Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nhấn mạnh như trên trước các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ cao (CNC) TP.HCM năm 2022”, ngày 27-6.
Sớm tháo gỡ điểm nghẽn cho nhà đầu tư
Trước thắc mắc của các doanh nghiệp về thủ tục hành chính, cơ chế liên thông một cửa khi đầu tư vào Khu CNC còn chậm, gây tốn kém thời gian, cơ hội đầu tư, chủ tịch UBND TP nhìn nhận việc cấp giấy phép, thủ tục đầu tư có nhiều vướng mắc mà trách nhiệm thuộc về UBND TP.HCM, TP Thủ Đức, các cơ quan, ban ngành và Ban quản lý Khu CNC.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (ngoài cùng bên phải) trao đổi với các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: CTV |
Ông Mãi đánh giá đây là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Từ đó, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sẽ triển khai mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp nhanh hơn, tốt hơn nhằm sớm triển khai các dự án.
“UBND TP mong thường xuyên được nghe những phản ánh cụ thể để tập trung giải quyết nhanh hơn những vướng mắc từ các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp” - ông Mãi chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá: Đến thời điểm này, Khu CNC TP.HCM đã phát triển 20 năm, có nhiều nhà đầu tư thành công theo đúng định hướng phát triển CNC để dẫn dắt kinh tế TP và đất nước. Đây là giai đoạn đầu định hình để nhìn lại cái được, chưa được. Sau giai đoạn này sẽ định hình xu thế phát triển của thế giới để đưa ra định hướng phát triển không chỉ cho Khu CNC mà còn cho cả TP.HCM gắn với phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới.
Lãnh đạo TP mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp từ các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp về định hướng phát triển Khu CNC thời gian tới. Cụ thể, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp đặt vấn đề gì với Chính phủ, TP và Khu CNC để chuẩn bị sẵn sàng khung pháp lý định hướng phát triển trong thời gian tới.
“Với tài nguyên hiện có tại Khu CNC, chúng ta sử dụng tối đa nhất không chỉ tạo ra giá trị nội tại Khu CNC mà tác động lan tỏa cho nền kinh tế TP và đất nước” - chủ tịch UBND TP.HCM khái quát.
Ông Mãi thông tin: TP xác định năm 2022 là năm phục hồi bằng năm trước khi dịch bùng phát, đồng thời chuẩn bị điều kiện để tăng tốc vào năm 2023. Chủ tịch TP lưu ý cần xem lại tất cả nguồn lực đầu tư vào Khu CNC, tài nguyên đã phát huy hết chưa để thu hút đầu tư mới và tái cơ cấu. Trong đó, trách nhiệm của TP tạo ra không gian, khung pháp lý hỗ trợ nhà đầu tư.
Mong sớm gỡ vướng điều chỉnh quy hoạch
Là nhà đầu tư ngoại có vốn đầu tư lớn tại Khu CNC, ông Võ Sỹ Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Ascendas Saigon Bund, chia sẻ nhu cầu nhân lực giai đoạn hậu COVID-19 để phục hồi rất cấp thiết, hiện các công ty thiếu cả lao động phổ thông lẫn lao động có chuyên môn cao… Đồng thời, ông Nhân cũng nêu một số vướng mắc và kiến nghị tháo gỡ, đó là quá trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 chậm do việc chuyển giao thẩm quyền giữa Khu CNC - UBND quận 9 (cũ) - TP Thủ Đức có khả năng kéo dài do phải đợi điều chỉnh quy hoạch 1/2000 của Khu CNC; dự án metro số 1 triển khai rất chậm so với dự kiến, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội kinh doanh của dự án.
Từ đó, vị lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị UBND TP, UBND TP Thủ Đức và các sở, ngành sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2000 của Khu CNC và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 để công ty có thể tiếp tục triển khai dự án.
Phản hồi ý kiến của các nhà đầu tư, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu CNC, thông tin đang thực hiện cơ chế một cửa liên thông về thủ tục đầu tư, trong đó Khu CNC làm đầu mối tiếp nhận và phối hợp với các cơ quan chức năng, TP Thủ Đức để sớm tháo gỡ các thủ tục hành chính, quy hoạch sử dụng đất cho nhà đầu tư sớm thực hiện dự án. Đồng thời, ông Thi cũng thông tin về dự án 6 ha dành để phát triển logistics nội Khu CNC hiện đã có 12 nhà đầu tư có ý kiến muốn tham gia. Theo đó, để các nhà đầu tư có thời gian chuẩn bị, trong vòng 15 ngày Khu CNC sẽ thông tin rộng rãi, các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận thông tin, cơ hội cạnh tranh bình đẳng.
11 tỉ USD đầu tư vào Khu công nghệ cao
Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban quản lý Khu CNC TP.HCM, cho biết: Khu CNC có tổng diện tích 913 ha. Thu hút 10 doanh nghiệp CNC hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác và tự động, sản xuất CNC... Đến nay, Khu CNC đã thu hút hơn 11 tỉ USD vốn đầu tư với 163 dự án sử dụng 51.000 lao động, trong đó vốn đầu tư FDI chiếm 84%; doanh thu xuất khẩu năm 2021 đạt 22 tỉ USD, đóng góp cho ngân sách gần 280 triệu USD.