Du học sinh bỏ phố về quê
Một ngày cuối tháng 6 trời nóng như lửa đốt, Lê Minh Cương (30 tuổi, quê ở Thanh Hóa) đầu lấm tấm mồ hôi, cẩn thận kiểm tra độ lên men của từng vại tương được phơi trong sân. Tương chín đều, màu đẹp, mùi thơm dễ chịu chứ nhưng không quá gắt, anh nở nụ cười vui vẻ vì lại sắp có một mẻ tương ớt ngon ra lò phục vụ bà con.
Dáng người giản dị, việc gì cũng tự tay làm, kiểm tra mới yên tâm, ít ai nghĩ rằng anh Cương giờ đã là chủ một doanh nghiệp cung cấp tương ớt sạch khắp cả nước. Thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hơn chục bà con địa phương. Người đàn ông 30 tuổi cho biết để có được thành công ngày hôm nay anh từng trải qua rất nhiều thất bại, chê bai, ánh mắt kỳ thị của nhiều người.
Anh Cương trong một lần mang sản phẩm đi giới thiệu tại hội chợ hàng thủ công.
Anh Cương kể, bản thân từng là du học sinh của Học viện EASB Singapore chuyên ngành Quản trị du lịch và khách sạn. Sau khi kết thúc thời gian học tập tại nước ngoài, năm 2014 anh về nước làm việc tại TP Hồ Chí Minh.
"Hồi đấy tôi làm về giáo dục rồi chuyển sang may mặc", chàng trai trẻ cho biết sau ít năm làm việc trong môi trường công nghiệp, tích lũy được một ít vốn, năm 2016 anh quyết định nghỉ việc trở về quê.
Du học trở về, có công việc với mức lương nghìn đô được mọi người mơ ước, Lê Minh Cương về quê trong nỗi buồn của người nhà, lời ra tiếng vào của hàng xóm.
"Mọi người bàn tán sau lưng tôi, họ nói tốn bao nhiêu tiền đi du học, làm việc công ty ở Sài Gòn rồi còn về quê làm nông, đúng là dở hơi", anh Cương nói. Du học sinh "bỏ phố về quê" đã tìm hiểu, ấp ủ khởi nghiệp một sản phẩm nông nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Nói là làm, bỏ qua lời dèm pha, chê trách của mọi người anh cùng một nhóm bạn bắt tay vào mở tiệm nông sản sạch từ nguồn rau củ được trồng trên chính quê hương mình, may mắn mọi thứ thành công hơn mong đợi. Khi công việc ổn định, đang đà phát triển, Lê Minh Cương lại đưa ra quyết định khiến mọi người đều bất ngờ. Anh quyết định tách ra làm riêng, anh chọn gấc là con đường khởi nghiệp của mình. Qua tìm tòi, nghiên cứu chàng trai tiến hành sản xuất các sản phẩm từ gấc, như dầu gấc, nước uống từ gấc.
Vực dậy tinh thần sau lần khởi nghiệp thất bại, anh Cương quyết "phục thù" bằng ớt.
Anh dốc hết số vốn đã tiết kiệm, vay mượn khắp nơi cho lần khởi nghiệp này. "Hồi ấy tổng số tiền tôi bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng, cuối năm 2016 đây là một số tiền lớn, đáng giá cả gia tài với người dân quê như chúng tôi", những tưởng mọi việc có thể thuận lợi, làm ăn lên, nhưng 3 năm sau khởi nghiệp thất bại tìm đến anh. Chàng trai trẻ phá sản khi chưa tìm hiểu kỹ thị trường, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhân viên cũng rục rịch bỏ đi.
Ôm cục nợ do bị phá sản, Minh Cương xoay sở làm đủ thứ để có thể kiếm được tiền như bán nước ép trái cây, đồ khô, đồ sấy, nấu chè, bán đồ ăn vặt… mọi thứ có thể kiếm ra tiền anh đều làm để tích góp trả nợ.
Nợ nần chồng chất, doanh nhân 30 tuổi vực dậy từ cây ớt
Thất bại, nợ nần chồng chất, làm đủ nghề để trả nợ nhưng cũng không làm mất đi tinh thần muốn khởi nghiệp từ nông nghiệp của Minh Cương.
"Sau thất bại từ gấc, tôi thấy mình có vấn đề về kiểm soát tài chính, dân tay ngang, không bài bản. Nên mình đã bắt đầu lại bằng việc không đi vay và tự làm hết mọi thứ để học việc", anh Cương chia sẻ.
Sau nhiều đêm thức trắng tìm hướng đi cho bản thân, tìm ra loại nông sản nào có thể phát triển được tại quê nhà. Năm 2019 quê anh được mùa ớt, tuy nhiên lại chẳng ai mua, giá cả lên xuống thất thường, nhiều người bỏ cả ruộng ớt không thèm thu hoạch.
