Hơn 4.660 tỉ đồng đã được 4 chi nhánh ngân hàng (NH) thương mại ký hợp đồng cho vay mới và tái ký hợp đồng tín dụng cho 20 doanh nghiệp (DN) trong KCX - KCN ở TP HCM. Đây là hiệu quả từ hội nghị kết nối NH và DN do Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza) phối hợp với NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM tổ chức ngày 29-6.
Nhu cầu vốn rất lớn
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Hepza, cho biết hiện TP HCM có 17 khu đang hoạt động, bao gồm 3 KCX và 14 KCN. Tính đến tháng 6-2022, có 1.669 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 12,2 tỉ USD. Trong đó, số dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 547 với vốn đăng ký là 6,87 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 2,53 tỉ USD. Sau dịch Covid-19, hầu hết DN trong các KCX-KCN đều phục hồi và từng bước ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp giúp thêm kênh tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp. Ảnh: BÌNH AN
Theo số liệu của NH Nhà nước tính đến ngày 22-6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 8,2%, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Chỉ riêng tại TP HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho hay trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng trưởng 9,3% so với cuối năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây, phản ánh sự phục hồi nhanh chóng của DN trên tất cả lĩnh vực.
Nhu cầu vốn của DN vẫn rất cao trong giai đoạn phục hồi. Qua khảo sát tình hình hoạt động của các DN, Ban Quản lý Hepza nhận thấy khó khăn lớn nhất hiện nay của DN chủ yếu vẫn là thị trường và nguồn vốn đầu tư phát triển để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh với DN trong khu vực.
"Nhu cầu sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi để tái phục hồi và mở rộng sản xuất của DN là rất lớn nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn này còn nhiều hạn chế" - ông Hứa Quốc Hưng nói.
Do đó, chương trình kết nối NH và DN được tổ chức trở thành một trong những kênh giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Trong năm nay, 13 thương hiệu NH trên địa bàn đã đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ DN với tổng số tiền 424.280 tỉ đồng, lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và xoay quanh mức 9%/năm với cho vay trung - dài hạn, cùng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ… Các thương hiệu NH đã đăng ký cam kết sẽ chủ động tìm kiếm khách hàng hoặc hỗ trợ khách hàng hiện hữu trên cơ sở tiêu chí đối tượng được vay theo chương trình kết nối.
Đẩy mạnh "cầu nối vốn" cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết ngành NH trên địa bàn thành phố đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN qua nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân; đáp ứng nhu cầu vốn của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Chỉ tính riêng chương trình kết nối NH và DN, trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân cho vay gần 100.000 tỉ đồng, tiếp tục tạo thuận lợi về vốn và lãi suất cho DN, hộ kinh doanh và các hợp tác xã.
"Trong số 53 DN Hepza chuyển cho NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM phối hợp xử lý, đến nay đã có 10 DN được NH thương mại hỗ trợ giảm lãi vay, cơ cấu nợ; 17 DN đang được các NH xem xét thẩm định; 6 trường hợp không đủ điều kiện cho vay hoặc hỗ trợ... NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM sẽ tiếp tục đôn đốc các NH để phản hồi sớm cho DN" - ông Nguyễn Đức Lệnh thông tin.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, từ năm 2012 đến nay, Hepza đã phối hợp NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM và một số NH thương mại tổ chức chương trình kết nối nhằm tìm giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận thuận lợi với nguồn tài chính có mức lãi suất phù hợp để phát triển sản xuất - kinh doanh. Hoạt động kết nối này giúp các NH nắm bắt tốt hơn về đặc thù của DN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, từ đó nghiên cứu đơn giản hóa trình tự, thủ tục cho vay.
"Các NH cũng tích cực tiếp cận DN vừa và nhỏ để giải ngân khoản vốn vay theo chính sách ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt là DN công nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, DN tham gia mô hình liên kết vùng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị" - ông Hứa Quốc Hưng nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch đánh giá chương trình kết nối NH và DN là một trong những mô hình, sáng kiến của TP HCM nhằm tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng. Những DN có nhu cầu nhưng chưa tiếp cận được vốn tín dụng NH nên rất cần sự kết nối của cơ quan quản lý và các ban, ngành liên quan. Do đó, cần tiếp tục phát huy mô hình này để tạo "cầu nối vốn" cho DN trong bối cảnh thị trường và nền kinh tế đang phục hồi nhanh hiện nay.
Về phía NH thương mại, đại diện NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết thường xuyên ưu tiên nguồn vốn tài trợ cho các DN sản xuất công nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu và các ngành dịch vụ… Tính đến cuối tháng 5-2022, dư nợ tín dụng của lĩnh vực trên chiếm 83% tổng dư nợ cho vay DN của các chi nhánh Vietcombank trên địa bàn.
Trong khi đó, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho hay vừa được NH Nhà nước phê duyệt hạn mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô dự kiến 2.500 tỉ đồng trong năm nay, áp dụng cho các đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Ngay sau khi quy định về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách 40.000 tỉ đồng được ban hành, Agribank đã tích cực chuẩn bị điều kiện để triển khai. Lãnh đạo NH này nhận định việc triển khai gói hỗ trợ trên góp phần giúp DN tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi, giảm chi phí tài chính.
Xem thêm: mth.53083011292602202-peihgn-hnaod-ohc-iad-uu-nov-nougn-meht/et-hnik/nv.moc.dln