Cây cao su đã đem đến niềm vui đổi thay và phát triển cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên - Ảnh: Q.M.
"Nhiều năm sống ở đồi núi Tây Nguyên, tôi hiểu rõ đời sống bấp bênh của bà con dân tộc trước đây. Từ khi cây cao su cho "vàng trắng" trên vùng cao này, cuộc sống người dân dần đổi thay. Có những gia đình cả hai vợ chồng cùng làm công nhân cao su, tổng lương mỗi tháng ngót nghét 20 triệu, chưa tính thưởng. Kinh tế gia đình họ rất vững", anh Trương Ngọc Chiến, giám đốc Nông trường Đoàn Kết của Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang ở Gia Lai, tâm sự.
Phát triển "vàng trắng" ở Tây Nguyên
Anh Chiến kể thêm ngoài làm việc công ty, công nhân cao su còn nhiều thời gian về nhà làm riêng như chăn nuôi, vườn rẫy, kể cả cao su tiểu điền nên đời sống đồng bào dân tộc khá hẳn lên so với trước kia. Và những ngày đi thực tế tại các công ty cao su Tây Nguyên, chúng tôi đã được nghe nói nhiều về điều này.
Một nhiệm vụ lớn của ngành cao su lan tỏa tán xanh trên vùng đồi núi Tây Nguyên chính là nâng cao đời sống đồng bào dân tộc. Công ty cao su đi đến đâu, đường mở đến đó, kéo theo là điện, trường, trạm, chợ búa và những buôn làng trù phú phát triển…
Nói ngắn gọn, chân tình như ông Trương Minh Tiến, tổng giám đốc Công ty Cao su Mang Yang, thì "đó là niềm vui, niềm vui của đồng bào và niềm vui của ngành cao su được góp phần phát triển Tây Nguyên".
Ngược thời gian trở lại đầu thập niên 1980, giai đoạn các vườn cao su Tây Nguyên được đầu tư phát triển bằng sự "chi viện" tối đa từ các công ty ở miền dưới. Giữa năm 1983, Công ty Cao su Phước Hòa đã cử lên Mang Yang 109 cán bộ và công nhân kỹ thuật nhiều kinh nghiệm.
Thời kỳ đầu, họ tuyển dụng thêm 60 lao động là người dân tộc làm việc tại hai nông trường để chuẩn bị trồng mới cao su. Làm việc sức người là chính, nhưng 40ha đầu tiên nhanh chóng được phủ xanh, rồi tiếp tục là 400ha cao su trong vụ trồng năm sau ...
Đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên trồng cây giống cao su - Ảnh QUỐC MINH
Cùng thời điểm năm 1983 đầy khó khăn này, Công ty Cao su Đồng Nai cũng cử 70 cán bộ, công nhân kỹ thuật lên xây dựng Công ty Cao su Ea H'leo ở Đắk Lắk. Ban đầu, họ tuyển thêm 100 lao động địa phương để thành lập 4 đội chuẩn bị trồng mới 200ha cao su ngay trong năm 1984.
Ngoài ra, nhiều công ty khác như Công ty Cao su Đồng Phú, Công ty Cao su Dầu Tiếng… cũng chi viện nhân lực, phương tiện và kỹ thuật để xây dựng, phát triển ngành cao su trên vùng đất Tây Nguyên.
Nhắc nhớ những năm tháng đầu đầy gian lao, nhiều thế hệ lãnh đạo các công ty cao su trên miền cao này kể họ phải đối diện với những vấn đề khó khăn mà người trẻ giờ khó hình dung nổi.
Đầu tiên là họ phải đương đầu với sự đối kháng nguy hiểm của lực lượng Fulro như bóng ma ẩn hiện trong rừng, rồi bom đạn chiến tranh còn sót lại, kể cả bệnh sốt rét không chịu buông tha ai.
Ngoài ra, còn có một vấn đề tưởng chừng nhỏ mà cũng rất khó khăn khác là tập quán du canh du cư và làm việc tùy ý thích cá nhân của không ít đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Sửa đổi được thói quen ảnh hưởng năng suất lao động này đòi hỏi sự kiên trì rất lớn và mất nhiều thời gian…
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn vượt qua được những khó khăn cao như núi đó để dần phát triển công ty, nâng cao dần đời sống đồng bào", ông Lê Anh Tuấn, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Cao su Ea H'leo ở Đắk Lắk, vui vẻ kể. Đến cuối năm 1989, cả nước có gần 200.000ha cao su, trong đó diện tích cao su Tây Nguyên tăng từ 3.000ha lên 12.000ha và tiếp tục mở rộng.
Như chỉ riêng Công ty Cao su Ea H'leo đến nay đã có 4.812ha cao su, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh 14.000ha (ở Campuchia là 4.200ha), Công ty Cao su Mang Yang 7.502ha…
Trong một buổi trao đổi cởi mở vào đầu tháng 6 này, ông Lê Anh Tuấn khẳng định rõ công ty mình đã đạt nhiều nhiệm vụ được giao. Trong đó đặc biệt là quan tâm đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Công ty đã kết nghĩa với tám buôn làng để nâng đời sống vật chất và tinh thần đồng bào.
