Thời gian qua đã có sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và sự nghiêm khắc của pháp luật, nhưng vẫn xảy ra những vụ tham nhũng nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại lớn hơn và mức độ "hư hỏng" của những cán bộ "nhúng chàm" cũng nghiêm trọng hơn.
Không ít người có ý kiến băn khoăn: bắt như vậy, xử lý như vậy thì bao giờ sẽ hết?
Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thêm một lần nữa trăn trở rằng không thích thú gì việc xử lý, rất đau xót, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của pháp luật nên vẫn phải làm.
Trong 10 năm qua có hơn 170 cán bộ cấp cao diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có 37 trường hợp bị xử lý hình sự. Chưa bao giờ nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý như vậy.
Đảng xác định kết hợp giữa phòng và chống tham nhũng. Nhưng trước tình hình tham nhũng nghiêm trọng và phức tạp, thời gian qua đã tập trung vào khâu phát hiện, xử lý, coi đây là cấp bách và đột phá, qua đó để cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa chung.
Cùng với xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc và cán bộ tham nhũng, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, vừa để phòng ngừa - "không thể tham nhũng", vừa để xử lý - "không dám tham nhũng", cũng tập trung cao độ.
Trong 10 năm qua, trung ương đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng và Quốc hội, Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung, ban hành gần 180 luật, pháp lệnh, gần 1.500 nghị định về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng.
Nhưng xem ra như vậy vẫn chưa đủ. Để không còn những vụ tham nhũng lớn như vừa qua, tôi nghĩ việc tập trung hoàn thiện thể chế rất cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thực chất hơn nữa các giải pháp phòng ngừa. Nhất là công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.
Không một "virus" gian dối, khuất tất nào có thể tồn tại trước "liều kháng sinh" công khai, minh bạch. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng nếu cơ quan chức năng công bố giá nhập khẩu kit xét nghiệm Covid-19 thì có lẽ không xảy ra những sai phạm nghiêm trọng, hệ thống như vậy.
Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ tài sản trong toàn xã hội, nhất là tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và thực hiện thanh toán không tiền mặt. Làm như vậy sẽ kiểm soát được dòng tiền, mọi sự giàu lên một cách nhanh chóng, đáng ngờ của cán bộ đều dễ dàng được phát hiện và khi phát hiện thì không thể tẩu tán.
Chừng nào còn những trường hợp mà khi cơ quan điều tra khám xét, thu giữ 10 tỉ đồng tiền mặt ở cơ quan như đại biểu Quốc hội dẫn chứng thì còn rất nhiều trường hợp tham nhũng chưa bị lộ.
Theo thống kê 10 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra hơn 73.000 cơ quan, tổ chức, đơn vị về thực hiện công khai, minh bạch và phát hiện gần 1.000 đơn vị có vi phạm, nhưng nhiều người có cảm tưởng rằng hoạt động công khai, minh bạch đó đang được thực hiện ở đâu chứ không phải ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Có trên 8 triệu lượt người kê khai, tài sản thu nhập nhưng hiệu quả phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa được như kỳ vọng.
Cả nước có 80 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 44 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động, nhưng sử dụng tiền mặt vẫn là thói quen trong xã hội và vẫn là phương thức che đậy an toàn cho hành vi tham nhũng.
Đã đến lúc cần thực hiện quyết liệt và thực chất hơn nữa các giải pháp phòng ngừa, bên cạnh việc phát hiện và xử lý tham nhũng như thời gian vừa qua. Đó là hai mũi giáp công, hai gọng kìm tấn công tham nhũng, nhẹ một mũi sẽ không thành công.
TTO - Ngày 23-6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi các sở, ngành liên quan về việc tạm dừng giao dịch tài sản đối với 3 cán bộ, trong đó có một phó chủ tịch UBND huyện.
Xem thêm: mth.8911248072602202-gnoc-paig-ium-iah/nv.ertiout