Bộ não của triết gia U.T. Place - Ảnh: ABC AUSTRALIA
Triết gia U.T. Place sinh ra ở Anh đã dành cả đời để suy nghĩ về bộ não - chúng là gì, cách chúng hoạt động và cách chúng tạo ra ý thức.
Theo di chúc, ông Place hiến tặng bộ não của mình cho Đại học Adelaide, Úc - nơi ông từng giảng dạy - với yêu cầu được trưng bày cùng với câu hỏi thâm sâu: "Bộ não này có chứa ý thức của U.T. Place không?".
Theo Đài ABC của Úc, sau khi ông Place qua đời vào năm 2000, trường đại học đã nghiêm túc thực hiện mong muốn của ông. Và chỉ du khách nào có hẹn trước mới được xem bộ não của ông.
Vào đầu thập niên 1950, Đại học Adelaide là trung tâm của một cuộc cách mạng trí tuệ. Hai triết gia đi tiên phong trong cuộc cách mạng này, bao gồm ông U.T. Place và đồng nghiệp tên là J.J.C. Smart - triết gia người Úc gốc Anh và được Đại học Quốc gia Úc bổ nhiệm làm giáo sư danh dự. Ông Smart làm việc trong các lĩnh vực siêu hình học, triết học khoa học, triết học tâm trí, triết học tôn giáo và triết học chính trị.
Triết gia U.T. Place - Ảnh: NCCREA
Họ trở thành những nhân vật hàng đầu trong một phong trào gọi là chủ nghĩa duy vật của Úc, nhằm giải quyết câu hỏi về cách mà ý thức nảy sinh trong quá trình phát triển của não và về cách tâm trí liên hệ với vật chất.
Tuy nhiên, 22 năm sau cái chết của triết gia Place, câu hỏi hóc búa vẫn chưa có lời giải: Làm thế nào để một khối vật chất sinh học (não) nặng 1,3kg tạo ra ý thức và cảm giác?
Nhà tâm lý học Thomas, con trai của ông Place, mới đây đã từ Hà Lan trở lại Úc và đến thăm bộ não của cha mình tại Đại học Adelaide.
Ông cho biết quan điểm của cha ông về bộ não con người rất phức tạp. Theo ông, người cha triết gia của ông là một nhà duy vật, người đã lập luận rằng tâm trí không tách rời khỏi cơ thể.
Ông Thomas giải thích: "Ông ấy từ chối chấp nhận lập trường của thuyết nhị nguyên - rằng tinh thần và vật chất tách rời nhau".
"Nếu bộ não được cấu tạo từ vật chất, và tất cả chỉ có vật chất, thì làm sao một thứ vô hình như nhìn thấy màu đỏ lại có thể được giải thích máy móc theo những thuật ngữ thuần túy?", ông Thomas nói.
Trả lời câu hỏi về việc ông Place hiến tặng bộ não cho triết học, ông Thomas nói: "Đây là một trò đùa, hay nghiêm túc? Tôi nghĩ đó là cả hai".
Thật không may, bộ não của triết gia Place - được bao bọc một cách yên bình trong hộp thủy tinh - không đưa ra nhiều manh mối để giải đáp vấn đề còn nhiều tranh cãi trong suốt 22 năm qua, cũng như sau này.
TTO - Theo kết quả một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, chỉnh sửa gene não có thể là một phương pháp điều trị tiềm năng đối với chứng rối loạn lo âu và nghiện rượu.