Ở Công ty Cao su Chư Păh, đơn vị đang có hơn 70% lao động là đồng bào dân tộc, tổng giám đốc Phạm Đình Luyến "khoe": Hai năm dịch giã nhưng lương bổng tại công ty vẫn tăng đều. Nếu như năm 2019, thu nhập bình quân người lao động đạt 6,8 triệu đồng, thì sang năm 2022 đã tăng 8,2 triệu đồng.
"Đây là nhiệm vụ nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số mà chúng tôi đã thực hiện được và rất vui", ông Luyến vui vẻ trải lòng.
Lớp học của con em công nhân người Campuchia làm việc tại dự án cao su Bà Rịa - Kampong Thom, Campuchia - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Cây cao su nghĩa tình ba nước Đông Dương
Cùng với sự phát triển ngành cao su ở Tây Nguyên và các địa bàn khác trong nước, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng đã có những bước tiến vững chắc ở hai nước bạn Lào và Campuchia.
Ngay từ giai đoạn 1986 - 1990, ngành cao su Việt Nam đã cử chuyên gia sang giúp khôi phục ngành cao su Campuchia.
Đến năm 1988, chuyên gia Việt đã giúp khôi phục được 41.500ha cao su, bằng 83% diện tích cao su trước năm 1979 của nước bạn. Và có những cán bộ, chuyên gia Việt đã hy sinh trong nhiệm vụ này.
Sang năm 2006, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình trồng cao su tại Lào theo hiệp định ký kết giữa hai Chính phủ, bằng việc thành lập Công ty cổ phần Cao su Việt - Lào với dự án tại tỉnh Champasak. Từ năm 2007, tập đoàn cũng thực hiện các dự án trồng cao su tại Campuchia.
Các dự án này không chỉ có giá trị kinh tế, mà còn có nhiều ý nghĩa quan hệ chính trị, ngoại giao, quốc phòng - an ninh, củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa ba nước bạn Đông Dương. Đến năm 2010, toàn ngành cao su đạt tổng diện tích 290.000ha, trong đó riêng diện tích vườn cao su tại Lào và Campuchia là 40.000ha.
"Tôi nhớ ngày 10-2-2009, nhóm anh em chúng tôi đặt chân đến giữa vùng rừng núi hoang vu, nghèo kiệt, dấu tích còn lại của cảnh phá rừng trước đó là những con đường mòn", ông Sáu Luyến (Nguyễn Văn Luyến, tổng giám đốc Công ty TNHH Cao su Phước Hòa - Kampong Thom) nhớ những ngày đi tìm đất trồng cao su ở Kampong Thom (Campuchia).
"Chúng tôi phải đi tìm suối để lấy nước, ăn uống tạm bợ. Tối ngủ lại rừng. Sáng đi phóng tuyến, phân lô để khai hoang vùng đất mới. May mắn cho chúng tôi là tuy có bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, nhưng không hề xảy ra một tiếng nổ hay ai bị sốt rét. Có lẽ rừng núi ở đây cũng phù hộ những người đến bằng tấm lòng…", ông Luyến nói thêm cả đời gắn bó với cao su, đây là khoảng thời gian khó nhất nhưng cũng đáng nhớ nhất.
Đó là những năm các doanh nghiệp cao su Việt Nam sang Campuchia tìm thuê đất trồng cao su. Các tỉnh phía đông Campuchia được nhắm tới vì khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp loại cây công nghiệp này. Một lý do khác là hầu như chẳng còn cánh rừng nào còn nguyên.
Chính phủ Campuchia muốn chuyển đổi diện tích rừng nghèo sang trồng loại cây mang lại giá trị kinh tế. Các doanh nghiệp cao su Việt Nam với kinh nghiệm canh tác trong điều kiện gần gũi, đã được chấp thuận vào Campuchia đầu tư, với kỳ vọng mang lại đổi thay cho vùng đất này.
Trong đó, Kampong Thom là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp với những cái tên gắn liền với đơn vị phía Việt Nam như Bà Rịa - Kampong Thom, Phước Hòa - Kampong Thom, Tân Biên - Kampong Thom, Chư Sê - Kampong Thom…
Chỉ vài năm, nơi đây đã được thay lớp áo mới, với những hàng cao su phủ xanh, thẳng tắp đầy sức sống. Kéo theo đó là hàng chục ngàn người từ khắp nơi tụ về tìm kế sinh cơ ổn định, xóm làng trù phú mọc lên .
Một ngày tháng 6, trở lại Kampong Thom, ông Nguyễn Bá Thắng, một trong bốn người cùng nhóm ông Nguyễn Duy Linh - tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom, xúc động tâm sự: "Lúc anh em tụi tui mới tới đây, chỗ này hoang vu, không bóng người. Vậy mà giờ chợ búa tấp nập, dân cư đông vui…". Cây cao su đã góp phần đổi thay một vùng đất nghèo nước bạn.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Chummaly Sayasone ngày ấy nhấn mạnh: "Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đánh giá cao dự án của Công ty cổ phần Cao su Việt - Lào.
Dự án đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện Bachiang và tỉnh Champasack. Hướng tới một nền công nghiệp - nông nghiệp phát triển, giúp người dân Lào tại địa phương thay đổi cuộc sống thuần nông, có việc làm và thu nhập ổn định".
TTO - Giữa phòng truyền thống trong trụ sở Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM có một sa bàn 3 nước Đông Dương rộng lớn.