Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội chiều 31/5, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nêu thực tế tăng trưởng GDP quý I là 3,32% và để đạt được mục tiêu chung 6,5% cần phải có quyết tâm thật cao, mỗi quý còn lại phải đạt 7,5%. Do đó, cần phải tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp, chính sách chủ động, kịp thời. Cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm pháp, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, phát huy tối đa nguồn lực nội tại để phát triển.
“Cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí là vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp. Ta luôn xác định doanh nghiệp là nền tảng vật chất, động lực cho phát triển, nhưng từ các số liệu cho thấy hệ thống doanh nghiệp đang ở giai đoạn thực sự khó khăn. 4 nút thắt mà doanh nghiệp đã gặp phải, đó là: Thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn về dòng vốn, thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhìn vào những con số, ta thấy hệ thống doanh nghiệp đang thực sự khát về tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn. Nếu tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay và thủ tục vay”, ông An nêu thực tế.
Đại biểu Trịnh Xuân An đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất, mặc dù lãi suất vẫn còn nâng cao. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng việc tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh. Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đối với doanh nghiệp đang cần. Cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu, chứng khoán, đồng thời cần tiếp tục rà soát để đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn. Đặc biệt, cần phải thay đổi văn hóa doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy, chính quyền và nhà quản lý cần thể hiện thái độ phục sự doanh nghiệp, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó. Những việc cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, các bộ, ngành, đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp đã gần đất, xa trời.
“Đối với những dự án pháp lý đầy đủ và làm đúng quy trình thì các địa phương cần ký để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được dự án nào. Trong bối cảnh khó khăn, cần bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra làm khó doanh nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp cứ phải lao đao đi giải trình lên xuống. Với tinh thần đó, các biện pháp tháo gỡ, gỡ khó cho doanh nghiệp cần thúc đẩy cả thị trường trong và ngoài nước, phải đồng bộ, thống nhất các chính sách tiền tệ và tài khóa. Chủ trương để xử lý khó cho doanh nghiệp, đó là nghẽn ở đâu thì chúng ta thông ở đó, vướng ở đâu thì gỡ ở đó”, ông An chỉ rõ.
Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn Đồng Nai cũng đề nghị xử lý dứt điểm các vướng mắc về thể chế, không để gây ảnh hưởng đến dây chuyền các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Trong quản lý cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, làm rõ vai trò chủ trì, chủ động xử lý hạn chế, đẩy trách nhiệm lên cấp trên, không phải nội dung gì cũng để Thủ tướng phải ra công điện hoặc Chính phủ ra nghị quyết để gỡ khó.
“Thực tế, thời gian qua việc chúng ta xử lý đối vấn đề xếp hàng mua xăng, đăng kiểm ôtô và loay hoay với quy định phòng cháy, chữa cháy cho thấy trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành rất thấp, cho nên chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường vai trò này”, đại biểu An nói.
Đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái): "Tôi kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đất đai, lâm nghiệp, pháp luật liên quan đến thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, ủy quyền cho các địa phương trong việc giải quyết một số thủ tục hành chính như quyết định chủ trương đầu tư các khu công nghiệp hay chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng.
Tôi đánh giá cao vừa qua Chính phủ ban hành Nghị quyết 73 quy định về ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyết định giá đất. Cụ thể, khi thực hiện bồi thường giao đất tái định cư hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng hơn nữa việc phân cấp, ủy quyền, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương theo hướng phân cấp, ủy quyền. Việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, mục đích sử dụng đất rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khi thực hiện các dự án đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia".
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau): "Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% thì đến hết tháng 3 chính sách này mới giải ngân được 327 tỷ đồng, tức đạt 0,8% trên tổng số vốn 40.000 tỷ đồng. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp gỡ khó, xong khâu thực hiện đang có vấn đề. Nhiều dự án vướng về mặt pháp lý, thủ tục phê duyệt, hoàn thiện hồ sơ và thời gian. Mặt khác, do mâu thuẫn hoặc không rõ ràng trong chính sách nên cả bên cho vay và bên vay không mặn mà trong việc thực hiện.
Tôi kiến nghị, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội hay tự thân có các chính sách giảm thuế, phí, lãi suất phù hợp và rà soát các bất cập để tiếp tục thực hiện gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% thuộc chương trình phục hồi kinh tế, rà soát, loại bỏ các quy định mâu thuẫn, chồng chéo để tạo môi trường thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh".
Xem thêm: lmth.01991000042210202-peihgn-hnaod-yugn-uuc-ed-el-neit-touv-hcab-pac-pahp-iaig-nac/nv.semitaer