Bệnh nhân uống methadone tại TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN
Ngày 30-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, mới đây Sở Y tế TP.HCM đã tiếp đoàn lãnh đạo cấp cao Chương trình viện trợ khẩn cấp của tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS cùng với lãnh đạo của CDC Hoa Kỳ và chương trình y tế của USAID tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TP.HCM, HIV/AIDS tại TP gần đây có sự gia tăng số ca nhiễm HIV mới và có sự thay đổi rõ rệt các hành vi nguy cơ liên quan đến tình trạng nhiễm HIV.
Nếu như năm 2012 số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận vào khoảng 2.000 người, đến năm 2021 con số này là gần 4.500 người. Thời kỳ đầu của dịch, nhóm tiêm chích ma túy nhiễm HIV là chủ yếu, đến giai đoạn hiện nay, nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính (MSM) nhiễm HIV chiếm tỉ lệ lớn, có đến 76% số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận trong năm 2021 là nam quan hệ tình dục đồng tính.
Dù đạt được nhiều thành quả trong 30 năm qua, nhưng TP vẫn đối mặt nhiều thách thức, trở ngại trên con đường kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Bác sĩ Văn Hùng, Chương trình HIV/AIDS TP.HCM, cho biết TP ước tính có 51.000 - 55.000 người nhiễm HIV, chiếm khoảng 24% số người nhiễm HIV trên cả nước hiện nay.
Đến tháng 5-2022 có hơn 44.200 bệnh nhân HIV đang được điều trị ARV tại hơn 40 cơ sở y tế công, tư trên địa bàn TP, trong đó có 92% bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh.
Kết quả xét nghiệm tải lượng virus HIV cho thấy, 99% đang điều trị ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Ngoài ra bệnh nhân HIV còn nhận được các dịch vụ y tế khác như điều trị viêm gan C, sàng lọc các bệnh không lây nhiễm, bệnh lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, sức khỏe tâm thần ...
Trong 5 năm gần đây, mỗi năm có hàng trăm nghìn khách hàng được tiếp cận, tư vấn và xét nghiệm HIV miễn phí thông qua các chương trình tài trợ.
Số khách hàng dương tính mới được phát hiện trong năm 2021 là 4.447 người, trong đó 96% được kết nối thành công vào điều trị ARV. Số khách hàng có kết quả xét nghiệm HIV âm tính được kết nối qua dịch vụ dự phòng cũng đạt kết quả cao.
Ngoài các thành quả trên, TP là nơi tiên phong trong việc triển khai, ứng dụng các can thiệp, mô hình phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả trong thời gian qua. Một số can thiệp được tiên phong thí điểm và nhân rộng thành công như: xét nghiệm người phơi nhiễm, tiếp cận - tìm ca qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến, dịch vụ dự phòng PrEP, xét nghiệm HIV tại cộng đồng, sàng lọc các bệnh không lây nhiễm...
TTO - Công tác phòng chống HIV/AIDS của TP.HCM đạt được nhiều thành tựu trong phòng chống, phát hiện, can thiệp, giảm tác hại mà đại dịch này gây ra.
Xem thêm: mth.14441203103602202-hnit-gnod-cud-hnit-eh-nauq-man-mohn-o-iom-vih-meihn-ac-os-67-mch-pt/nv.ertiout