Khi Luton - đội bóng mới chín năm trước còn chơi ở hạng nghiệp dư - giành vé lên Giải ngoại hạng Anh (Premier League), truyền thông Anh đã tính toán khoản tiền khổng lồ mà họ nhận được.
Theo Deloitte Sports Business Group, Luton sẽ kiếm thêm ít nhất 200 triệu euro trong ba năm tiếp theo. Con số này có thể lên đến 335 triệu euro nếu họ không bị rớt hạng ngay ở mùa giải kế tiếp.
Thiệt hại nặng khi rớt hạng
Premier League không hề hổ danh là giải bóng đá lắm tiền nhiều bạc nhất thế giới. Và khoản chia của họ còn cực kỳ công bằng. Cuối mùa giải 2021 - 2022, đội chót bảng Norwich nhận được tổng cộng 115 triệu euro từ ban tổ chức Premier League.
Trong khi đó, đội vô địch Serie A chỉ nhận được 100 triệu euro và đội chót bảng là 40 triệu euro. Tương ứng, đội chót bảng của La Liga nhận được 48 triệu euro, còn của Bundesliga là khoảng 30 triệu euro. Điều này cho thấy những đội bóng yếu nhất của Premier League giàu có gấp đôi, gấp ba các đội cùng đẳng cấp ở La Liga, Bundesliga hay Serie A.
Vấn đề là ở cấp độ Giải hạng nhất, các CLB Anh lại không nhỉnh hơn CLB ở các quốc gia khác là bao. Phần chia ở EFL Championship (Giải hạng nhất Anh) chỉ vào khoảng 10 triệu euro, tức chưa được 10% so với những đội Premier League.
Rớt hạng, vì thế, gây nên một cơn đau đầu cực lớn dành cho các đội bóng ở Anh. Họ giảm ít nhất 100 triệu euro doanh thu từ giải đấu và thiệt hại chắc chắn không chỉ dừng lại ở đó. Lượng khán giả sẽ giảm, kéo theo tổn hại về thương mại.
Để giúp các đội bóng giảm bớt cơn "sốc nhiệt" về mặt tài chính, ban tổ chức Premier League duy trì một chính sách có tên gọi "chi phí nhảy dù". Theo đó, mỗi đội bóng rớt hạng sẽ được giải đấu trả 100 triệu euro và chia ra thanh toán trong ba năm. Nếu họ lên hạng trong 1-2 năm tiếp theo, khoản chi trả này sẽ chấm dứt.
Leicester thiệt hại nặng nề
Sự linh hoạt và khoa học của bóng đá Anh giúp mọi đội bóng giải quyết những khó khăn của họ. Nhưng bản thân các CLB vẫn phải nỗ lực. Theo công thức, mùa giải tới Leicester sẽ nhận trước 45 triệu euro trong gói tiền giải cứu này. Chừng đó rõ ràng là chưa đủ.
Thống kê cho thấy Leicester là đội có quỹ lương cầu thủ cao thứ bảy ở Premier League mùa này, lên đến 90 triệu euro/năm. Một thống kê từ năm 2021 còn cho thấy quỹ lương chiếm đến 85% doanh thu của "Bầy cáo".
Và ở Premier League chỉ có ba đội có tỉ lệ cao hơn họ (gồm Crystal Palace, Everton và Fulham, nhưng các đội này đều trụ hạng thành công). Điều đó cho thấy thu nhập của Leicester những năm gần đây là khá tệ. Mọi thứ ở sân vận động King Power sa sút rõ rệt từ sau khi tỉ phú Thái Lan Vichai Srivaddhanaprabha đột ngột qua đời năm 2018.
Tất cả đều dẫn đến một kết cục tất yếu - Leicester buộc phải bán đi những ngôi sao sáng giá để cân bằng thu chi trong mùa hè này. James Maddison, người được định giá khoảng 55 triệu euro (nhưng chỉ còn hợp đồng một năm) và lãnh lương cao thứ nhì của đội (hơn 6 triệu euro/năm) là ví dụ điển hình. Dù cho Maddison có cam kết trung thành đi nữa, Leicester vẫn khó lòng giữ chân anh nếu họ không muốn bị phá sản.
Tất cả những con số kể trên cho thấy một sự thật: mùa hè này Leicester cần phải thu về 60 - 70 triệu euro từ việc bán cầu thủ và giảm quỹ lương. Ngặt một nỗi, nhiều ngôi sao của họ chỉ còn thời hạn một năm hợp đồng như Maddison, Ndidi, Iheanacho... Tielemans thậm chí sẽ hết hợp đồng ngay trong mùa hè này. Tức Leicester sẽ không thu được nhiều tiền chuyển nhượng so với giá trị thực của các ngôi sao này.
Nhà nghèo ít đau đầu
Southampton và Leeds cũng rớt hạng, nhưng quỹ lương của hai đội bóng này vào dạng thấp nhất Premier League. Cơn đau đầu của họ vì thế cũng ít hơn. Quỹ lương cầu thủ của Southampton là 40 triệu euro, còn Leeds là hơn 20 triệu euro.
Lịch sử cho thấy những đội bóng nhà nghèo như vậy lại có thể lên hạng ngay sau khi rớt hạng. Ví dụ điển hình là Norwich, ngay sau khi rớt hạng ở mùa 2019 - 2020, họ đã vô địch Giải hạng nhất ngay mùa tiếp theo.
Nhà vô địch Giải ngoại hạng Anh (Premier League) năm 2016 Leicester City đã phải nhận kết cục buồn khi xuống hạng ở mùa giải năm nay.