Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp hàng Việt hiện đang bằng chất lượng, giá cả, công cụ marketing để từng bước chinh phục các nhà phân phối. Điều này giúp cho sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.
Nhiều người tiêu dùng thời gian qua đã lựa chọn và tin tưởng sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Với họ, sản phẩm hàng Việt ngày nay không chỉ phong phú về kiểu dáng, mẫu mã mà cách doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng cũng rất đa dạng.
“Thường mình đi chợ hay siêu thị, mình thấy hàng Việt khá dễ kiếm nhưng nếu để tìm hàng Việt Nam chất lượng thì cũng khó. Trước đây, mình có nhu cầu chọn hàng ngoại nhiều hơn nhưng bây giờ mình cũng muốn nâng cao chất lượng và ủng hộ những người nông dân Việt nên chuyển qua xu hướng chọn hàng Việt”, chị Đặng Thị Ngọc Bích (ngụ quận Bình Tân) cho hay.
Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất balo, túi xách bằng vải bố nhưng Công ty TNHH-TM Kim Khang chủ yếu thực hiện các đơn hàng đặt trước chứ chưa có tiếp xúc tới thị trường bán lẻ.
Đại diện doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được vào các siêu thị để phân phối tới tay người tiêu dùng trực tiếp. Tuy nhiên, vẫn gặp không ít khó khăn và doanh nghiệp vẫn đang “xoay sở” tìm cách tiếp cận với người tiêu dùng.
“Tôi tự tin về sản phẩm của mình về chất lượng để đưa được vào siêu thị với kênh bán lẻ nhưng kèm theo đó rất nhiều quy định. Chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng những quy định đó, cũng mong các siêu thị hệ thống bán lẻ nới rộng quy định để chúng tôi đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu đó và được tiếp xúc với kênh bán lẻ, cạnh tranh công bằng với các thương hiệu nước ngoài”, bà Đinh Thị Minh Hiếu - Phó Giám đốc Công ty TNHH-TM Kim Khang bày tỏ.
Ngành mỹ phẩm Việt Nam cũng ngày càng trở nên sôi động nhờ vào sự gia tăng trong nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Theo nghiên cứu mới đây của Statista - công ty chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng, tốc độ gia tăng số lượng cửa hàng mỹ phẩm toàn quốc tăng 40%, từ 87 trong năm 2021 lên đến 124 trong năm 2022.
Phần lớn cửa hàng tập trung tại hai trung tâm kinh tế lớn là Tp.Hà Nội và Tp.HCM. Với những lợi thế đặc trưng khác nhau, các thương hiệu sẽ lựa chọn các mô hình kinh doanh trực tiếp và trực tuyến tương ứng.
“Những sản phẩm của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng sẽ được các kênh hệ thống bán lẻ như siêu thị hay hệ thống bán hàng ưu tiên trưng bày trên các kệ làm sao tiếp cận tốt nhất đến tay người tiêu dùng, để có được sự ưu tiên đó chúng tôi phải tăng chiết khấu hoặc tăng công nợ cho các kênh bán lẻ.
Khi đưa vào các kênh siêu thị bán lẻ, cửa hàng đó là những kênh truyền thống, cách đi mới của các thương hiệu mỹ phẩm trên thị trường hiện nay sẽ thêm kênh online, các sàn thương mại điện tử để tăng hiệu suất kinh doanh, bán hàng”, chị Vân Nguyễn - Tổng Giám đốc Công ty Hóa dược Shizencos (quận Tân Bình) chia sẻ.
Đại diện doanh nghiệp này cũng thừa nhận, dù gặp bất lợi ở chi phí marketing, độ bao phủ của các doanh nghiệp trong nước không tốt bằng các thương hiệu nước ngoài nhưng có lợi thế là thấu hiểu nhu cầu khách hàng, nhu cầu thị trường sẽ tạo ra được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Thị trường trong nước cũng chính là bệ đỡ để các doanh nghiệp Việt tiếp tục khẳng định chỗ đứng, mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt tiếp cận thị trường.
Mới đây, Phòng Kinh tế quận Tân Phú, Tp.HCM phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ và Trung tâm mua sắm Aeon Mall tổ chức phiên chợ hàng truyền thống Việt Nam với 30 gian hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất thương mại dịch vụ.
"Chúng tôi tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối với người tiêu dùng, quảng bá sản phẩm, nhất là ở đây chỉ có hàng Việt Nam chứ không có hàng nhập khẩu. qua chương trình thì cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực vì đã kết nối được với một vài nhà phân phối để đưa hàng vào, thăm dò được tình hình thị trường với sản phẩm của mình để có điều chỉnh chất lượng”, bà Thái Thị Mai Chân - Phó phòng Kinh tế quận Tân Phú cho biết.
Thực tế cho thấy, mặc dù hệ thống siêu thị quốc tế là cánh cửa cho hàng Việt thâm nhập thị trường nước sở tại, nhưng để làm được điều này không hề dễ bởi doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của đơn vị bán lẻ.
“Có khoảng hơn 40% sản phẩm trong trung tâm mua sắm của chúng tôi là đến từ Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là sản phẩm thời gian và phụ kiện. Chúng tôi đang có rất nhiều cửa hàng với rất nhiều sản phẩm và tôi nghĩ là các sản phẩm Việt Nam đang có chất lượng tương đương với các sản phẩm nước ngoài.
Thật ra, chúng tôi có rất nhiều cơ hội hỗ trợ không gian hoạt động cho các đối tác trong và ngoài trung tâm mua sắm và cho các tổ chức chính phủ. Chúng tôi là một trung tâm mua sắm nhưng không chỉ bán sản phẩm, mà còn mong muốn mang đến giá trị dịch vụ chăm sóc khách hàng Việt Nam tốt nhất”, ông Yoshio Harada- Tổng quản lý Trung tâm mua sắm Aeon Mall Tân Phú Celadon cho hay.
Để chinh phục thị trường, trước hết doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh và chinh phục người tiêu dùng, giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước phát triển bền vững.