Bộ Công thương chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn và có giá phù hợp |
Trước áp lực lạm phát có xu hướng tăng, đồng thời giá nguyên, nhiên vật liệu, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu có nhiều biến động, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - yêu cầu các bộ, ngành nắm bắt tình hình, đánh giá và chuẩn bị các phương án để kiểm soát lạm phát.
Chính phú yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với UBND các tỉnh, thành tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất, tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.
Bộ Công thương được yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn, trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu. Ngoài ra, theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, chuyển Bộ Công thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho quý III và cuối năm 2022.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải. Rà soát việc tăng giá đảm bảo phù hợp với diễn biến và cơ cấu của chi phí xăng dầu trong chi phí vận tải.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, nguồn cung vật liệu xây dựng, không để xảy ra tình trạng găm giữ hàng làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời ra thị trường phục vụ nhu cầu trong nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và phân bón.
Với mặt hàng thịt heo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng công tác đảm bảo nguồn cung, nhất là giai đoạn cuối năm. Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, liên quan giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, đánh giá kỹ tác động, đề xuất phương án phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, bảo đảm thận trọng, hạn chế tác động đến mặt bằng giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá sách giáo khoa phù hợp với tình hình thực tế, có lộ trình điều chỉnh rõ ràng, tiếp tục tiếp nhận kê khai giá theo quy định pháp luật. Các đơn vị xuất bản tiếp tục rà soát và triển khai biện pháp tiết giảm chi phí nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng.
Nguyễn Cẩm