Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam (RRIV) giữa rừng - Ảnh: SƠN LÂM
"Dâu bể" nơi vườn thực nghiệm đầu tiên
"Riu chính là từ dân dã nói trại từ RRIV, viết tắt tiếng Anh của Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam là Rubber Research Institute of Vietnam", tiến sĩ Nguyễn Anh Nghĩa - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam - cho biết khi tiếp chúng tôi trước trụ sở khang trang ven quốc lộ 13 ở ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, Bàu Bàng, Bình Dương.
Từ ngã ba thị xã Bến Cát, Bình Dương, đi theo quốc lộ 13 khoảng 6km thì đến trụ sở RRIV. Nhưng trước khi đến đây, chúng tôi đã dừng lại để tìm một địa điểm nổi tiếng từ đầu trong lịch sử cao su Việt Nam: Vườn thực nghiệm Ông Yệm, nơi nhận 1.000 cây cao su được ươm lên từ Thảo cầm viên vào năm 1897.
Nhờ trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam nên những tiến bộ kỹ thuật từ kết quả nghiên cứu của RRIV cũng nhanh chóng được ứng dụng rộng rãi, đồng bộ tại các công ty trong ngành, tiếp nối thêm các thành công trong nghiên cứu khoa học của từng cá nhân".
Tiến sĩ NGUYỄN ANH NGHĨA
Nhiều tư liệu cho thấy 1.000 cây cao su tại vườn thực nghiệm do Toàn quyền Đông Dương lập ra này đã không có kết quả tốt. Vì chưa hiểu rõ đặc tính của cao su, người kỹ sư phụ trách ở đây đem trồng số lượng lớn trong khu vực đất trũng, ẩm thấp nên chỉ còn 300 cây và đến năm 1906 vẫn chưa thể cạo lấy mủ.
90 cây được trồng trên vùng đất cao ráo thì mọc tốt và mãi đến năm 1908 mới bắt đầu mở miệng cạo.
Theo ông Đặng Văn Vinh trong cuốn sách 100 năm cao su ở Việt Nam, nơi đây cũng tiếp nhận nhiều loại hạt ngoại nhập khác và chọn ra được một dòng cao su vô tính (cây ghép) đặt tên là OY1. Đây có thể là giống cao su đầu tiên được đặt tên trong quá trình nghiên cứu loại "vàng trắng" này trên đất Việt.
Tuy nhiên, Ông Yệm hầu như chỉ được nhắc nhiều vì liên quan đến buổi đầu cao su vào Việt Nam, dù một số hình ảnh lưu lại cho thấy nơi đây từng trồng cả tiêu, dừa... Việc xác định vị trí của vườn xưa kia cũng tốn khá nhiều thời gian, may sao tờ bản đồ Bến Cát in năm 1968 còn ghi đúng địa danh Ông Yệm.
Những con đường, dòng suối thể hiện trong tờ bản đồ này vẫn còn trùng khớp với thực tại. Tuy nhiên, khu vực vườn thực nghiệm xưa đã hoàn toàn mất dấu vết, nay chỉ còn là khu phố nhỏ được bao quanh bởi các vườn cao su đang cho mủ hằng ngày.
"Tôi cũng đã tìm thử rồi, hỏi người dân ở đó cũng chưa gặp ai biết mình từng sống trên vườn Ông Yệm nổi tiếng khi xưa", tiến sĩ Nghĩa cười khi nghe về hành trình của chúng tôi rồi nói thêm: "Dâu bể mà, ngay cả RRIV ngày xưa cũng từng phải chạy chỗ khác".
TS Nguyễn Anh Nghĩa chia sẻ cách ghép cây cao su tại vườn ươm giống của RRIV - Ảnh: SƠN LÂM
Những giống cao su Việt Nam đầu tiên
Năm 1941, người Pháp đã thành lập Viện Nghiên cứu cao su Đông Dương - IRCI (viết tắt tên tiếng Pháp) và sau đó đổi thành IRCV vào năm 1956 khi Campuchia cũng ra đời viện nghiên cứu cao su.
Thoạt đầu, Lai Khê được chọn làm trụ sở vì nằm giữa vùng cao su rộng lớn của miền Đông kéo dài qua đến Campuchia, giao thông thuận lợi và gần với Vườn thực nghiệm Ông Yệm.
Tuy nhiên, thời cuộc chiến tranh đầy biến động cũng cuốn theo lịch sử nhọc nhằn của ngành khoa học cao su. Năm 1965, viện cao su đã phải sơ tán và "ăn nhờ ở đậu" tại đồn điền An Lộc, tức khu vực Trung tâm văn hóa Suối Tre, thị xã Long Khánh, Đồng Nai ngày nay để nhường chỗ cho căn cứ quân sự phục vụ chiến tranh.
Năm 1975, khi tiếp quản từ tay người Pháp, trụ sở chính của viện vẫn còn ở đây.
Phải đến năm 1982, viện cao su mới được bàn giao lại đất, quay về vị trí cũ Lai Khê trong hoàn cảnh "phòng thí nghiệm xưa chỉ còn lại mấy bức tường". Nhưng đó cũng chính là năm đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc hình thành những cây cao su giống Việt Nam đầu tiên.
