Một hệ thống tàu điện trên cao tại thành phố Chicago, Mỹ - Ảnh: CHICAGO TRIBUNE
Báo Los Angeles Times ngày 23-6 dẫn lời ông Chris Filippi, phát ngôn viên của hệ thống vận chuyển nhanh khu vực vịnh San Francisco (BART), đơn vị điều hành trung tâm tàu điện, cho biết: “Nhiệt độ trên đường ray thời điểm đó đã vượt quá 60°C, cao hơn gần 14°C so với nhiệt độ vận hành tối đa của đường ray”.
Người phát ngôn của BART nói với báo The Independent (Anh) rằng rất hiếm khi xảy ra sự cố trật bánh do các yếu tố liên quan đến nhiệt độ ở nhà ga vịnh San Francisco kể từ năm 2015.
Sở Cảnh sát hạt Contra Costa (bang California, Mỹ) đã phải sơ tán khẩn cấp khoảng 50 hành khách sau sự cố trên. Trước đó, thời tiết nắng nóng bất thường đã làm một đoàn tàu chở hàng trật bánh ở hạt San Bernardino, gần biên giới giữa bang California và bang Arizona vào năm 2020.
Theo giới chuyên gia, đây được xem là một trong những sự cố về hạ tầng giao thông điển hình liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu ở các nước phát triển thuộc khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.
Theo Cục Thời tiết Mỹ, khu vực miền nam bang California vào tuần trước đã chứng kiến mức nhiệt độ cao kỷ lục. Nhiệt độ tại khu dân cư ở Imperial, Van Nuys, Pasadena, Northridge, Burbank và Woodland Hills tại quận Los Angeles, bang California đạt mức 38°C, cao nhất kể từ thập niên 90 của thế kỷ 20.
Giáo sư địa lý Jean-Paul Rodrigue tại Đại học Hofstra (Mỹ) cho biết biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, ngập lụt đe dọa hệ thống giao thông ở các nước. Đồng thời, nhiệt độ quá cao có thể khiến đường ray bị lệch và làm mềm mặt đường khiến bề mặt đường bị vênh hoặc rạn nứt.
Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học ScienceDirect của giáo sư Hai Jun Huang, thuộc Đại học Hàng không và du hành vũ trụ Bắc Kinh (Trung Quốc), vào năm 2019 cũng chỉ ra các tuyến đường sắt trên khắp nước Mỹ có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn với tần suất và cường độ ngày càng tăng của các đợt nắng nóng.
Theo dự báo, đến năm 2100, ngành giao thông vận tải ở Mỹ có thể chịu thiệt hại đến 60 tỉ USD khi biến đổi khí hậu làm thay đổi các cấu trúc và hiệu quả vận hành của các đường ray trong các hệ thống đường sắt trên toàn quốc.
Trước đó, vào năm 2019, đợt nắng nóng dữ dội ở các nước châu Âu đã khiến những đường ray xe lửa hình thành “đường gấp khúc mặt trời”. Đây là hình dạng uốn cong của đường ray khi phải chịu nền nhiệt độ cao.
Nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân khiến các đường ray có hình dạng "đường gấp khúc mặt trời" - Ảnh: CNN
Ở khu vực Trung Âu, Trung tâm Y tế công cộng quốc gia Hungary (NNK) ngày 27-6 đã đưa ra cảnh báo với người dân về nguy cơ có thể xảy ra gián đoạn tại các trung tâm giao thông vận tải đường bộ của đất nước do nhiệt độ quá cao khiến tình trạng xì lốp xe trở nên phổ biến hơn. Theo Hãng tin Tân Hoa xã, nhiệt độ vào cuối tuần này ở thủ đô Budapest dự kiến vượt mốc 40°C.
Theo báo The Independent, sự cố trật bánh tại hệ thống đường ray ở vịnh San Francisco đã nhấn mạnh việc một số cơ sở hạ tầng giao thông ở Mỹ có thể chưa sẵn sàng để ứng phó với khủng hoảng khí hậu.
Trong đợt nắng nóng kỷ lục vào năm ngoái ở tây bắc Thái Bình Dương, các tuyến cáp và đường tàu hỏa ở thủ đô Washington đã bị đứt do nhiệt độ tăng lên mức 41°C.
“Các cơ sở hạ tầng giao thông ngày nay không được thiết kế để chịu được nhiệt độ cao thường xuyên”, trang web của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) dẫn kết luận đáng chú ý trong bài viết có nhan đề “A World Overheating” (tạm dịch: Một thế giới quá nóng) của nhóm tác giả Alice C. Hill, Madeline Babin và Sabine Baumgartner vào tháng 7-2021.
TTO - Một nghiên cứu lớn được công bố trên tạp chí khoa học Environmental Research ngày 28-6 khẳng định các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu.
Xem thêm: mth.39490519182602202-ioig-eht-pahk-gnoht-oaig-gnoht-eh-aod-ed-gnouht-tab-gnon-gnan/nv.ertiout