Mỗi ngày, Morris Malambile - cư dân 49 tuổi đến từ thị trấn Kwanobuhle nghèo khó của Nam Phi - thường chất đầy những thùng nhựa rỗng lên chiếc xe rùa và đẩy nó từ nhà đến vòi lấy nước công cộng gần nhất.
Quãng đường chưa đầy 1,6km này xa hơn nhiều so với việc đi đến bồn rửa trong nhà bếp - nhưng đó không phải là điều khiến Morris khó chịu nhất.
Chính con đường gập ghềnh chạy giữa những khu nhà tồi tàn chật chội khiến cho việc giữ thăng bằng các thùng chứa đầy 70 lít nước khi trở về trở thành nỗi cực nhọc khó tả.
"Cảm giác đường về nhà thật xa khi bạn đang đẩy 70kg nước trên một chiếc xe rùa", Morris cho biết.
Khu vực Eastern Cape của Nam Phi đã phải hứng chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng trong thời gian dài chưa thấy hồi kết - Ảnh minh họa.
Nỗi sợ hãi mang tên “Day Zero” trong đợt hạn hán nghiêm trọng
Từ hồi tháng 3, các vòi nước công cộng đã cạn kiệt tại các khu vực của Kwanobuhle. Kể từ đó, hàng nghìn cư dân nơi đây cùng "nương tựa" vào một cái vòi nước chung duy nhất để có nước uống.
Thị trấn này chỉ là một trong số rất nhiều địa phương ở khu vực Vịnh Nelson Mandela của thành phố Gqeberha (Nam Phi) phải sống dựa vào hệ thống 4 con đập chứa nước nhưng liên tục trong tình trạng khô cạn suốt nhiều tháng. Lượng mưa quá ít ỏi không đủ làm đầy chúng.
Cách đây 1 tuần, một con đập đã ngừng hoạt động do mực nước xuống quá thấp đến mức máy hút lên chỉ toàn bùn, chẳng còn nước. Chỉ còn vài ngày nữa thì bùn cũng không có.
Giờ đây, phần lớn thành phố Gqeberha đang đếm ngược đến “Day Zero” (tạm dịch: "Ngày số 0"), thời điểm tất cả các vòi nước đều cạn kiệt. Người ta cho rằng chỉ khoảng 2 tuần nữa thôi ngày đó sẽ đến, trừ khi các nhà chức trách có biện pháp ứng phó kịp thời.
Khu vực Eastern Cape của Nam Phi đã phải hứng chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng trong thời gian dài, từ năm 2015 đến năm 2020. Hạn hán đã tàn phá nền kinh tế địa phương, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp của quốc gia này. Tình trạng chỉ được cải thiện một chút trước khi hạn hán quay trở lại vào cuối năm 2021.
Giống như rất nhiều cuộc khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên tồi tệ nhất trên thế giới, tình trạng thiếu nước trầm trọng ở đây là sự kết hợp của việc quản lý thiếu sát sao và hiện tượng thời tiết xấu do biến đổi khí hậu.
Vấn đề trước mắt là có đến hàng nghìn chỗ bị rò rỉ trong toàn bộ hệ thống dẫn nước. Đồng nghĩa với việc rất nhiều nước dẫn từ các con đập không chảy thẳng đến khu dân cư. Việc bảo trì kém, chẳng hạn như máy bơm bị hỏng ở nguồn cấp nước chính, càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Điều đó đã khiến Morris Malambile - sống với chị gái và 4 đứa con của cô - không còn cách nào khác là phải dùng xe rùa đi lấy nước mỗi ngày trong suốt 3 tháng qua. Nếu không làm vậy, ông và gia đình sẽ không có nước uống.
"Những người không sống ở đây có lẽ sẽ không hiểu được cảm giác thức dậy vào mỗi buổi sáng sẽ như thế nào. Điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí là nước", Morris nói. Gia đình ông có đủ thùng chứa 150 lít nước, nhưng mỗi ngày ông chỉ có thể đổ đầy khoảng một nửa số đó.
