Mới đây, nền tảng Vestiaire Collective đã bán chiếc túi đã qua sử dụng Birkin Faubourg với giá lên đến 166.500 USD, cao hơn nhiều so với giá trung bình của mẫu túi huyền thoại đến từ nhà mốt xa xỉ Hermes.
Hermes Birkin thực sự là món đồ đứng đầu danh sách phụ kiện yêu thích của các tín đồ thời trang, túi tăng giá ngay cả trong thị trường đồ cũ, từ năm này qua năm khác. Vestiaire Collective đã bán một chiếc túi Birkin khác vào đầu năm nay với giá 118.000 USD.
Theo Fashion Network, giá trung bình của một chiếc túi Hermes đã tăng 15% từ năm ngoái đến năm nay. Theo nền tảng đồ cũ nói trên, các lượt tìm kiếm túi Birkin cũng tăng trung bình 20% so với 20021 và doanh số bán hàng đạt đỉnh vào tháng 1/2022 với mức tăng lên đến 40%.
Túi xách Hermes có giá rất cao ở thị trường bán lại. Ảnh: DR
Sophie Hersan, người đứng đầu bộ phận thời trang và đồng sáng lập của nền tảng Vestiaire Collective cho biết: “Túi xách cổ điển là một khoản đầu tư an toàn vì chúng không bao giờ lỗi mối và mất giá trị. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi bán một chiếc Hermes cực hiếm”.
Vài năm trước, Kabinet Prive, nhà bán lẻ hàng xa xỉ đa thương hiệu chuyên về các nhãn hàng cao cấp như Bulgari, Hermes và Chanel cũng đi con đường tương tự. Hãng này giới thiệu bộ sưu tập túi xách hàng hiệu đáng chú ý từ các thương hiệu với các mẫu có một không hai, các phiên bản giới hạn từ các nhà sưu tập tư nhân nổi tiếng rồi mang đấu giá lại. Và đó là cách mà một nền tảng bán đồ đã qua sử dụng ra đời.
Sự quý hiếm (do cung không đủ cầu) là một trong những lý do khiến thị trường hàng xa xỉ đã qua sử dụng nở rộ. Với Hermes hay Chanel, các nhà mốt này luôn giới hạn sản lượng hoặc đơn hàng của khách trong khi nhu cầu mua sắm ngày một tăng cao, đặc biệt là kể từ đại dịch, khi người ta không thể đi du lịch thì sẽ đổ tiền vào hàng hiệu nhiều hơn trước. Trong khi một chiếc túi Birkin có giá dưới 10.000 USD trong các cửa hàng thì nó luôn tăng lên hàng chục, thậm chí hơn 100.000 USD tại các chợ đồ cũ. Điều này phản ánh cơn sốt đối với chiếc túi biểu tượng, từ một phụ kiện thời trang thành khoản đầu tư tài chính.
Thực tế, mua đồ cũng cũng là cách để người tiêu dùng không lo lắng nhiều về tình trạng hàng giả đang tràn lan. Tại Trung Quốc, có những cơ sở chuyên sản xuất đồ hiệu giả tinh vi đến mức mắt thường không thể phát hiện. Thậm chí, túi hiệu giả còn len lỏi vào tận cửa hàng chính hãng khi các nhân viên chủ tâm đánh tráo hàng giao cho khách.
Theo Phương Kim
NDH