Sinh viên Cao Thắng đón xe buýt tại trạm Hàm Nghi, quận 1, TP.HCM (ảnh chụp trước đợt dịch thứ 4) - Ảnh: T.T.D.
Tuổi Trẻ Online giới thiệu các ý kiến dưới đây của bạn đọc tham dự diễn đàn để xe buýt TP.HCM ngày càng tiện dụng?
Để người dân tự bỏ xe cá nhân đi xe buýt, cần nâng cao:
- Tăng tần suất xe chạy, giảm giãn cách giữa 2 chuyến. Để người dân chỉ chờ tối đa 5 phút là có xe. Chứ đứng ngoài trạm chờ 10 phút giống như ngồi trong phòng máy lạnh 1 tiếng vậy đó.
- Tăng số lượng tuyến buýt để tăng tính kết nối.
- Thời gian hoạt động phải từ 4h - 22h cho tất cả các tuyến.
- Điều chỉnh lộ trình sao cho xe buýt ít quẹo trái nhất (hạn chế kẹt xe). Không có tuyến chạy quanh co kiểu chữ U và chữ Z.
- Tất cả các tuyến đều phải lắp đặt hệ thống bán vé tự động, không sử dụng ông bán vé nữa, mọi sự rắc rối xuất phát hầu hết ở ông này.
- Quan trọng nhất, TP.HCM có chấp nhận chi thật nhiều tiền để làm không thôi.
NOTUBI (nobitu6tuoi@...)
Tôi không có ý so sánh khập khiễng nhưng tôi đi Singapore nhiều và tôi thấy thích hệ thống xe buýt + tàu điện ở đó (dù nếu tôi thích thì vẫn có bạn tôi đưa đón tôi bằng xe ôtô). Xe buýt bên đó tiện lợi, sạch sẽ, đi đến được đa dạng điểm đến.
Về xe buýt ở nước ta, theo tôi có một số vấn đề sau:
1/ Xe dơ, cũ: từ ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe. Ghế ngồi có khi rách bươm.
2/ Không có quy định cấm ăn uống trên xe nên có nhiều xe bị làm dơ do hành khách làm đổ thức ăn, nước uống.
3/ Tài xế chạy bạt mạng. Tiếp viên nhiều người hung dữ, nói như chửi.
4/ Vẫn còn tồn tại tệ nạn móc túi, quấy rối tình dục trên xe và ở bến xe buýt.
5/ Điểm lên xuống xe chưa đa dạng các nơi.
6/ Đối với người già, người khuyết tật thì hầu như đầu hàng với xe buýt vì họ không đủ nhanh, không đủ khỏe để đu bám theo xe. Hoặc nữ giới văn phòng mặc đồ văn phòng mang giày cao gót cũng không tiện đi xe buýt.
Không phải tuyến buýt nào cũng vậy, nhưng khá nhiều tuyến thì có. Tôi đã ngồi cả xe buýt đi đến Đại Nam (Bình Dương) và Long An để trải nghiệm.
Và có nhiều lần đi xe buýt mà tôi được trải nghiệm "chuyến xe bão táp".
Hiện nay tôi đang làm ở công ty có địa điểm gần trạm xe buýt, có thể từ nhà tôi đón tuyến 14 để đi làm nhưng tôi vẫn chưa dám đi vì các điều nói trên.
Nhà quản lý, cán bộ làm về xe buýt cần đi xe buýt 2-3 tháng trở lên để nắm tình hình và biết cần làm gì.
LIÊN (eva.lien.tran@...)
Còn 2 vấn đề mình quan tâm khi đi xe buýt:
1/ Trạm dừng và nhà chờ xe buýt đa số không có mái che, mỗi khi đứng chờ tại mấy trạm như vậy vào trời mưa thì không biết tính sao.
2/ Đối xứng trạm xuống và trạm lên bất tiện khi qua đường vì dải phân cách (mình không biết nói sao, ví dụ: xuống trạm A để chuẩn bị qua đường đón xe khác đi đến địa điểm cần đi, vừa xuống xe trạm A phải đi bộ rất xa, rồi mới qua đường và đi bộ thêm một đoạn nữa mới đến trạm đối xứng để lên xe (trạm B), chạy không kịp là xe buýt đi mất tiêu. Cần xem lại đặt trạm đối xứng để xuống xe, qua đường đón xe cho tiện người đi bộ.
HUYNH VY
1/ Lên xe: trộm cắp, dơ dáy, mùi xe mùi này nọ còn tồn tại, chưa khắc phục.
2/ Trả tiền: cũng ổn, nhưng nếu được tích hợp trả online được ưu đãi. Làm 2 trong 1 luôn.
3/ Xuống xe tới chỗ: đất nước nhiệt đới nên nắng nóng, không thể đi bộ được nếu 12h trưa.
Cần có vài bến xe đạp cho thuê hay miễn phí hỗ trợ. Điều này giống với ra bến. Đừng bắt chước mấy nước ôn đới, người ta đi bộ được, nhưng mình thì không.
Còn nếu chấp nhận đi bộ, đi xa, đi nắng, thì phải rẻ, cực kỳ rẻ, hỗ trợ người dân. Lấy rẻ để thu hút người đi. Sau đó thu tiền doanh nghiệp ở bến buôn bán, tiền marketing dán poster... để bù vào.
PHẠM HOÀNG QUÂN
Là người sử dụng xe buýt đi lại, theo bạn, đâu là những bất tiện bạn hay gặp? Bạn muốn đóng góp điều gì để xe buýt TP.HCM ngày càng tiện dụng?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
TTO - Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến như vậy xung quanh việc Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị các sở ngành, các quận huyện và TP Thủ Đức tùy điều kiện thực tế, vận động người dân, công chức, viên chức đi làm bằng xe buýt thông qua ứng dụng Go! Bus.
Xem thêm: mth.54215810192602202-tyub-ex-ohc-hneb-auhc-aot-ek-hcam-tab-cod-nab/nv.ertiout