Trước đó, dù từ khi ra đời đã được giao mục tiêu cải tiến giống cao su lên hàng đầu, nhưng tiếng vang trong các nghiên cứu khoa học của người Pháp tại viện chỉ xoay quanh công tác tìm được cách kích thích tạo mủ, công trình phân tích đất, lá để khuyến cáo công thức bón phân, hay phương pháp làm cao su cốm từ mủ tờ bằng máy tạo cốm. Không có nhiều đột phá về nghiên cứu giống cây.
Năm 1977, khi trụ sở chính còn ở An Lộc, viện bắt đầu thực hiện chương trình cải tiến giống cao su từ các bước xây dựng quỹ gene cây cao su, lai tạo giống cao su Việt Nam, thiết lập hệ thống mạng lưới thí nghiệm tuyển chọn giống tại các vùng cao su trọng điểm, dựa trên cơ sở đó khuyến cáo cơ cấu bộ giống cao su thích hợp với từng vùng sinh thái.
Bấy giờ, theo lưu đồ quy trình xác định giống đã được những nhà khoa học Malaysia rút ngắn xuống còn 25 năm so với 35 năm của người Pháp lúc trước. Nhưng 25 năm cũng là thời gian quá lâu.
Đến năm 1990, để phù hợp với quá trình hội nhập, viện chính thức đổi tên viết tắt từ tiếng Pháp sang tên tiếng Anh là RRIV. Năm 1994, những giống cây bắt đầu lai tạo từ năm 1982 mang tên RRIV đã được công nhận và đưa vào khuyến cáo trong cơ cấu bộ giống.
Năm 1997, đã có 3 giống RRIV 2, RIR 3, RIV 4 được Bộ Nông nghiệp đưa vào sử dụng đại trà. Việc rút ngắn thời gian xác định giống đã thành công. Từ những thế hệ RRIV đầu tiên, đến nay đã có rất nhiều những thế hệ tiếp theo sau như RRIV 103, RRIV 106, RRIV 114, RRIV 124, RRIV 209, RRIV 230... được trồng nhiều nơi.
15 năm đã đạt được giống cao su chất lượng, đưa vào sử dụng đại trà cũng chính là một thành công của việc định hướng từ Tổng cục Cao su thời bấy giờ và là tâm huyết của những thế hệ nhà khoa học tiên phong trong ngành cao su Việt Nam như Nguyễn Hữu Chất, Ngô Văn Hoàng, Trần Thị Thúy Hoa, Lại Văn Lâm...
Dồi dào thế hệ khoa học tiếp nối
Tiến sĩ Nghĩa cũng tự nhận mình là một thế hệ khoa học bị cây cao su cuốn theo: "Năm 1985, tôi học năm 3 Trường đại học Nông lâm, đang tính đi theo nghiên cứu cây bắp thì trùng đợt Nhà nước phát động mục tiêu ngành cao su phải đạt sản lượng 1 triệu tấn mủ cao su, trường tuyển chọn sinh viên cho vào các lớp chuyên ngành cao su.
Tôi về hỏi cha thì ông cũng khuyên nên theo cây cao su vì trước đó ông đã từng làm ở đồn điền cao su. Thế rồi theo cao su, tốt nghiệp đại học thì về với viện và bén rễ luôn ở đất Lai Khê này".
Nhà tiến sĩ Nghĩa ở ngay sau lưng khuôn viên rộng 30ha của RRIV. Ông luôn tự nhận mình là người may mắn, "được cao su chọn".
Những kinh nghiệm khi làm luận án tiến sĩ "Tính đa dạng của các nguồn nấm Corynespora cassiicola và sự biến đổi thành phần protein trong lá cao su khi lây nhiễm nguồn bệnh" từ năm 2004 đến 2009 tại Malaysia đã giúp ông rất nhiều khi cao su Việt Nam bị loại nấm này tấn công làm bùng phát bệnh khắp nơi vào năm 2010.
"Lúc đó cao su đang bước vào thời kỳ giá cao ngất ngưởng. Tôi đi khắp nơi, ở đâu nhà vườn cũng bao quanh, mời mọc về tận nơi để tư vấn chữa bệnh cho cây. Báo, đài truyền hình mời lên tivi suốt", tiến sĩ Nghĩa lại cười.
Từ vài người ban đầu khi tiếp quản vào năm 1975, đến nay RRIV đã có hơn 300 người từ công nhân, kỹ thuật viên trung cấp, kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên sâu để tiếp tục giúp cao su "cho vàng" trên đất Việt.
************
Được xem trực tiếp cuộc thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức, tiến sĩ Abdul Aziz S.A. Kadir - tổng thư ký Hiệp hội Nghiên cứu và phát triển cao su quốc tế - hết sức ngạc nhiên trước tốc độ và kỹ thuật của công nhân cạo mủ cao su nước Việt.
Kỳ tới: 15 phút cạo 100 cây cao su "chính xác từng milimet"
TTO - Được Công ty TNHH MTV cao su Bình Long giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà của chị Giang Thị Kiều Oanh (ở tổ 5, KP Xa Cam, P.Hưng Chiến, thị xã Bình Long, Bình Phước).