Tuyến 152 (khu dân cư Trung Sơn - Bến Thành - sân bay Tân Sơn Nhất) do liên danh Bảo Yến - HTX 28 tổ chức khai thác - Ảnh: CHÂU TUẤN
Theo đó, nằm trong mục tiêu tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, giảm và hạn chế sử dụng xe cá nhân, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho ra đời ứng dụng Go! Bus có thể giúp người tham gia phương tiện biết được giờ xe tới, bản đồ, địa điểm quan tâm, danh sách các tuyến xe buýt qua khu vực đang ở và phản ảnh những điều hài lòng, không hài lòng về xe buýt.
Trong thời buổi xăng dầu liên tục tăng giá, đây được xem là một sáng kiến nhằm giúp người dân tiết kiệm chi tiêu, đồng thời tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xe gắn máy, xe cá nhân.
Một mặt hoan nghênh chủ trương này, mặt khác các ý kiến cho rằng những cố gắng của Sở Giao thông vận tải TP.HCM là điều kiện cần chứ chưa đủ. Nếu thấy tiện lợi, người dân sẽ tự khắc sử dụng phương tiện này đi làm, đi công việc.
Về ý này, bạn đọc Ndjdjd (ndndnd@...) viết: "Thực ra nhiều người rất muốn đi xe buýt nhưng đi rồi sợ luôn. Hiện nay chỉ một số tuyến xe buýt mới sạch, xe văn minh, còn lại là cũ, xuống cấp hết. Mấy tuyến xe buýt vẫn còn nhân viên thu vé vẫn còn đủ thứ hết, thì làm sao đáp ứng nhu cầu đi lại một cách thuận tiện".
Trong khi đó, bạn đọc nobitu (nobitu6tuoi@...) chỉ ra 4 bất cập hiện nay của xe buýt TP.HCM như sau: "1- Số lượng tuyến xe buýt thì ít, thời gian giãn cách giữa các chuyến thì cao; 2- Giờ đóng tuyến các tuyến thì không giống nhau, có tuyến 18h đã đóng, có tuyến 21h mới đóng. 3- Tuyến thì chạy lòng vòng theo chữ Z và chữ U. 4- Tính kết nối giữa các tuyến thì kém".
Ở góc người trải nghiệm, bạn đọc Phương Thảo (huynhlyphuongthao@...) bổ sung: "Không biết diễn tả như thế nào khi đã từng thử đi làm bằng xe buýt từ quận Bình Tân đến TP Thủ Đức mất gần 3 tiếng đồng hồ cho quãng đường hơn 20km. Thử 3 ngày trễ làm nên bỏ luôn, nếu cứ tiếp tục sẽ bị đuổi việc là cái chắc".
Và như vậy, theo nhiều bạn đọc, làm sao người dân dám bỏ xe cá nhân mà đi xe buýt cho được.
Ngoài việc chỉ ra những bất tiện của xe buýt, theo rất nhiều bạn đọc, thay vì kêu gọi 'suông" thì lãnh đạo, cán bộ nhất là Sở Giao thông vận tải nên làm gương trước để chứng minh sự tiện dụng và hiệu quả khi sử dụng xe buýt để đi làm, đi công việc khắp nơi.
Về ý này, bạn đọc Tuấn Võ (votuanske88@...) viết: "Đề nghị lãnh đạo sở làm gương bằng cách mỗi tuần đi làm bằng xe buýt 3 ngày trước cho dân thấy. Đây cũng là cơ hội để hiểu và lắng nghe cảm xúc, ý kiến của người dân được nhiều hơn".
Bên cạnh các góp ý, chỉ ra những bất cập, một số bạn đọc còn hiến kế cho các cơ quan chức năng nhằm góp phần cải thiện chất lượng phục vụ tốt hơn.
Theo bạn đọc Nguyễn Việt Hà (nguyenvietha3144@... ), nhiều năm qua nhận xét xe buýt TP.HCM có nhiều mặt yếu gồm:
- Thứ nhất: Khi mới bước chân lên xe buýt thì tôi không bao giờ nhận thấy thái độ ân cần của nhân viên soát vé phục vụ hành khách của xe, ăn mặc không lịch sự, thái độ không ân cần phục vụ hành khách... Khi xe buýt chạy mới thật sự lo lắng khi xe buýt phóng nhanh vượt ẩu, tới trạm không tấp vào mà dừng xe ngay giữa đường mỗi khi có khách xuống.
- Thứ hai: Ám ảnh tôi mãi là hình ảnh xe buýt TP.HCM sao gớm ghiếc vì đa số xe buýt TP.HCM là xe có màu sơn cũ với hình dáng không bắt mắt, lên xe thì xe dơ bẩn, không sạch từ sàn xe đến cửa kính xe...
Để người dân TP.HCM thường xuyên đi xe buýt hơn, bạn đọc này góp ý: "Trước hết tôi chỉ mong muốn lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Sở Giao thông vận tải mỗi tuần đi làm bằng xe buýt thử xem, chỉ khi nào lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cảm nhận nỗi buồn về xe buýt TP.HCM thì khi đó tôi mới có hy vọng là lãnh đạo TP.HCM mới có kế hoạch phát triển hiện đại 100% xe buýt TP.HCM, cùng với thay đổi cung cách và thái độ phục vụ thân thiện của nhân viên phục vụ trên xe buýt bằng việc ban hành "quy chế phục vụ hành khách của nhân viên xe buýt TP.HCM".
Ngoài ra, bạn đọc Nguyễn Việt Hà cũng đề nghị TP.HCM cho phép hoạt động xe buýt tư nhân nhiều hơn. Theo bạn đọc này, trong nhiều năm qua bản thân ông đi xe khách tư nhân chất lượng cao, chứ không bao giờ đi xe khách tại bến xe khách nhà nước tại TP.HCM.
Bạn đọc Nguyễn Việt Hà viết: "Nếu TP.HCM có giấy phép cho phép tư nhân kinh doanh xe buýt chất lượng cao sẽ khuyến khích việc đi lại của người dân bằng xe buýt trên địa bàn TP.HCM, từ đó mới hy vọng xe buýt nhà nước tại TP.HCM có đổi mới về chất và thái độ với khách...
Từ mô hình Chính phủ Singapore làm rất tốt dịch vụ xe buýt, bạn đọc Nguyễn Việt Hà kiến nghị: "TP.HCM cần có kế hoạch về quy hoạch hệ thống xe buýt chất lượng cao như Chính phủ Singapore đã làm được trong nhiều chục năm qua. Lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cần có kế hoạch qua Singapore tham khảo mô hình xe buýt chất lượng cao tại Singapore để cải tiến và đổi mới hoạt động xe buýt TP.HCM".
Là người sử dụng xe buýt đi lại, theo bạn, đâu là những bất tiện bạn hay gặp? Bạn muốn đóng góp điều gì để xe buýt TP.HCM ngày càng tiện dụng?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
TTO - Trong khi giá xăng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì thông báo học phí lại tăng cao khiến nhiều sinh viên chật vật xoay trở. Nhiều bạn đã lên kế hoạch cắt bớt chi tiêu, hạn chế tụ tập để cân bằng tài chính.
Xem thêm: mth.4484234182602202-tyub-ex-nohc-es-nad-cahk-ut-id-tahc-gnan-gnous-iog-uek-nac-gnohk/nv.ertiout