Không phân biệt, không kéo bè phái, không ganh tị, hiềm khích, ghen ghét nhau, chắc hẳn đó là môi trường văn phòng lành mạnh mà bất kì ai cũng ao ước được làm việc tại đó. Có đồng nghiệp hợp cạ, có sếp luôn quan tâm, làm công việc mình thích, trong một môi trường phù hợp với tính cách, chẳng phải đó là công việc trong mơ hay sao!
Nhưng có một kiểu đồng nghiệp có thể "kéo" bạn xuống mà có khi bạn chẳng mảy may để ý tới, dù người ấy luôn vui vẻ, hòa đồng, có cùng sở thích ăn uống, vui chơi nhưng LƯỜI. Theo nghiên cứu của Mavenlink, có một người đồng nghiệp như vậy chẳng khác gì khát vọng của bạn cũng bị cản trở bởi một hòn đá to xù xì.
Nối tiếp những người đồng nghiệp lười biếng là những người có thái độ tiêu cực (42%) và kỹ năng giao tiếp kém (34%). Những kiểu người này thường xuyên được coi là những tác nhân "giết chết" năng suất làm việc hàng ngày của những người đồng nghiệp ngồi cạnh. Chắc hẳn họ cũng không được lòng nhiều người trong văn phòng lắm đâu!
Không ít người khẳng khái cho rằng làm việc với một nhân viên thích nói nhiều hơn thích làm có tác động xấu đến kết quả của cả tập thể. Trong khi đó, một vài người sẵn sàng đánh giá những người lười biếng chẳng khác gì "kẻ giết người không dao" số một về năng suất. Đối với một vài người khác, sự lười biếng được biểu hiện bằng các hoạt động tiêu tốn thời gian mà không có lợi ích rõ ràng.
Chắc hẳn, làm việc với một người lười sẽ rất áp lực, thậm chí đôi khi ức chế tột độ nếu như bạn cũng phải gánh cùng hậu quả. Đâu có ai có thể chấp nhận mãi cảnh một người chăm chỉ sớm tối còn một người chỉ ỷ lại, phụ thuộc phải không? Vì vậy, dưới đây là 5 cách để đối phó với một đồng nghiệp "không ai muốn có".
1. Xác định mức ảnh hưởng mà bạn phải chịu đựng
Với bước đầu tiên này, bạn cần thận trọng xác định rõ đồng nghiệp lười biếng đã khiến bạn chịu đựng khổ sở ra sao, đã phải sửa hộ sai lầm thế nào và đã phải mất bao nhiêu thời gian vô nghĩa cho một người không đáng. Cho dù cáu giận hay bực tức thế nào, hãy bình tĩnh nhìn nhận vấn đề.
2. Trực tiếp nói chuyện với đồng nghiệp
Trên thực tế, những người lười biếng như vậy thậm chí chẳng quan tâm tới người xung quanh khó chịu ra sao vì họ đâu có động lực làm việc, đâu có động lực để cố gắng. Nếu bản thân họ là những người vẫn ý thức được sự lười biếng gây tác động ra sao tới đồng nghiệp hoặc họ biết xấu hổ khi gây ảnh hưởng tiêu cực tới người khác, hãy nói thẳng với họ sự bức xúc của bạn.
3. Nói chuyện với quản lí cấp trên
Còn trong trường hợp họ là kẻ vừa lười nhác vừa bướng bỉnh, hãy báo cáo lên cấp trên - người trực tiếp quản lí công việc của bạn để họ biết rõ tình hình ra sao. Tất nhiên, chẳng công ty nào muốn trả lương cho một kẻ "ăn không ngồi rồi" cả.
4. Không nhân nhượng cho sự lười biếng
Nếu cứ nhún nhường, ngại ngần không muốn nói ra sự thật và chấp nhận làm thay việc của người khác thì sớm muộn gì, bạn cũng thấy sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của mình bị giảm sút, lúc nào cũng cảm thấy khó chịu, ấm ức, mệt mỏi. Hãy học cách từ chối và làm tốt phần việc của chính mình.
5. Giữ thái độ làm việc tốt
Dù xung quan bạn có ra sao thì bạn vẫn nên hoàn thành công việc mà mình luôn yêu thích, luôn tận tâm tận lực vì nó. Thành công sẽ không bỏ rơi người luôn biết cố gắng, luôn chăm chỉ đâu!
Lân Lan
Theo Trí Thức Trẻ