Tối 13-10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh 100 nông dân xuất sắc và 63 hợp tác xã Việt Nam tiêu biểu. Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ.
Trong số 100 nông dân xuất sắc năm 2023, ông Lê Văn Sấm (65 tuổi, ở xã Thanh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) là nông dân xuất sắc có lợi nhuận lớn nhất.
Với 45ha nuôi tôm biển công nghệ cao (tôm thẻ chân trắng), năm 2022, ông Sấm thu về 70 tỉ đồng, trừ chi phí ông lời 50 tỉ đồng.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sau khi nhận danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, ông Lê Văn Sấm cho biết gần 20 năm qua ông cũng trải qua nhiều thăng trầm với con tôm. "Tôi thoát trắng tay và thành công như hôm nay là nhờ xoay đúng lúc", ông Sấm nói.
Theo ông Sấm, năm 2006, ông bắt đầu đào ao, nuôi tôm biển. Thời gian đầu, những ao tôm của ông êm thuận, liên tục trúng vụ và trở nên có tiếng tăm trong huyện về nuôi tôm.
"Khi ấy, người dân các xã ven biển còn khó khăn lắm, không phải ai cũng biết nuôi tôm đâu. Thấy vậy, nhiều bà con trong vùng tìm đến tôi nhờ tư vấn rồi về đào ao nuôi tôm. Sau nhiều vụ được mùa, được giá, nhiều bà con đổi đời, phong trào nuôi tôm biển ở đây phát triển nhanh chóng", ông Sấm kể.
Nhưng niềm vui ấy cũng chỉ được dăm năm bởi ông và hầu hết mọi người nuôi tôm không chú trọng việc xử lý ao nuôi và xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường nuôi khiến tôm bị bệnh, chết nhiều, dẫn đến thất vụ, rơi vào tình trạng thua lỗ, nợ nần, phải bỏ ao.
"Giai đoạn 2012 - 2014, tôi loay hoay, chật vật với con tôm bởi càng nuôi thì càng lỗ, nợ nần lên tới cả trăm triệu đồng, có những lúc chán nản tôi cũng muốn treo ao", ông Sấm nói.
Đúng thời điểm khó khăn nhất, ông được một số anh em giới thiệu tham quan mô hình nuôi tôm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, có nhiều ưu điểm như có thể kiểm soát được môi trường nuôi, quản lý dịch bệnh, năng suất tôm thu hoạch cao gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống.
"Thấy người ta đầu tư có hiệu quả nhưng do vốn đầu tư cao nên tôi vay mượn thêm tiền để làm thử nghiệm một ao nuôi khoảng 1.000m2. Ngay trong vụ đầu tiên, tôi trúng đậm với 8 tấn tôm, thu về khoảng 800 triệu đồng, số này vừa thu đủ vốn lại vừa có lãi", ông Sấm cho biết, sau đó ông mạnh dạn phát triển, mở rộng thêm các ao nuôi, bình quân năng suất cao nhất là 9,2 tấn/ao, mỗi vụ thu về gần 1 tỉ đồng/ao.
Hiện ông đang nuôi khoảng 45ha tôm công nghệ cao, sản lượng trung bình 50 - 70 tấn/ha, mỗi năm lượng tôm thịt bán ra thị trường trên 500 - 700 tấn. Trừ các chi phí đầu tư, mỗi năm ông thu lời khoảng 30 - 40 tỉ đồng, riêng năm 2022 "được mùa, được giá" nên ông lời 50 tỉ đồng.
Dù thu lợi nhuận cao nhưng do chi phí đầu tư lớn và rủi ro luôn tiềm ẩn, nên ông Sấm mong muốn Nhà nước có chính sách vay vốn ưu đãi cho những nông dân muốn đi theo hướng công nghệ cao để họ có vốn đầu tư ban đầu.
Ngoài ra, Nhà nước, chính quyền địa phương cần quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi và điện để người dân có thể đầu tư, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, từ đó nghề nuôi tôm sẽ bền vững hơn.
"Là một nông dân có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm công nghệ cao, nếu bà con nào muốn học hỏi, làm theo thì tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ", ông Sấm nói.
Chú trọng hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái
Phát biểu tại lễ tôn vinh, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn 100 nông dân xuất sắc và 63 hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu được tôn vinh, tiếp tục đi đầu trong hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao để đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới, xây dựng, phát triển và gìn giữ thương hiệu sản phẩm, thị trường tiêu thụ.
Tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, giúp đỡ nhiều người khác, có thêm nhiều nông dân vươn lên làm giàu chính đáng, nhiều hợp tác xã nông nghiệp thành công, phát triển để chung sức cùng cộng đồng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
"Hội Nông dân các cấp cần chú trọng hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ số, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, nông nghiệp kết hợp công nghiệp, nông nghiệp kết hợp dịch vụ.
Thường xuyên quan tâm nguyện vọng của nông dân, nắm bắt các vấn đề thực tiễn, thực hiện tốt Luật dân chủ ở cơ sở với phương châm 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng'", ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Từ vụ việc doanh nghiệp hủy mua đu đủ của nông dân ở Nghệ An, người dân mong muốn làm sao để liên kết bền vững, hạn chế 'bẻ kèo'.