Thị trường bất động sản là những biến số khó dự đoán. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, viễn cảnh kiếm tiền trăm triệu, tiền tỷ trong khoảng thời gian ngắn đã không thể tái diễn như trước. Trái lại, nhà đầu tư đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi diễn biến của thị trường có thể đảo chiều hoàn toàn.
Anh Nam (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang rơi vào tình cảnh trớ trêu như vậy. Theo anh Nam, tháng 1/2022, nhà đầu tư này có mua lô đất ở Ba Vì (Hà Nội) với giá 3,5 tỷ đồng. Sau khi công chứng chuyển nhượng thành công, anh Nam được môi giới kết nối với một khách hàng đang có nhu cầu tìm mua đất vùng ven xây nhà.
Mảnh đất mà anh Nam sở hữu vị trí đẹp, diện tích lớn, phù hợp xây căn nhà nhỏ nghỉ dưỡng ven đô. Đây là lý do mà vị khách hàng này sẵn sàng trả chênh 300 triệu đồng với mong muốn "mua nhanh để xây nhà ở". Nếu bán ngay thì trừ chi phí, anh thu về mức lợi nhuận gần 10% chỉ trong vài ngày.
(Ảnh minh hoạ).
Thấy khách hàng nhiệt tình, môi giới gọi điện liên tục giục chốt, anh Nam lại băn khoăn, do dự có nên bán hay không. Bởi, anh Nam thừa nhận, một phần vì tiếc lô đất đẹp và cho rằng giá có thể tăng hơn nữa. Một phần thấy khách và môi giới gọi điện, anh suy nghĩ, có thể họ muốn mua để cắt và chuyển nhượng cho bên khác, chốt lời vì lô đất đẹp.
Nghĩ rằng đất có thể tăng giá trong thời gian tới và nếu thu về 3,8 tỷ đồng sẽ bị hớ, anh Nam quyết định đòi 4,1 tỷ đồng. Nhà đầu tư này còn kỳ vọng lô đất còn có thể tăng. Tuy nhiên, khách hàng từ chối mua.
Đến 1 tháng sau, khi vội cần tiền, anh Nam rao bán lại lô đất cũ và chấp nhận mức giá 3,8 tỷ đồng. Song, vị khách hàng cũ đã chốt mua lô đất khác nên không có nhu cầu mua lại mảnh đất này. Điều đáng nói là dù thông qua nhiều đơn vị môi giới, mức giá mà anh Nam mong muốn thu về 3,8 tỷ đồng đã không khả thi. Thậm chí, một số khách hàng còn thẳng thắn đặt vấn đề mua lại với giá 3,2 tỷ đồng. Nếu bán giá thấp hơn 3,5 tỷ đồng, anh Nam sẽ không còn lời, thậm chí phải chấp nhận lỗ vốn nên anh từ chối bán.
Đến hiện tại, đã 5 tháng trôi qua, lô đất của anh Nam vẫn trong tình trạng vắng người hỏi mua. "Chắc tôi phải chấp nhận trả gốc lãi và chờ thêm 1-2 năm, may ra thị trường mới hồi dần. Chứ tầm này, đất đai khó bán", anh Nam chia sẻ.
Trường hợp chần chừ vì dự tính giá đất có thể tăng cao nhưng diễn biến thực tế lại đi ngược lại cũng xuất hiện nhiều trên thị trường. Theo các chuyên gia, giá bất động sản đang neo ở mức cao và đang chững lại.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội thừa nhận, một số thị trường địa ốc đang có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là do mức giá ở một số khu vực đang đứng ở mức cao. Mức giá cao đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính thanh khoản trên thị trường, lượng giao dịch thành công thời gian vừa qua đã ghi nhận sự sụt giảm.
Cũng theo các chuyên gia phân tích, nếu như mức giá cao kéo dài trong một khoảng thời gian, người mua không có, nhà đầu tư phải đứng trước áp lực phải cắt lỗ. Tâm lý người mua hiện tại không còn mạnh tay xuống tiền. Họ có phần cẩn trọng và xem xét, cân nhắc kĩ. Hoặc họ chờ đợi thị trường sụt giảm về giá để vào tiền. Nên những nhà đầu tư đủ khả năng gồng gánh nợ lãi cần chờ đợi thời gian. Còn nhà đầu tư không thể gánh nợ sẽ buộc phải cắt lỗ.
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho rằng, đã xuất hiện nhà đầu tư tìm cách rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và có người đã chấp nhận cắt lỗ. Một số nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tìm thấy các sản phẩm giá tốt để mua nhưng các nhà đầu tư F0, ít kinh nghiệm thì nên cảnh giác với những rủi ro khi thị trường chững lại.
Vị chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư nên theo dõi, quan sát diễn biến của thị trường. Vấn đề thánh khoản phải đặc biệt lưu ý. Và nhà đầu tư phải cân nhắc các yếu tối khác nhau.
Vì chuyên gia này nhấn mạnh, chỉ nên mua sản phẩm có hiệu quả khai thác. Ông Quang khuyến nghị không nên sử dụng đòn bẩy ngân hàng và Bên cạnh đó, nhà đầu tư không nên vay ngân hàng. Đồng thời nên hạ mức kỳ vọng xuống và kéo dài thời gian đầu tư.
https://cafef.vn/chan-chu-ban-dat-vi-so-ho-1-thang-sau-nha-dau-tu-ngam-ngui-vi-chon-von-20220623102509567.chnTheo Hải Nam
Nhịp Sống Kinh tế