Cụ thể, Ngân hàng Credit Suisse đã không đáp ứng được yêu cầu của NYSE về việc các công ty niêm yết phải duy trì mức giá đóng cửa trung bình ít nhất là 1 USD trong 30 ngày giao dịch liên tiếp.
Tuy nhiên, thương vụ mua lại ngân hàng này của UBS sẽ khắc phục được tình trạng giá cổ phiếu Credit Suisse giảm sâu.
Biến động giá cổ phiếu Credit Suisse trong 6 tháng qua. |
Trước đây, giá cổ phiếu của Credit Suisse giao động quanh mức 3 franc/cổ phiếu, tuy nhiên sau khi khủng hoảng ngân hàng này nổ ra, giá cổ phiếu đã liên tục lao dốc và đến ngày 20/3 đã giảm xuống dưới mốc 1 USD, chỉ còn 0,82 franc/cổ phiếu (tương đương 0,9 USD). Thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu ngân hàng này giao động quanh 0,78 franc/cổ phiếu (tương đương 0,85 USD).
Mới đây, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã nhận được sự chấp thuận từ Ủy ban châu Âu (EC) về việc mua lại ngân hàng Credit Suisse. EC đánh giá: “Vụ sáp nhập không làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường. Chưa kể, ngân hàng sắp tới cũng sẽ đối mặt với sức ép từ các đối thủ khác trên toàn cầu, bao gồm các ngân hàng lớn của thế giới”.
Trước đó, khi cuộc khủng hoảng của ngân hàng Credit Suisse xảy ra, Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã phê duyệt việc UBS tiếp quản Credit Suisse để duy trì tất cả các hoạt động kinh doanh của cả hai ngân hàng và tránh cho Credit Suisse rơi vào cảnh bị phá sản.
Văn phòng Hội đồng nhà nước (Thượng viện) Thụy Sĩ ngày 17/5 cũng cho biết, một ủy ban của quốc hội nước này sẽ tiến hành điều tra nguyên khiến ngân hàng Credit Suisse đến bờ vực phá sản và quá trình ngân hàng UBS tiếp quản Credit Suisse.
Ủy ban điều tra này không có thẩm quyền ngăn chặn thương vụ UBS thâu tóm Credit Suisse nhưng có quyền yêu cầu các phiên điều trần và yêu cầu các nhà quản lý của cả 2 ngân hàng cũng như các quan chức chính phủ làm rõ một số vấn đề, đồng thời có quyền tiếp cận các biên bản họp chính phủ.
Các giám đốc điều hành của UBS cho biết, các thỏa thuận có thể kết thúc vào khoảng cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Tuy nhiên, Chính phủ và hai ngân hàng này vẫn đang đàm phán một số điều khoản của thỏa thuận, dẫn đến việc thời gian đàm phán thỏa thuận này có khả năng bị kéo dài hơn.
Mới đây lại xuất hiện thêm một thông tin không có lợi cho Credit Suisse khi Tòa án thương mại quốc tế Singapore ngày 26/5 đã ra phán quyết buộc ngân hàng Credit Suisse bồi thường 926 triệu USD cho cựu Thủ tướng Gruzia, ông Bidzina Ivanishvili bởi Credit Suisse đã vi phạm nghĩa vụ bảo vệ tài sản của khách hàng.
Cựu Thủ tướng Gruzia đã kiện Credit Suisse ở Singapore, New Zealand và Bermuda, với cáo buộc sai phạm của ngân hàng đã dẫn đến quản lý yếu kém và gây thiệt hại lớn cho khách hàng. Tuy nhiên, Credit Suisse cho rằng phán quyết của tòa án là sai và còn nhiều vướng mắc vấn đề pháp lý quan trọng, vậy nên ngân hàng này khẳng định sẽ kháng cáo.