Sở Nội vụ thẩm định.
Khẳng định việc hình thành trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế là rất cần thiết, Sở Y tế TP.HCM cho rằng sẽ giúp giải quyết những mặt hạn chế để đảm bảo tính liên tục, chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian và nhân lực, thống nhất giá cả, điều phối sản phẩm mua được... Nếu được thành lập, trung tâm này sẽ từng bước hoàn thiện các hoạt động theo lộ trình triển khai mua sắm thuốc trước, sau đó đến vật tư y tế, trang thiết bị.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên việc hình thành trung tâm mua sắm y tế được đưa ra bàn thảo, bởi từ năm 2013 UBND TP.HCM đã từng ra quyết định thành lập Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế. Tuy nhiên đến năm 2017, UBND TP.HCM lại ra quyết định giải thể. Lúc bấy giờ, Sở Y tế TP.HCM cũng đã nhìn nhận một số nguyên nhân như việc thiếu con người đủ chuyên môn, thiếu cơ chế, chính sách đồng bộ và những bất cập về sử dụng thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế...
HOÀNG LỘC - THU HIẾN
TTO - Sở Y tế TP.HCM vừa trao quyết định điều chuyển ông Lê Thanh Chiến - giám đốc Bệnh viện Trưng Vương - về công tác tại khoa Y, Đại học Quốc gia TP từ ngày 20-6.
Xem thêm: mth.32535848002602202-gnoc-neiv-hneb-gnort-hnaod-neil-tek-neil-yagn-ob/nv.ertiout