Người Việt tiêu thụ bao nhiêu xăng dầu?
Trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 20,5-21 triệu m3, tấn xăng dầu các loại. Con số được dự báo cho năm nay là 20,7 triệu m3, trong đó nguồn cung trong nước có thể đảm bảo khoảng 70%, còn lại là nhập khẩu.
Hiện nguồn cung xăng dầu trong nước đến từ đâu?
Hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn cung cấp phần lớn trong khoảng 14,4 triệu m3 xăng dầu được sản xuất trong nước mỗi năm. Còn lại là một số nhà máy khí ngưng tụ (condensate) như PVOil Phú Mỹ, Đông Phương, Sài Gòn Petro... có công suất sản xuất trên 600.000 m3, tấn/năm.
Tại sao có thời điểm nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lại gián đoạn?
Đầu năm nay, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải cắt giảm công suất vì khó khăn tài chính khiến sản lượng xăng dầu nhập khẩu tăng lên do phải bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Dự kiến năm nay lượng xăng dầu thành phẩm nhập khẩu khoảng 7,4 triệu m3, tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với kế hoạch trước đó.
Trong khi đó, Nhà máy Dung Quất thường có chu kỳ bảo dưỡng toàn bộ 3 năm 1 lần với thời gian 30-40 ngày. Lần bảo dưỡng gần nhất là vào tháng 8/2020. Để đảm bảo an ninh năng lượng, doanh nghiệp sẽ nhập khẩu xăng dầu để bù đắp phần nguồn cung thiếu hụt trong thời gian Dung Quất bảo dưỡng.
Hiện giá xăng, dầu đang phải chịu 4 loại thuế gồm VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu. |
Việt Nam khai thác được loại dầu thô nào?
Sản phẩm Việt Nam khai thác được là loại dầu ngọt, lượng lưu huỳnh thấp (thường Nhà máy lọc dầu Dung Quất chế biến 100% dầu thô Bạch Hổ (Bà Rịa - Vũng Tàu) hoặc dầu thô tương đương.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chế biến dầu thô được nhập khẩu từ Kuwait, theo cam kết với chủ đầu tư khi dự án được hình thành.
Trong nước đang sản xuất được loại xăng, dầu nào?
Xăng RON 92 (bao gồm xăng E5 - RON92) và RON 95; dầu diesel ôtô; dầu hỏa, nhiên liệu bay Jet A1.
Việt Nam đang tiêu thụ loại xăng dầu nào?
E5-RON 92 và RON 95 (chuẩn Euro III và IV), Diesel V, dầu mazut, dầu hỏa, nhiên liệu bay Jet A1...
Việt Nam nhập khẩu xăng, dầu chủ yếu từ những thị trường nào?
Việt Nam nhập khẩu xăng, dầu từ Singapore (33,3); Malaysia (23%); Thái Lan (19%); Hàn Quốc (17,4%); Trung Quốc (4,3%).
Bình quân 6 năm qua (2016-2020), mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 11,5 triệu m3, tấn xăng dầu thành phẩm các loại. Xu hướng nhập khẩu giảm trong năm 2021, với 6,9 triệu m3, tấn khi nguồn cung ứng từ các nhà máy lọc dầu trong nước tăng lên đáng kể.
Việt Nam xuất khẩu xăng, dầu cho những thị trường nào?
Các thị trường nhập khẩu xăng, dầu của Việt Nam là Campuchia (30%); Singapore (20%); Trung Quốc (10,1%); Hàn Quốc (3,9%) và các thị trường khác.
Bình quân, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu tấn các sản phẩm xăng dầu, chủ yếu là sản phẩm từ hoá dầu.
Cơ cấu tiêu thụ xăng dầu trong nước như thế nào?
|
Tại sao Việt Nam sản xuất được xăng dầu nhưng vẫn phải nhập khẩu?
Nhằm tối ưu hóa kỹ thuật, kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhà máy lọc dầu.
Dầu thô có nhiều chủng loại, đặc tính khác nhau, như dầu ngọt, dầu nhẹ, dầu nặng... Mỗi loại dầu sẽ sản xuất ra các sản phẩm thành phẩm như xăng, dầu diesel, dầu hỏa, mazut... và các sản phẩm hóa dầu khác. Đồng thời, mỗi nhà máy lọc dầu được thiết kế công nghệ sử dụng loại dầu thô khác nhau.
Đơn cử nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu từ vùng vịnh, loại dầu khai thác trên sa mạc, đá phiến. Trong khi đó, nhà máy lọc dầu Dung Quất được thiết kế để tiêu thụ dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ.
