Ngày 21/6, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phần nêu quan điểm luận tội cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm trong vụ án mua bán chế phẩm Redoxy-3C, xử lý ô nhiễm sông hồ. Trong vụ án này ông Chung bị cấp sơ thẩm tuyên phải bồi thường 25 tỷ đồng.
Cũng tại phiên toà sáng nay, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho ông Chung) đề nghị HĐXX cho ông Chung được gặp gia đình để bàn bạc về việc nộp nốt tiền khắc phục hậu quả, và bà Nguyễn Thị V. (chị gái ông Nguyễn Đức Chung) đã nộp 10 tỷ đồng thay em trai.
Thông tin trên được dư luận quan tâm và đặt ra câu hỏi liệu ông Chung có được giảm án?
Trả lời câu hỏi, tiến sĩ Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) trích dẫn, theo quy định tại Khoản 1, Điều 51 bộ luật hình sự: “Bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Việc khắc phục hậu quả có thể do bị cáo tự mình khắc phục hoặc tác động để những người thân trong gia đình khắc phục thay….Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho thấy bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, có ý thức làm giảm bớt những thiệt hại đã gây ra đối với xã hội, bởi vậy, theo quy định của pháp luật đây là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự”.
Do đó, luật sư phân tích, trong trường hợp bị cáo thành khẩn nhận tội, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả ở cấp phúc thẩm thì tòa án sẽ xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự do có tình tiết mới là bị cáo đã ăn năn về hành vi của mình nên không cần phải có một mức hình phạt nghiêm khắc như ở cấp sơ thẩm, rút ngắn thời hạn chấp hành hình phạt tù cũng đủ để cải tạo, giáo dục bị cáo.
Còn trường hợp bị cáo không nhận tội, không ăn năn hối cải, không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, cũng không động viên gia đình nộp tiền để khắc phục hậu quả thì tại cấp phúc thẩm không có tình tiết mới. Trường hợp này, tòa án xác định bị cáo phạm tội, có thể sẽ giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo sát diễn biến xét xử, luật sư Đặng Văn Cường nhận thấy đến phiên tòa hôm nay, bị cáo Nguyễn Đức Chung vẫn không nhận tội, không nhờ người nhà bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả thay.
Ngoài ra, ông Chung còn đề nghị làm rõ số tiền 10 tỷ của chị gái cho mượn hay khắc phục thay. Vì vậy, nếu trường hợp tòa án cấp phúc thẩm kết tội ông Chung thì việc bồi thường khắc phục hậu quả này không được xem xét theo Khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự mà chỉ có thể là tình tiết ghi nhận theo Khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự và sẽ không có nhiều ý nghĩa trong việc giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
“Thực tiễn cho thấy, trong các vụ án hình sự mà bị cáo không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không nhận thức được hành vi phạm tội của mình và cũng không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì dù người thân trong gia đình có bồi thường khắc phục thay thì kết quả giải quyết vụ án cũng rất khó có thể thay đổi. Có những vụ án mặc dù cấp phúc thẩm có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng xét thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng thì tòa phúc thẩm vẫn có thể giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm", luật sư Cường nêu quan điểm.
Theo Hoàng An
Tiền Phong