Vào ngày 9/1/2007, lần đầu tiên thế giới được chứng kiến một chiếc điện thoại mang tính “cách mạng” có thể thay đổi thói quen người dùng. Nó có tên iPhone, được CEO Apple Steve Jobs giới thiệu trong một sự kiện quảng bá sản phẩm với kỳ vọng sự đột phá có thể thay đổi mọi thứ.
Ngày 29/6/2007, thế hệ iPhone đầu tiên được tung ra thị trường. Những gì diễn ra sau đó thành công ngoài sự mong đợi khi chỉ trong vỏn vẹn 30 tiếng kể từ khi lên kệ, Apple đã bán được 270.000 chiếc.
Sau 15 năm, iPhone vẫn được coi là hình mẫu cho hầu hết các dòng smartphone mới nổi. Theo The Conversation, nó đã thay đổi cách con người giao tiếp, thậm chí ảnh hưởng đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống hàng ngày.
MÀN ĐẶT CƯỢC VÀO MÀN HÌNH LỚN
Từ khi ra mắt máy tính Macbook hồi năm 1970 và iPod năm 2001, Apple đã biết cách thu hút khán giả. IPhone cũng vậy. Các bài đánh giá về chiếc điện thoại này đều nhận được “cơn mưa lời khen’’ từ giới phê bình, đặc biệt trong thiết kế và kiểu dáng. Vấn đề duy nhất lúc đó chỉ nằm ở khả năng kết nối mạng, song điều này là do sự gián đoạn từ phía nhà cung cấp dịch vụ, không phải Apple.
The Conversation, không có gì ngạc nhiên khi người dùng đánh giá cao thiết kế của iPhone. Những chiếc điện thoại thông minh với màn hình khổ lớn sau đó đã trở thành xu hướng, đồng thời làm nên tên tuổi của thương hiệu Táo khuyết.
Steve Jobs
Nói một cách công bằng, tại thời điểm iPhone 2G ra mắt, đây được đánh giá là một chiếc điện thoại “vô dụng”. Một chiếc điện thoại có giá từ 499 USD cho phiên bản bộ nhớ 4GB, không quay được video, không đổi được hình nền, không có kết nối 3G và thậm chí không có cả kho ứng dụng App Store - thứ mà phải đến thế hệ iPhone sau Apple mới trang bị. Rõ ràng, những yếu tố này khiến iPhone 2G có phần kém cạnh hơn những đối thủ cùng thời như Nokia N95, Blackberry Curve 8300 hay Motorola RAZR.
Tuy nhiên, thứ làm nên cuộc cách mạng lại nằm ở chính chiếc màn hình cảm ứng có kích thước 3.5 inch. Đây thực sự là bước tiến lớn khi mang lại cảm giác vuốt chạm hoàn chỉnh - nơi người dùng không cần tác động vật lý lên các nút bấm thông thường.
Đến tháng 7/2008, IPhone 3G được tung ra thị trường với sự cải tiến về tốc độ dữ liệu và cửa hàng ứng dụng AppStore. Dù khi đó chỉ cung cấp 500 ứng dụng, song đây vẫn được coi là sự thay đổi đáng kể trong một chiếc điện thoại thông minh.
Chu kỳ ra mắt sản phẩm mới là yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự thành công của Apple. Bằng cách đưa ra các bản cập nhật thường xuyên, Apple khéo léo “giữ chân’’ một lượng lớn khán giả trung thành luôn háo hức đón chào đón bản cập nhật mới mỗi năm.
Ngoài ra, do các sản phẩm iPhone cũ thường xuyên được truyền lại cho các thành viên trong gia đình, Apple đã thiết lập thành công cơ sở người dùng đa thế hệ. Điều này vẫn được duy trì cho tới tận ngày hôm nay.
