Người ủng hộ quyền phá thai xuống đường biểu tình ở New York, Mỹ, ngày 24-6 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin AFP, hàng ngàn người tụ tập tại Tòa án tối cao Mỹ tại Washington D.C với các biểu ngữ chỉ trích phán quyết trước đó 1 ngày là "chiến tranh chống phụ nữ". Biểu tình cũng diễn ra ở một số nơi khác như thành phố Los Angeles.
Ngày 24-6, Tòa án tối cao Mỹ phán quyết quyền phá thai - vốn được bảo vệ từ năm 1973 trong vụ kiện Roe và Casey - không phải là quyền hiến định. Phán quyết này mở đường cho các tiểu bang quyết định về vấn đề cấm phá thai.
"Hiến pháp không trao quyền phá thai, phán quyết trong vụ kiện Roe và Casey sẽ được đảo ngược. Thẩm quyền liên quan vấn đề phá thai được trả lại cho nhân dân và các đại diện mà họ đã bỏ phiếu chọn" - phán quyết nêu.
Phán quyết nhận được 6 phiếu ủng hộ của các thẩm phán bảo thủ tại Tòa án tối cao.
Thai nhi cũng có quyền "lựa chọn"?
"Kế đến sẽ là gì?", Hãng tin AFP dẫn lời cô Kim Boberg, một người tham gia biểu tình ở Washington D.C, nói. "Những gì xảy ra hôm qua thật không thể diễn tả nổi và kinh tởm. Bất cứ phụ nữ nào cũng không nên bị ép buộc trở thành một người mẹ", cô Mia Stagner, 19 tuổi, nói.
Ngược lại, những người ủng hộ phán quyết chỉ trích rằng việc phá thai không tôn trọng "quyền lựa chọn" của thai nhi và có thể đe dọa tính mạng của phụ nữ. "Có một điều mà những người ủng hộ phong trào phá thai 'cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi' không hiểu là chúng - những thai nhi bị phá bỏ - chưa bao giờ được trao quyền 'lựa chọn'" - một người ủng hộ phán quyết của tòa chia sẻ.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng việc ngăn phụ nữ phá thai sẽ khiến việc này trở nên nguy hiểm hơn. Còn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Michelle Bachelet chỉ trích phán quyết tại Mỹ là "bước lùi" cho nhân quyền của phụ nữ và bình đẳng giới.
Người biểu tình ủng hộ và phản đối phá thai chạm mặt ở Washington D.C - Ảnh: REUTERS
Chỉ vài giờ sau phán quyết, ít nhất 8 bang ở Mỹ đã lập tức ban hành lệnh cấm phá thai và dự kiến sẽ có thêm nhiều bang khác trong những tuần tới. Ước tính sẽ có khoảng một nửa số bang ở Mỹ tham gia cấm phá thai theo nhiều hình thức.
Một trong những bang hành động sớm nhất là Utah cho biết lệnh cấm có hiệu lực ngay đêm 24, rạng sáng 25-6. Tại Ohio, "Đạo luật nhịp tim" cũng có hiệu lực, trong đó cấm phá thai khi thai nhi đã có nhịp tim. Tại các bang Arizona và Texas, các cơ sở phá thai cũng ngừng dịch vụ này.
Trong khi đó, các bang Dân chủ như California, Washington và Oregon cũng cam kết bảo vệ quyền phá thai và giúp những phụ nữ từ các bang ở bờ tây muốn phá thai.
Những đơn kiện đầu tiên cũng đã được nộp lên khi tổ chức Planned Parenthood đệ đơn yêu cầu chặn lệnh cấm phá thai tại Utah, cho rằng hiến pháp bang này bảo vệ quyền phá thai. Đơn kiện tại Utah có thể dẫn đến cuộc chiến pháp lý tại nhiều bang nhằm chống lại phán quyết của Tòa án tối cao, dù giới phân tích cho rằng khả năng chiến thắng là rất thấp.
Ngày 25-6, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng Tổng thống Joe Biden tôn trọng Tòa án tối cao và ông đang tìm kiếm thêm "các giải pháp" sau quyết định nói trên. Trước đó, sau phán quyết, ông Biden đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. "Tòa án tối cao đã đưa ra một số quyết định kinh khủng", ông nói.
"Khi tổng thống nói về phán quyết, đó chỉ là về quyết định của tòa... Ông ấy tôn trọng tòa án", bà Jean-Pierre nói.
Theo người phát ngôn Nhà Trắng, các giải pháp mà ông Biden đang tìm kiếm có thể là ban hành các sắc lệnh liên quan. "Không gì có thể lấp đầy được khoảng trống mà quyết định này đưa ra. Cách duy nhất là toàn bộ quốc hội phải hành động", bà Jean-Pierre cho biết. Nhà Trắng cũng sẽ chặn các nỗ lực của các bang ngăn phụ nữ sang các bang khác để phá thai.
Một phòng khám phụ khoa vắng khách ở Oklahoma, Mỹ - Ảnh: REUTERS
"Khủng hoảng" của tòa tối cao?
Thẩm phán Clarence Thomas cho biết tòa cũng có thể xem xét lại các phán quyết trước đó bảo vệ quyền tránh thai, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới...
Ngay trước đó, Tòa án tối cao Mỹ đã đưa ra phán quyết gây tranh cãi khác khi bác luật kiểm soát súng đạn của bang New York, cũng với 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống. Tòa kết luận rằng đạo luật được ban hành vào năm 1913 vi phạm quyền "giữ và mang vũ khí" nơi công cộng của công dân Mỹ theo Tu chính án Hiến pháp số 2.
Theo giới phân tích, 2 phán quyết mới nhất cho thấy Tòa án tối cao bảo thủ đang sẵn sàng hành động trong lúc Quốc hội Mỹ bế tắc về nhiều chính sách quan trọng.
Ông Carl Tobias, giáo sư Đại học Richmond, cho rằng Tòa án tối cao Mỹ đang trải qua cuộc "khủng hoảng" pháp lý. "Các thẩm phán giống như người làm chính trị", ông Tobias nói.
Còn giáo sư luật Tracy Thomas, thuộc Đại học Akron, cho biết người Mỹ từ lâu đã coi Tòa án tối cao là nơi đưa ra "quyết định khách quan về các nguyên tắc pháp lý và hiến pháp thực sự". "Việc cơ quan này thể hiện mình như một thể chế đảng phái, một thể chế không thể đáp ứng với tiến trình dân chủ, đã làm xói mòn sự kính trọng dành cho nó" - bà Thomas nêu.
TTO - Trong phán quyết gây thất vọng sâu sắc với những người có quan điểm tự do, Tòa án tối cao Mỹ cho rằng quyền phá thai không phải là một quyền hiến định, do đó các tiểu bang sẽ tùy ý định đoạt vấn đề cấm hay cho phép phá thai.