Việc tàu cá ngừng hoạt động làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân do ngừng sản xuất, không tìm được việc làm phù hợp trên bờ, không có thu nhập, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tàu nằm bờ, mọi hoạt động tại các cảng cá trở nên đìu hiu, một tiền lệ chưa bao giờ có, kể cả trong thời cao điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra gay gắt. Chưa bao giờ ngư dân rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay khi giá xăng dầu cao mà giá bán sản phẩm do tư thương thu mua chỉ ở mức cầm chừng. Giá bán và giá xăng dầu không tương ứng đã khiến nhiều chủ tàu ra khơi và chịu lỗ.
Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ
Nhiều tàu cá ngừng hoạt động
Tính đến cuối năm 2021 cả nước có trên 91.000 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, trong đó tàu cá khai thác vùng ven bờ là trên 42.000 chiếc; tàu cá khai thác vùng lộng là trên 18.000 chiếc; tàu cá khai thác vùng biển khơi là trên 31.000 chiếc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ đầu năm, giá dầu diesel, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng lên 65%. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10 - 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35 - 48%. Trong khi đó, giá bán hải sản tăng không đáng kể. Những khó khăn trên dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá ngừng hoạt động
Xăng dầu tăng giá khiến tàu cá nằm bờ
Mặc dù thời tiết đang rất thuận lợi cho tàu cá vươn khơi khai thác thủy sản nhưng nhiều ngư dân cho rằng, càng ra khơi thì lại càng thua lỗ, chính vì thế , không ít ngư dân hiện nay không mặn mà với biển.
Sau 6 tháng nằm bờ, tàu cá xa bờ do Thuyền trưởng Phạm Tánh phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định điều khiển có công suất trên 700 CV đã ra khơi chuyến đầu tiên trong năm 2022 và mới trở về cập bến tại Cảng cá Quy Nhơn. 20 tấn cá ngừ sọc dưa gần một tháng đánh bắt trở về, giá bán cho tư thương không tăng, trong khí đó giá dầu tăng hơn gấp đôi, chi phí vật tư, phí tổn cho chuyến biển đều tăng theo khiến cho cả chủ tàu và thuyền viên, người đi không lấy gì làm vui vẻ.
Vài chiếc tàu xuống cá, vài chiếc tàu lấy đá để đi chuyến mới với hi vọng đạt sản lượng để bù phí tổn. Chưa bao giờ, ngư dân Bình Định lại sợ bám biển như lúc này. Nếu chuyến biển đi không trúng cá, mà thời gian kéo dài trên biển tổn phí xăng dầu tăng cao sẽ mang về một khoảng nợ cho chủ tàu là điều chắc chắn.
Chủ tàu Võ Văn Toàn, xã Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định, cho biết: "Nghề biển làm mấy chục năm nay tôi biết, dầu tăng lên chỉ có nằm bờ thôi. Đầu năm đến giờ chỉ đi được hai chuyến biển. Năm bờ ở nhà, khổ quá, có người phải vay tiền ăn".
Những ngày qua, cảng cá Quy Nhơn vắng nhiều bởi lượng tàu ra vào giảm sút. Thường mùa trăng, tàu thuyền lấy tổn để ra khơi rất nhiều. Thế nhưng các đợt giá xăng dầu liên tục tăng thời gian qua đã khiến ngư dân quyết định nằm bờ:
Ông Phạm Anh Dũng, Phó Giám đốc Cảng cá Bình Định, nói: "Đầu năm 2022 đến nay, khi giá nhiên liệu tăng thì hầu như tàu cá nằm bờ nhiều. Tàu ra vào chỉ mới đạt 65% so với cùng kỳ, 75% hàng hoá thông qua cảng so với cùng kỳ. Các phương tiện đánh bắt đều không có lời, ngư dân không đi biển".
Hình minh họa.
Tàu cá nằm bờ do sức ép từ giá xăng dầu khiến chi phí đội giá tăng theo. Sản phẩm khai thác về tư thương thu mua không theo kịp giá xăng dầu. Bài toán khó cho ngư dân mỗi chuyến biển cứ thế trở thành gánh nặng, không có lời giải. Nhiều lão ngư gắn bó với nghề biển hơn mấy chục năm nay không khỏi xót xa. Bám biển hay nằm bờ - lựa chọn nào cũng khó cho ngư dân lúc này.
Một con tàu ra khơi thì ít nhất 5 - 7 ngư dân có thu nhập, nhiều hơn thì có thể lến đến cả chục người. Nhưng giờ khi hàng chục ngàn tàu cá nằm bờ, hàng trăm ngàn ngư dân không có việc làm, kéo theo đó là hàng triệu người bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể đến các nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng đến đơn hàng.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 27/6 với khách mời là PGS. TSKH Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khoá XV sẽ trao đổi cụ thể về vấn đề gỡ khó để tàu cá tiếp tục vươn khơi. Mời quý vị và các bạn đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.62855759172602202-iohk-nouv-cut-peit-ac-uat-ed-ohk-og/et-hnik/nv.vtv