Khi Mỹ được cho hoãn bán máy bay chiến đấu không người lái (UAV) MQ-1C Gray Eagle (Đại bàng xám) cho Ukraine, giới chức quân sự tại Kiev đang yêu cầu được cung cấp các loại tiêm kích như F-15 và F-16. Phía Ukraine cho rằng những tiêm kích này có cơ hội sống sót cao hơn trước hệ thống phòng không của Nga, theo đài RT.
“Ukraine không phải là Afghanistan và những chiếc UAV đắt tiền này sẽ bị bắn hạ” – một phi công Ukraine nói với tạp chí Foreign Policy hôm 23-6.
Các tiêm kích của Ukraine và Mỹ trong một cuộc tập trận quân sự ở Ukraine năm 2011. Ảnh: US Air National Guard/Tech. Sgt. Charles Vaughn
Các sĩ quan Mỹ về hưu và giới chuyên gia từng ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ cung cấp UAV MQ-1C cho Ukraine, cho rằng khí tài này có khả năng làm thay đổi cuộc chơi trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã hoãn kế hoạch bán bốn UAV này cho Kiev do lo ngại chúng có thể rơi vào tay Nga, theo hãng tin Reuters.
Theo Foreign Policy, trong khi các tướng lĩnh Ukraine muốn có UAV MQ-1C thì các phi công Ukraine lại muốn có tiêm kích bom của Mỹ.
“Chúng tôi không ủng hộ Gray Eagle. Rất nguy hiểm khi sử dụng những UAV đắt tiền này trong trường hợp của chúng tôi vì mối đe dọa từ hệ thống phòng không của đối phương. Ukraine không phải là Afghanistan” – một phi công Ukraine nói.
“Đại bàng xám” MQ-1C là phiên bản mới nhất trong dòng máy bay chiến đấu không người lái của công ty quốc phòng General Atomics. UAV MQ-1C từng được sử dụng trong các cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, từ Afghanistan, Iraq cho tới Somalia và Yemen. MQ-1C được trang bị tên lửa Hellfire có tầm bắn khoảng 8 km, ngắn hơn so với máy bay không người lái cảm tử Switchblade hay Phoenix Ghost mà Mỹ đã gửi cho Ukraine.
Một phi công khác của Ukraine nói rằng MQ-1C có thể giúp ích trên chiến trường nhưng loại UAV này sẽ không thể sống sót qua quá hai nhiệm vụ. Mỗi chiếc UAV MQ-1C có giá 10 triệu USD.
Theo các phi công của Ukraine, Kiev đã đạt được thành công khi sử dụng các UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Loại UAV này rất hữu ích và quan trọng ở giai đoạn đầu xung đột. Tuy nhiên, giờ đây các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm bớt hiệu quả vì quân đội Nga đã củng cố hệ thống phòng không ở chiến trường Ukraine.
Cũng theo các phi công, Ukraine hiện nay cũng hạn chế sử dụng UAV Bayraktar TB2 trong các hoạt động đặc biệt và nhiệm vụ tấn công. Giá mỗi chiếc UAV Bayraktar TB2 là 2 triệu USD.
Bên cạnh đó, các phi công Ukraine còn cho biết hiện giờ số lượng phi công trong không quân Ukraine nhiều hơn máy bay và họ mong muốn được huấn luyện sử dụng các tiêm kích tiên tiến của Mỹ như F-15 và F-16 vì chúng có khả năng sống sót cao hơn trước hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Tiêm kích F-15 và F-16 ra mắt lần đầu trong những năm 1970 và đã được nâng cấp nhiều lần. Các phiên bản mới nhất được giới chuyên gia phương Tây đánh giá ngang hàng với các tiêm kích Su-35 và MiG-35 của Nga và vượt trội hơn một chút so với các tiêm kích Su-27 và MiG-29 mà Ukraine sử dụng khi nổ ra xung đột. Tuy vậy, không có dấu hiệu cho thấy Mỹ có ý định gởi F-15 và F-16 cho Ukraine.