Là 2 địa bàn trọng điểm về phát triển khu công nghiệp ở phía Nam, cả tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đều sở hữu những tổng công ty lớn trong lĩnh vực này là Becamex IDC (Bình Dương) và Sonadezi (Đồng Nai).
Không chỉ thuần tuý phát triển khu công nghiệp, cả 2 còn được giao quản lý nhiều doanh nghiệp tại địa phương trong các lĩnh vực quan trọng như y tế, nước sạch, hạ tầng giao thông… tạo thành những trụ cột kinh tế của tỉnh.
Cụ thể, Becamex IDC cùng các Công ty thành viên (bao gồm cả liên doanh VSIP) đang đầu tư, quản lý hàng chục khu công nghiệp khắp cả nước trải dài từ Bắc đến Nam với tổng diện tích 32.000 ha. Tất cả đều là những khu công nghiệp kiểu mẫu với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, được xây dựng theo tiêu chí chú trọng bảo vệ môi trường, tạo ra khu công nghiệp xanh, sạch theo mô hình đô thị hiện đại nhằm phát triển lâu dài và bền vững. Đến nay, các hệ thống khu công nghiệp đã mở rộng và trải dài sang cách tỉnh thành như Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An,…
Còn Sonadezi đang phát triển hệ sinh thái KCN gồm 11 KCN tại Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, với tổng diện tích khoảng 4.600 ha. Hiện nay, đã có gần 11 tỷ USD vốn đầu tư vào Sonadezi đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 600 DN FDI đang hoạt động hiệu quả tại 11 KCN, giải quyết việc làm cho hơn 100.000 người lao động, góp phần phát triển công nghiệp, đô thị tại các địa phương…
Đều là những doanh nghiệp chủ chốt, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của địa phương, Becamex và Sonadezi có tỷ lệ vốn góp của nhà nước lớn trên 90%. Trong đó, UBND Tỉnh Bình Dương đang nắm 95,44% cổ phần của Becamex và UBND Tỉnh Đồng Nai đang sở hữu 99,54% cổ phần của Sonadezi.
Về quy mô tài sản, Becamex đang lớn hơn Sonadezi khá nhiều. Tổng tài sản của Becamex đang lớn hơn gấp đôi tổng tài sản của Sonadezi, vốn hóa Becamex cũng đang gấp khoảng 4,7 lần.
Về doanh thu, trong năm 2021, doanh thu thuần của Sonadezi là 5.200 tỷ đồng. Kể từ năm 2013 đến nay, Sonadezi luôn tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Doanh thu năm 2021 của Sonadezi cao gấp 2,6 lần năm 2013.
Còn Becamex đạt đỉnh về doanh thu vào năm 2019 khi đạt hơn 8.200 tỷ đồng, tuy nhiên năm 2020 doanh thu Becamex giảm khoảng 21% chỉ còn 6.505 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 7 năm đổ lại đây. Sang năm 2021, doanh thu Becamex tăng 7% so với cùng kỳ đạt 6.965 tỷ đồng.
Tương tự như doanh thu, lợi nhuận ròng của Sonadezi đang tăng trưởng bền vững qua các năm. Năm 2021, lợi nhuận ròng của Sonadezi đạt 904 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2020. Ngược lại, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận ròng của Becamex lại giảm 36% so với năm 2020 đạt 1.273 tỷ đồng. Chênh lệch lợi nhuận ròng giữa 2 công ty thu hẹp lại còn 369 tỷ đồng, trong khi chênh lệch này năm 2019 lên đến 1.831 tỷ đồng.
Điểm đặc biệt, trong hoạt động kinh doanh của Becamex đó là phần lớn lợi nhuận của công ty đến từ các công ty liên doanh, liên kết. Năm 2021, Becamex nhận 1.022 tỷ đồng từ lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết. Trong khi lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp là 1.744 tỷ đồng, tương đương với lợi nhuận từ công ty liên doanh chiếm đến 58,6% lợi nhuận trước thuế của công ty.
Trong các công ty liên doanh, VSIP là liên doanh mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Becamex IDC. Lợi nhuận hợp nhất của VSIP trong năm 2021 là 1.795 tỷ đồng.
Được biết, VSIP là liên doanh lớn nhất của Becamex IDC hợp tác cùng Tập đoàn Sembcorp của Singapore. Becamex IDC đầu tư vào liên doanh này theo giá gốc 461 tỷ đồng, tương đương 49% vốn. Khoản đầu tư này đã được đánh giá lại theo quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa tổng công ty là 1.295 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Becamex IDC tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, trong tương lai, Liên doanh VSIP sẽ được IPO để nâng tầm phát triển.
Becamex IJC cũng mang về lợi nhuận hợp nhất 621 tỷ đồng, công ty TNHH Becamex Tokyu là công ty liên doanh giữa tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) và Becamex IDC đạt lợi nhuận hợp nhất là 336 tỷ đồng.
Ngược lại, BW Industrial - liên doanh giữa Becamex và quỹ Warburg Pincus hoạt động trong lĩnh vực nhà xưởng cho thuê lại lỗ 699 tỷ đồng trong năm qua.
Theo Huyền Trang
Nhịp Sống Kinh tế