Vài năm qua, lượng khai thác dầu từ mỏ Bạch Hồ ngày càng sụt giảm, trong khi số dầu khai thác từ các mỏ khác lại không tối ưu hoá với công nghệ của nhà máy, nên họ phải nhập thêm dầu thô phù hợp để về lọc. Nhà máy Dung Quất đã thử nghiệm được việc pha dầu thô nhập từ nước ngoài với giá thấp (tỷ lệ pha 20%) và cho ra sản phẩm tốt, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Ngoài ra, việc nhập khẩu này trong nhiều trường hợp có lợi về giá so với mua dầu thô từ nguồn trong nước. Việc tăng tỷ lệ dầu nhập khẩu đưa vào chế biến giúp nhà máy Dung Quất đa dạng nguồn nguyên liệu sản xuất trong bối cảnh nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ và dầu nội địa khác ngày càng suy giảm.
Giá xăng, dầu đang chịu những loại thuế gì?
4 loại thuế đang được áp lên giá xăng, dầu gồm thuế giá trị gia tăng (thuế suất 10%); thuế nhập khẩu (10%); thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%); thuế bảo vệ môi trường (1.000-4.000 đồng/lít).
Hiện mặt hàng xăng, dầu không phải chịu bất kỳ khoản phí, lệ phí nào.
So với các nước, tỷ trọng thuế đối với xăng dầu Việt Nam cao hơn hay thấp hơn?
Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45-60% (ngoại trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn). Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%.
Tại sao thuế tiêu thụ đặc biệt lại áp đối với xăng dầu - một mặt hàng thiết yếu?
Thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia...), cần tiêu dùng tiết kiệm (như xăng gốc hóa thạch) hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp, đắt tiền điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền...).
Tại Việt Nam, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1999. Do xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm.
Theo kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng. Đơn cử, Pháp thu thuế tiêu thụ đặc biệt 0,66 euro/lít với xăng E10 và 0,68 euro/lít với xăng khoáng; Đức thu 0,65-0,67 euro/lít xăng tùy theo hàm lượng sunfua; Hà Lan áp thuế tiêu thụ đặc biệt 0,8 euro/lít xăng.
Tại châu Á, nhiều nước cũng áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, như Hàn Quốc có mức thu 311 won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%; Trung Quốc thu 1,52 nhân dân tệ/lít và Australia quy định 0,442 AUD/lít. Các nước trong nội khối ASEAN cũng áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng như Campuchia quy định mức thuế suất 25%; Thái Lan 6,50 baht/lít với xăng khoáng, 5,85 baht/lít với xăng RON 95 E10; Singapore thu 0,41 SGD/lít; Lào áp mức thuế suất 39%.
Tại sao dầu thô Việt Nam khai thác được nhưng đơn vị lọc dầu vẫn phải mua với giá nhập khẩu?
- Đối với các lô dầu thô Việt Nam khai thác, nhà máy lọc dầu Dung Quất để mua được cũng phải tham gia đấu thầu. Bởi lẽ nhiều mỏ dầu được khai thác bởi PVOil còn có sự tham gia của đối tác nước ngoài. Vì thế nếu lọc dầu Dung Quất trả giá thấp hơn các đơn vị khác tham gia đấu thầu thì sẽ không mua được nguồn dầu trong nước khai thác. Có nhiều thời điểm, việc mua xăng, dầu từ nguồn khác rẻ hơn từ hoạt động đấu thầu từ các mỏ trong nước.
Cơ cấu tính giá xăng dầu cơ sở của Việt Nam như thế nào?
Giá cơ sở xăng, dầu = Giá xăng nhập khẩu x tỷ trọng nhập khẩu + giá xăng sản xuất x tỷ trọng sản xuất
Trong đó: Tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở được xác định hàng quý; tỷ trọng sản lượng của quý trước liền kề được áp dụng để tính giá cơ sở cho các kỳ điều hành giá cơ sở của quý tiếp theo.
Định kỳ hàng quý, trên cơ sở số liệu cung cấp về sản lượng xăng dầu nhập khẩu của Bộ Tài chính và báo cáo sản lượng bán xăng dầu trong nước của các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu (từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của quý đến ngày 20 tháng cuối quý), cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở.
Dự trữ xăng dầu của Việt Nam được bao lâu?
5-7 ngày. Hiện Bộ Công Thương đang đề xuất tăng mức dự trữ lên khoảng 1 tháng, tương đương gấp 4 lần so với hiện nay.
Việt Nam hiện có bao nhiêu doanh nghiệp xăng, dầu đầu mối?
38 đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.
Theo Ngọc Hà
NĐH