Morris Malambile nói rằng việc đẩy một chiếc xe rùa chất đầy các thùng nước mỗi ngày là "mệt mỏi".
"Ngày mai, những chiếc thùng đó lại hết, và tôi phải mang chúng đi đổ đầy", ông nói. "Đây là thói quen của tôi, mỗi ngày, thật sự mệt mỏi".
Chờ mãi mưa không đến
Khả năng xuất hiện những trận mưa - có ý nghĩa giúp tiếp tế cho các hồ chứa ở đây - gần như không có. Và nếu mọi thứ tiếp diễn như cũ, khoảng 40% diện tích của thành phố Gqeberha sẽ không còn nước sinh hoạt.
Eastern Cape dựa vào kiểu thời tiết đặc biệt. Các cơn áp thấp mang không khí lạnh di chuyển chậm có thể tạo ra mưa trên 50mm trong vòng 24 giờ. Sau đó là những ngày thời tiết ẩm ướt dai dẳng. Vấn đề là, mưa không đến.
Những tháng tiếp theo cũng không vẽ nên một bức tranh đầy hứa hẹn. Cơ quan khí tượng thủy văn Nam Phi dự báo lượng mưa sẽ dưới mức bình thường trong thời gian tới.
Nó cũng không phải là chuyện mới mẻ gì. Trong gần một thập kỷ, lưu vực các con sông cung cấp nước cho các đập tại vịnh Nelson Mandela luôn nhận được lượng mưa dưới mức trung bình. Mực nước đã giảm từ từ đến mức cả 4 đập đang ở ngưỡng dưới 12% dung tích bình thường của chúng. Theo các quan chức thành phố, chưa đầy 2% nguồn cung cấp nước còn lại thực sự có thể sử dụng được.
Một tấm biển kêu gọi người dân hạn chế sử dụng nước ở vùng ngoại ô Gqeberha.
Người dân ở đây vẫn chưa quên và cũng chưa hết ám ảnh về cuộc khủng hoảng nước năm 2018 ở Cape Town. Nó bắt đầu từ đợt hạn hán nghiêm trọng trước đó cũng như các vấn đề về quản lý nguồn nước.
Cư dân của thành phố phải đứng xếp hàng để mua 50 lít nước mỗi ngày. Lúc nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ đến "Day Zero". Thực tế chưa bao giờ thực sự đạt đến điểm đó, nhưng nó đã đến gần một cách nguy hiểm. Việc phân bổ nghiêm ngặt nguồn nước đã giúp thành phố tiết kiệm được một nửa lượng nước và ngăn chặn điều tồi tệ nhất.
Với việc dự kiến sẽ không có mưa lớn, các quan chức của Vịnh Nelson Mandela rất lo lắng về "Day Zero". Họ đang yêu cầu cư dân giảm đáng kể lượng nước sử dụng. Giám đốc phân phối nước của thành phố, ông Joseph Tsatsire, cho biết không còn lựa chọn nào khác.
Ông nói: "Mặc dù rất khó để theo dõi mức độ sử dụng nước của mỗi người, nhưng chúng tôi hy vọng mọi người tự giác giảm mức tiêu thụ xuống còn 50 lít/người mỗi ngày".
So sánh một cách dễ hiểu, lượng nước trung bình mà người Mỹ sử dụng nhiều hơn gấp 7 lần số lượng đó, ở mức 82 gallon (372 lít)/một ngày.
Đầu tháng này, chính phủ Nam Phi đã cử một phái đoàn cấp cao đến Vịnh Nelson Mandela để giải quyết cuộc khủng hoảng và thực hiện các chiến lược khẩn cấp nhằm kéo dài nguồn cung cuối cùng đang cạn kiệt của thành phố.
