Xuất khẩu vàng đem lại doanh thu hàng tỉ USD cho Nga mỗi năm - Ảnh: TASS
Đây là biện pháp trừng phạt mới nhất nhằm phản ứng với chiến dịch quân sự đặc biệt của Matxcơva tại Ukraine. Vàng hiện là mặt hàng xuất khẩu mang về nguồn thu lớn thứ hai cho Nga, chỉ sau năng lượng.
Trong tuyên bố phát ngày 26-6, một ngày trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G7 tại Đức, chính quyền Anh cho biết lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga của 4 nước nói trên sẽ sớm có hiệu lực.
Hiện chưa rõ ba thành viên còn lại của G7 gồm Đức, Ý, và Pháp có cấm nhập khẩu vàng của Nga hay không.
Biện pháp của 4 nước G7 nói trên nhắm vào các loại vàng mới khai thác hoặc tinh chế của Nga. Vàng có nguồn gốc từ Nga đã được xuất khẩu trước đó sẽ không bị ảnh hưởng.
Nga xuất khẩu số vàng trị giá khoảng 15,45 tỉ USD trong năm ngoái. Trong thời gian qua, giới nhà giàu Nga đã mua vào vàng thỏi nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của Nga.
"Biện pháp mà chúng tôi công bố ngày hôm nay (26-6) sẽ nhắm trực tiếp vào các tài phiệt Nga", Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Thủ tướng Anh Boris Johnson nói.
Cùng lúc, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng xác nhận điều này trên mạng xã hội Twitter. "Cùng nhau, G7 sắp thông báo rằng chúng tôi sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga, một mặt hàng xuất khẩu chính đem về hàng chục tỉ USD cho Nga", ông Biden viết.
Nhóm các nước G7 dự kiến họp thượng đỉnh từ ngày 27-6. Hãng tin Reuters dẫn nguồn một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ G7 sẽ công bố biện pháp cấm vàng xuất khẩu của Nga vào ngày 28-6.
"Ngày hôm nay, Anh và Mỹ sẽ công bố rằng lãnh đạo G7 sẽ cấm vàng của Nga. Tuyên bố chính thức sẽ được đưa ra ngày 28-6", vị quan chức này tiết lộ.
Anh tự tin rằng London có vai trò quan trọng trong thị trường giao dịch vàng toàn cầu, và cùng với Mỹ, Nhật Bản và Canada, biện pháp trừng phạt mới sẽ có sức ảnh hưởng rộng và ngăn vàng của Nga tiếp cận các thị trường quốc tế.
Trước đó, phương Tây đã tung ra hàng loạt trừng phạt đối với Nga, từ ngân hàng, công ty năng lượng, hãng hàng không, cho đến hàng tiêu dùng, công nghệ của nước này.
"Vàng, đứng sau năng lượng, là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Nga và là nguồn doanh thu đáng kể cho Nga", Hãng tin AFP dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên nhận định, cho rằng việc chặn nguồn xuất khẩu vàng của Nga sẽ càng cô lập nước này khỏi hệ thống kinh tế toàn cầu.
TTO - Ngày 28-3, Điện Kremlin 'nói thẳng' với phương Tây 'không trả tiền thì không có khí đốt' sau khi nhóm G7 bác yêu cầu của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp. Sự bất đồng này có nguy cơ gây gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Xem thêm: mth.11031635162602202-agn-auc-gnav-uahk-pahn-mac-7g-coun-4/nv.ertiout