"Đất tốt, năng suất cao, chất lượng sản phẩm trồng ra tốt, tuy nhiên lại phụ thuộc nhiều vào thương lái, họ không mua thì xem như bỏ cả vườn, nên mình nghĩ đến việc tại sao không phát triển, chế biến sản phẩm từ ớt", nghĩ là làm, anh Cương bắt tay vào nghiên cứu các sản phẩm làm từ ớt. Trong một lần thấy cháu mình ăn tương ớt công nghiệp, chàng trai trẻ chợt lóe lên ý tưởng thử làm tương ớt. Cương lên mạng tìm các phương thức làm tương ớt ngày xưa của ông bà, sau 47 lần thí nghiệm, có hôm 12h đang nằm nghĩ ra cách nấu lại chạy vào bếp thử, Minh Cương cho ra đời loại tương mang mùi thơm đặc trưng của ớt, nhưng không quá cay, phù hợp cho cả trẻ em.
Những lọ tương ớt được ủ thủ công, hương vị thơm ngon được anh Cương cho ra đời năm 2019.
Làm ra được sản phẩm ưng ý, anh Cương quyết định khởi nghiệp lại lần nữa. Anh dốc hết tiền tiết kiệm lúc đi bán chè bánh được 45 triệu mua máy nghiền công nghiệp về làm tương ớt. Thấy làng bên "ế" hơn tấn ớt, anh hỏi mua luôn, những tưởng đã có công thức làm tương mọi việc sẽ thuận lợi, tuy nhiên lượng nguyên liệu quá nhiều, không kịp làm dẫn đến hư hỏng hết.
"Mình không tính trước được điều đó, nên mới đầu để hỏng hết nguyên liệu, may mắn mua được giá rẻ nên không thiệt hại nhiều", anh Cương nói.
Giải quyết xong vấn đề nguyên liệu, quá trình sản xuất tương anh Cương chú trọng nhất khâu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
"Cho đến bây giờ mình vẫn luôn ưu tiên cải tiến để sản phẩm vô khuẩn hoàn toàn", chàng trai 30 tuổi cho biết để sản xuất ra tương đảm bảo chất lượng, ớt sẽ lên men trong chum kín hoàn toàn bằng nước lọc đã thanh trùng. Sau đó sẽ được nấu sôi rồi qua công đoạn hấp tiệt trùng.
Hồi đầu hạn sử dụng của một lọ tương ớt là 9 tháng, sau này qua quá trình nghiên cứu một vài mẫu thử đạt hạn sử dụng lên đến 1 năm. Để đảm bảo an toàn, anh Cương dùng chai thuỷ tinh đựng sản phẩm mà không dùng chai, lọ nhựa.
Là sản phẩm thủ công lại là doanh nghiệp mới, anh Cương xác định đi thị trường ngách, đưa các sản phẩm đến cửa hàng thực phẩm sạch, các kênh thương mại điện tử như facebook, shopee, không chọn đối đầu trực tiếp các hãng công nghiệp. Bên cạnh đó, anh cập nhật nguyên liệu, quy trình sản xuất đến người tiêu dùng để mọi người có thể yên tâm về chất lượng.
Hiện tại anh Cương cho ra thị trường 6 loại tương với các khẩu vị khác nhau, phù hợp với từng vùng miền.
Sau gần 3 năm khởi nghiệp với thương hiệu "Spico - ớt Việt, hồn Việt" anh Cương giúp giải quyết vấn đề đầu ra nông sản cho nhiều hộ dân và tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.
Ngoài thành công với sản phẩm tương ớt, chàng trai 30 tuổi tiếp tục sản xuất thêm sản phẩm tương cà. Nguyên liệu ban đầu anh Cương lựa chọn là cà chua của bà con các vùng quê xứ Thanh. Hiện mỗi năm, công ty anh Cương cung cấp ra thị trường hơn 20.000 chai tương ớt, tương cà với 6 loại khẩu vị khác nhau theo từng vùng miền, tới thị trường của 42 tỉnh, thành phố trên cả nước, cho doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Lê Minh Cương mong muốn mở rộng quy mô ủ ớt theo cách truyền thống để gia tăng thu mua cho bà con, đồng thời phát triển dây chuyền sản xuất các sản phẩm thực phẩm từ ớt lên men để đưa thương hiệu đến bạn bè quốc tế.
https://soha.vn/du-hoc-sinh-30-tuoi-luong-nghin-do-bo-pho-ve-que-lam-tuong-ot-thu-cong-20220621143850434.htmTheo Nguyễn Ngoan
Trí Thức Trẻ