Chiều 23-6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM (BCĐ) tổ chức họp báo thông tin về một số vấn đề của đời sống trên địa bàn. PV nhiều báo, đài đã phản ánh tình trạng thiếu các loại vaccine cho trẻ em, nạn buôn bán người qua Campuchia, chậm cấp CCCD cho người dân...
Với câu hỏi về tình trạng thiếu các loại vaccine cho trẻ em, đặc biệt là vaccine ngừa viêm gan B, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đối với vaccine tiêm ngừa các bệnh cho trẻ em có hai hình thức là tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hình thức này hoàn toàn miễn phí và hoàn toàn không thiếu vaccine ở các trạm y tế địa phương.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, đại diện Công an TP.HCM, trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: TTBC |
Đối với vaccine tiêm theo dịch vụ, các cơ sở y tế kinh doanh theo cơ chế thị trường, do đó tùy cơ sở có hay không có.
“Các bệnh được tiêm chủng mở rộng như viêm gan B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do bệnh viêm não Nhật Bản B... về cơ bản vẫn đủ để phục vụ” - ông Tâm khẳng định.
Ông Tâm cũng cho biết trẻ từ sơ sinh đến năm tuổi phải tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hoàn toàn miễn phí.
Riêng vaccine ngừa viêm gan B được chỉ định tiêm bắt buộc trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vaccine ngừa lao được tiêm một lần cho trẻ trong vòng một tháng sau sinh.
Đối với trẻ không nằm trong độ tuổi nêu trên thì tiêm theo diện dịch vụ. Nếu các cơ sở y tế tiêm dịch vụ thiếu vaccine các loại bệnh nêu trên thì người dân có thể đến các BV Nhi của TP để tiêm dịch vụ.
Báo cho công an khi phát hiện kẻ xấu
Nhiều người dân TP và địa phương lân cận bị lừa sang Campuchia làm việc. Khi qua khỏi biên giới, nạn nhân bị yêu cầu trả các khoản phí hoặc gọi về cho người thân đưa tiền chuộc hoặc bị bóc lột lao động.
Để ngăn chặn, nạn nhân hoặc người nhà cần liên hệ cơ quan công an gần nhất khi phát hiện kẻ xấu, khả nghi, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh thông tin về tình trạng này để người dân biết và cảnh giác.
Thượng tá LÊ MẠNH HÀ
Cũng tại buổi họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (PV01) Công an TP.HCM đã giải đáp thắc mắc về việc chậm cấp CCCD ở TP Thủ Đức.
Theo ông, hiện ở một số địa bàn đông dân như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, nhu cầu của người dân làm CCCD để đi làm và các nhu cầu khác khá lớn.
Trong khi đó, số lượng máy cấp CCCD do Bộ Công an cấp chưa đủ đáp ứng nhu cầu nên đã xảy ra tình trạng người dân ở một địa bàn phải bốc số rồi chờ 2-3 ngày mới có thể làm thủ tục. Trường hợp người dân không bốc được số phải chờ đợi còn vất vả hơn.
Để khắc phục, Công an TP.HCM đã đề xuất Bộ Công an cấp thêm máy cấp CCCD để giảm tình trạng quá tải. Công an các địa phương cũng bố trí thêm nhân lực, tăng thời gian làm việc từ 6 giờ đến 22 giờ để giải quyết việc cấp CCCD cho người dân.
Trường hợp người dân đã làm thủ tục rất lâu nhưng chưa nhận được CCCD, Thượng tá Hà cho biết nguyên nhân của việc này là do trước đây làm tập trung và số hóa dữ liệu nên có trường hợp sai lệch thông tin, phải điều chỉnh.
Người dân đã làm thủ tục nhưng chưa có CCCD thì liên hệ công an địa phương để làm và được cấp lại.
Phân luồng giao thông để sửa chữa cầu Phú Mỹ
Tại buổi họp báo, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng Sở GTVT, cho biết đơn vị này đã có thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông trên cầu Phú Mỹ (nối quận 7 và TP Thủ Đức) để phục vụ thi công sửa chữa khe co giãn.
Theo đó, từ ngày 2-7 đến 4-10, trên cầu Phú Mỹ (phần cầu theo hướng từ quận 7 đi TP Thủ Đức) sẽ được rào chắn, thu hẹp mỗi bên làn đường 1 m trong khoảng thời gian ba tháng để sửa chữa. Mỗi làn đường thi công trong vòng một tháng.
Theo đó, giao thông tại cầu Phú Mỹ từ hai làn ô tô và hai làn xe máy thành một làn ô tô con, một làn các xe khác và một làn cho xe tải lớn.
Thời gian tới, Sở GTVT sẽ treo băng rôn ở các khu vực gần cầu để thông báo tới người dân. Chủ đầu tư sẽ đặt thêm một số camera tại điểm thi công để báo cáo với sở về tình trạng giao thông tại hai đầu cầu.