Phát hiện và sửa chữa rò rỉ là trọng tâm hàng đầu. Các lỗ khoan cũng đã được khoan ở một số vị trí để lấy nước ngầm. Một số biện pháp can thiệp - bao gồm vá các lỗ rò rỉ nước - đang được tiến hành. Nhưng điều đó là chưa đủ và các nhà chức trách đang tìm kiếm các giải pháp lớn hơn, lâu dài hơn cho một vấn đề nan giải mang tên hạn hán.
Khi nào cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc?
Nam Phi vốn dễ bị hạn hán, nhưng kiểu hạn hán kéo dài nhiều năm gây ra sự khốn khó và gián đoạn như vậy đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn.
Một nhà máy khử muối - để làm sạch nước biển phục vụ nhu cầu tiêu dùng công cộng - đang được nghiên cứu xây dựng. Tuy nhiên, những dự án như vậy đòi hỏi phải có kế hoạch, tốn kém và thường góp phần gây ra khủng hoảng khí hậu, khi chúng sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Người dân ở Kwanobuhle đang cảm thấy lo lắng về tương lai, tự hỏi khi nào cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc.
Tại vòi nước chung trong thị trấn, Babalwa Manyube (25 tuổi) đang đổ đầy nước vào các thùng chứa trong khi cô con gái 1 tuổi đợi trong xe.
Cô nói: “Đổ bồn cầu, nấu ăn, dọn dẹp - đây là những vấn đề mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt khi không có nước. Nhưng việc nuôi con nhỏ và lo lắng về nguồn nước lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Khi nào nó mới kết thúc đây? Không ai có thể nói cho chúng tôi biết".
Ở Kwanobuhle, nhà ở công cộng thường dành cho những người có thu nhập thấp hoặc không có thu nhập. Tình trạng thất nghiệp tràn lan và tội phạm đang gia tăng. Các đường phố chật cứng người dân hối hả chạy đôn chạy đáo để lo kiếm tiền.
Ngay phía bên kia của tàu điện ngầm là Kamma Heights, một vùng ngoại ô mới đầy cây xanh nằm trên một ngọn đồi với tầm nhìn tuyệt đẹp ra thành phố. Nổi bật lên hẳn là một số ngôi nhà sang trọng mới xây. Chủ nhân của những ngôi nhà ấy thường ngồi trên ban công, tận hưởng những tia nắng cuối cùng trước khi mặt trời lặn sau đường chân trời.
Một số cư dân ở Kamma Heights đủ giàu để đảm bảo nguồn cung cấp nước dự phòng. Rhett Saayman, 46 tuổi, thở phào nhẹ nhõm mỗi khi trời mưa và nghe thấy tiếng nước chảy vào các bể chứa mà anh đã dựng xung quanh nhà trong vài năm qua.
Kế hoạch tiết kiệm tiền nước về lâu dài của anh hóa ra lại là một khoản đầu tư vô giá trong việc đảm bảo nguồn cung cấp nước cho cả gia đình.
Saayman đầu tư mua hẳn bình chứa có dung tích lên đến 18.500 lít. Nước để sử dụng chung trong gia đình, như phòng tắm, chạy qua bộ lọc hạt 5 micron và bộ lọc khối carbon, trong khi nước uống và nấu ăn đi qua bộ lọc thẩm thấu ngược.
Anh nói: “Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn phải dựa vào nước của thành phố khi không có đủ mưa, nhưng chỉ khoảng 2-3 lần/năm. Lần cuối cùng chúng tôi sử dụng nước thành phố là vào tháng 2, và kể từ đó, chúng tôi đã có đủ nước mưa để sinh hoạt".
"Nhìn vào cách mọi thứ đang diễn ra xung quanh thành phố, thật nhẹ nhõm khi biết rằng chúng tôi có nước uống sạch và đủ để dội nhà vệ sinh hoặc tắm. Khoản đầu tư của chúng tôi đang được đền đáp".
Nguồn: CNN
https://afamily.vn/o-noi-nuoc-con-quy-hon-vang-ca-thanh-pho-dem-nguoc-den-ngay-so-0-song-the-nao-khi-khong-co-nuoc-20220622120459246.chnTheo L.T
Trí Thức Trẻ