Ca mắc mới ở Đông Nam Á và Trung Đông tăng 45%
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới cho biết số ca mắc Covid-19 đang có dấu hiệu gia tăng ở một số khu vực.
Theo WHO, thế giới có 3,3 triệu ca mới vào tuần rồi, giảm 4% so với tuần trước đó. Số ca tử vong cũng giảm ở hầu hết các khu vực, với mức giảm chung toàn cầu là 16%. Dù vậy, số ca mới ở Đông Nam Á và Trung Đông tăng 45% trong khi tỉ lệ này ở châu Âu tăng 6%.
Ngày 24/6, nhà chức trách Đặc khu hành chính Macau - Trung Quốc cho phong tỏa nhiều tòa chung cư sau khi số ca mắc Covid-19 liên tục tăng. Với 39 ca mới được công bố trong ngày này, tổng số ca đã tăng lên 149 trong đợt dịch hiện nay.
Người dân xếp hàng đợi xét nghiệm Covid-19 tại Đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) ngày 20/6 Ảnh: REUTERS
Trước đó một ngày, Mexico công bố 16.133 ca Covid-19 mới, mức cao nhất kể từ tháng 2/2022. Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng này là dấu hiệu về một làn sóng lây nhiễm mới khắp nước. Thứ trưởng Bộ Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell cho biết số ca đã tăng liên tục vào 9 tuần qua nhưng hầu hết do các biến chủng phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gây ra nên có triệu chứng nhẹ, theo Reuters
Trong thông điệp gửi tới người dân vào đêm qua (28/6), Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen cho biết, các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 vừa được phát hiện bằng xét nghiệm PCR đối với một số công dân chuẩn bị rời Campuchia, cũng như du khách mới nhập cảnh. Cùng với đó, một số trường hợp khác cũng được phát hiện bằng các xét nghiệm nhanh. Như vậy, Campuchia cũng đã chấm dứt chuỗi thời gian 52 ngày không có ca lây nhiễm.
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ Y tế Campuchia thông báo đã ghi nhận 136262 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 133206 trường hợp đã bình phục và có 3.056 người tử vong vì dịch bệnh này.
BA.5 xâm nhập vào Việt Nam
Tại các nước châu Âu và châu Mỹ, BA.4 và BA.5 là hai thủ phạm khiến họ đối mặt hàng loạt làn sóng Covid-19 mới. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 14/6 thông báo tính đến ngày 11/6, có tới hơn 21% số ca mắc COVID-19 tại nước này là do nhiễm hai dòng phụ của biến thể Omicron là BA.4 và BA.5; số ca mắc mới COVID-19 trong vòng 7 ngày (tính đến ngày 11/6) tại Mỹ là 105.615 ca, tăng 6,7% so với 1 tuần trước đó.
Triệu chứng của biến thể BA.5
Tại cuộc gặp mặt cung cấp thông tin y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức chiều 27/6, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, có thể lấn át biến thể phụ cũ BA.2 đang chiếm ưu thế ở nước ta.
Cũng theo Cục trưởng, hiện nay thế giới vẫn đang tiếp tục đánh giá về tính lây lan của hai biến thể phụ mới BA.4, BA.5. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.
Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi. Dù vậy, để có bức tranh tổng thể cần thêm nghiên cứu tại châu Âu, Mỹ.
Vậy biến thể BA.5 có những dấu hiệu nhận biết nào?
Theo The Healthsite, một số đặc điểm của biến thể phụ BA.5 là:
- Có tốc độ lây lan cao
Tiêm vắc xin Covid-19 vẫn là lá chắn phòng thủ hiệu quả trước các biến thể mới
- Gây ra các triệu chứng nhẹ hơn, tương tự các nhánh của Omicron
- Tác động ở đường hô hấp trên (mũi) trong khi chủng virus SARS-CoV-2 gốc ảnh hưởng nhiều tới phổi
Các triệu chứng chính của BA.5 gồm sốt hoặc ớn lạnh, khó chịu, mất khứu giác, ho, mệt mỏi, nghẹt mũi, sổ mũi. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể khó thở, thở gấp, đau cơ bắp, đau đầu, đau họng, buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy.
Hiện Tổ chức WHO nhận định thế giới vẫn đang trong đại dịch. Đồng thời, cảnh báo biến chủng mới làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Omicron hiện là biến phổ biến nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng. Vì thế, các nước vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine, giám sát trọng điểm…
Nguyễn Phượng
Theo Trí Thức Trẻ