Đến năm 2013, iPhone 5S giới thiệu Touch ID, một tính năng cho phép người dùng mở khóa điện thoại bằng vân tay. Mặc dù thiết kế này lần đầu tiên được giới thiệu bởi Fujitsu F505i vào năm 2003, song đến thời iPhone mới được triển khai mạnh mẽ. IPhone 8, được phát hành vào năm 2017, mang theo tính năng Face ID. Sáng kiến này khi đó chưa thực sự hoàn hảo, song ít ra vẫn đảm bảo an toàn bảo mật bởi không cho phép người dùng mở điện thoại bằng ảnh.
Theo Conversation, mỗi năm, iPhone đều cải tiến camera. Thay vì ống kính chỉ 2 megapixel như những thiết kế ban đầu, các mẫu iPhone sau này được trang bị camera với độ phân giải 12 megapixel, gần như ngang bằng với nhiều chiếc máy ảnh kỹ thuật số trên thị trường.
Năm 2017, Apple mang sạc không dây lên iPhone - thiết kế từng được Samsung ra mắt trong một số phiên bản từ năm 2011. Màn hình viền mỏng với dải khuyết của iPhone X cũng giống thiết bị có tên Sharp Aquos S2 ra mắt cùng năm.
15 NĂM KHÔNG NGỪNG THAY ĐỔI
Trong suốt 15 năm phát triển, iPhone không ít lần đối mặt với tranh cãi. Việc loại bỏ cổng tai nghe 3.5 mm trên dòng iPhone 7 hồi năm 2016 là một ví dụ.
Quyết định gây tranh cãi tiếp theo của Apple là loại bỏ củ sạc tặng kèm đối với iPhone 12, phiên bản được ra mắt hồi cuối năm 2020. Đại diện công ty cho rằng việc hạn chế sản xuất củ sạc sẽ khiến ngành công nghệ hạn chế rác thải.
iPhone ra mắt tính năng FaceID
Dù quyết định này không nhận được nhiều sự ủng hộ, song iPhone 12 vẫn có sức hút nhất định. Apple cho biết riêng iPhone 12 bản tiêu chuẩn đã có hơn 737.000 người đặt mua, trong khi iPhone 12 Pro là hơn 390.000 người, ngay sau khi thương hiệu này thông báo mở bán.
Không thể phủ nhận rằng, sự tuyệt vời mà hệ điều hành iOS mang lại đã “giết chết” những hệ điều hành phổ biến như Symbian (Nokia), Blackberry OS (Blackberry)… Đến nỗi, Nokia phải “ngậm ngùi” khai tử hai hệ điều hành đó là Symbian và Meego vào năm 2014. Blackberry cũng chịu chung số phận khi chính thức chia tay người dùng vào ngày 5/1/2021.
Apple hiện vẫn ra mắt các sản phẩm mới mỗi năm, song theo các chuyên gia trong ngành, những thiết kế này sẽ không có nhiều đột phá, dù tuổi thọ pin, trọng lượng máy hay độ phân giải camera luôn được cải tiến không ngừng.
"Sẽ không có những thứ này nếu không có Steve Jobs", Fred Vogelstein, tác giả nhiều tựa sách về công nghệ chia sẻ với tờ CNN. "Để làm ra chiếc iPhone, về cơ bản, bạn phải đặt cược vào nó. Ông ấy đã dừng mọi dự án, tập trung nguồn lực tốt nhất cho chiếc điện thoại thông minh này’’.
Trải qua 15 năm, Apple vẫn giữ được phong độ với những kỷ lục liên tục bị phá vỡ cho tới khi nắm được ngôi vương trong phân khúc smartphone cao cấp. Khó có thể đoán 15 năm nữa thương hiệu này sẽ ra sao, song có lẽ, nhu cầu đối với một chiếc iPhone hiện đại, nhiều tính năng vẫn còn đó nhờ một lượng lớn fan hâm mộ trung thành của nhà Táo khuyết - những người sẵn sàng chi hàng triệu USD cho sản phẩm công nghệ xa xỉ.
Theo: The Conversation, CNN
http://tintuc.vdong.vn/06/1407254.htmVũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế