Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại lễ phát động - Ảnh: THÀNH CHUNG
Sáng 21-6, Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin - truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, báo Nhân Dân phối hợp tổ chức lễ phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều đại diện các đơn vị và hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí đã tham dự lễ phát động.
Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho hay, lễ phát động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín người làm báo.
Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo; là sự kiện có ý nghĩa mở đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Theo ông, trong 97 năm qua, các thế hệ những người làm báo đã quán triệt và thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của văn hóa trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, từ đó xây dựng cho mình một tâm thế và phong cách làm báo có văn hóa.
Nhiều cơ quan báo chí đã tự thân hình thành những giá trị văn hóa, môi trường văn hóa tốt đẹp, những tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức văn hóa để mỗi cán bộ, phóng viên, người làm báo tự giác thực hiện, coi đó là điều hiển nhiên, lẽ tất yếu của người làm báo.
Đại diện một số cơ quan báo chí triển khai nghi thức ký cam kết thực hiện phong trào thi đua - Ảnh: THÀNH CHUNG
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng thẳng thắn chỉ ra việc xây dựng môi trường văn hóa thực sự trong một số cơ quan báo chí chưa được đầu tư đồng bộ, đầy đủ, sâu sắc, thậm chí xuất hiện dấu hiệu lệch chuẩn, lạc chuẩn văn hóa, chạy theo thị hiếu tầm thường trong một số sản phẩm báo chí và trong cách thức ứng xử của một số người làm báo với đồng nghiệp và với công chúng, xã hội.
Đồng thời, có lúc người làm báo bị dao động, bị lợi ích vật chất cám dỗ, dẫn đến những hành vi trái đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật...
Hạn chế, bất cập nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng theo ông Nghĩa có nguyên nhân do chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và tạo lập môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, văn hóa báo chí của người làm báo.
Từ thực tế đó, ông đề nghị cần thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng và tham gia tích cực, hiệu quả trong việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; quyết tâm, kiên trì triển khai thực hiện Bộ tiêu chí văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo.
Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo, trong đó trọng tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, tinh thần tận tụy, có ý thức thượng tôn pháp luật; dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.
Có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, phóng viên, công chức và người làm báo.
Sau lễ phát động, dưới sự chứng kiến của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện một số cơ quan báo chí đã triển khai nghi thức ký cam kết thực hiện phong trào thi đua.
TTO - Tối 20-6, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-2-2022). Tham dự buổi gặp mặt có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.