Cuộc "quay về" đó nằm trong kế hoạch chính quyền vận động người dân gốc Hội An sinh sống, quần cư lại nhằm giữ đời sống thân thuộc vốn đã thành một phần di sản.
Nhà xưa lối cũ, người nay đâu rồi?
Là một trong bốn hộ đầu tiên trong diện giải tỏa chung cư Lý Thái Tổ - rìa phố cổ Hội An và được vận động về lại nơi ở cũ, mấy hôm nay bà Trương Diệp Thương (49 tuổi) cùng mẹ, cô con gái út suốt ngày nóng lòng mở tủ gỗ lôi mớ tranh ảnh, quần áo ra gấp xếp rồi để vào lại vị trí cũ.
Người phụ nữ Hội An "gốc" đỏ hoe mắt khi được hỏi cảm xúc thế nào khi về lại chốn cũ. "Gần như cả tháng nay cả nhà không ngủ, đêm cứ trằn trọc mong ngày về", bà Thương nói.
Bà Thương đưa cho chúng tôi mấy tấm ảnh đen trắng được chụp chung trong ngôi nhà cổ ngày chưa dời đi. Bà nói: "Tôi vẫn nhớ như in bà Bội Liên, ông thầy Vũ, cô Lan giáo viên. Nhớ cái xóm cũ nghèo mà yên bình, sáng nào lũ trẻ con cũng dậy sớm ré lên đòi mẹ. Giờ được về lại rồi nhưng đa số người xưa đã rời đi mà vẫn thấy mọi thứ như mới ở đó hôm qua".
Bà Thương đưa chúng tôi qua những con hẻm ngoằn ngoèo giữa các dãy nhà cổ để về gian nhà bà được cho thuê trên phố Nguyễn Thái Học. Đó là ngôi nhà cổ nằm ngay bên con hẻm sâu hun hút với điểm cuối cắt ngang một tiệm vải, hẻm chật bưng nhưng có nhiều khách du lịch qua lại. Mỗi lần đi qua, khách lại tò mò ngó đầu vô ô cửa phía trong.
Căn nhà cổ của vợ chồng bà Thương được thuê rộng gần 80m2 gồm hai tầng. Tầng dưới là không gian sinh hoạt chung, tầng gác xép phía trên là nơi ngủ nghỉ. Đặc trưng là phía trên nhà có ô cửa sổ mở ra bên ngoài, mỗi lần ngó ra đều thấy mái ngói rêu phong và những "con đường chậm rề" kéo dài tới những căn nhà cổ khác.
Cuộc trở về đầy những buồn vui
Từ ngày được giao nhà, chồng bà Thương là ông Võ Ngọc Bảo, vốn là một thợ trúc chỉ mỹ nghệ trên gỗ, đã gác việc để về sửa sang, kê dọn lại gian nhà. Bà Thương cho biết cha mẹ bà trước đây sống nhiều đời trong một căn nhà ở đường Trần Phú - trung tâm phố đi bộ Hội An hiện nay. Sau năm 1975, nhà đó chuyển qua người khác sở hữu, cả nhà bà được chính quyền Hội An lúc đó bố trí cho ở tại số 67 Nguyễn Thái Học.
Năm 2008, để phục vụ đại trùng tu phố cổ, gia đình bà Thương một lần nữa phải khăn gói dời đi. Nơi ở từ đó tới nay là khu chung cư Lý Thái Tổ.
Cách đây một tháng, chính quyền xuống nói sẽ giải tỏa chung cư. Gia đình bà Thương rối bời vì không biết sẽ đi về đâu thì bỗng được thông báo rằng sẽ bố trí một căn nhà cổ trong phố đi bộ để thuê.
"Tôi nghe mà lùng bùng lỗ tai, không tin rằng mình sẽ được về lại nơi đã gắn bó cả tuổi thơ", bà Thương bồi hồi.
Nằm kế bên căn phòng chung cư già nua của bà là một "người xưa" khác của Hội An cũng đang tất bật gói ghém đồ đạc để chuẩn bị về phố cổ. Đó là bà Nguyễn Thị Hoa, 70 tuổi, từng dạy học qua hai chế độ và là cô giáo của nhiều thế hệ người phố cổ.
Khác với sự khấp khởi của gia đình bà Thương, cô giáo Hoa lòng không buồn cũng không vui. Mấy hôm nay, khi biết căn nhà ở số 84/3 Nguyễn Thái Học sẽ đón mình về ở, bà Hoa đi bộ về để mở cửa xem mà ngậm ngùi vì nhiều cái xưa cũ đã đổi khác.
Bà Hoa là giáo viên, lớn lên trong phố cổ với mẹ già. Trước năm 2003, khi rời phố cổ, bà được Nhà nước bố trí cho thuê các căn nhà khác nhau.
"Đầu tiên tui ở nhà cổ 49 Duy Tân mà sau này đổi qua số 8 Nguyễn Thị Minh Khai. Sau đó thì được dời qua nhà người Hoa kiều làm nghề bán bánh mì là bà Hoàng Hiệp. Ngoài tôi còn có 4-5 gia đình khác cùng thuê.
Nhà đó sau này lại được Nhà nước cho trùng tu, chúng tôi lại chuyển qua nhà cổ 23 Nguyễn Thái Học. Cho tới năm 2003 thì Phòng Quản lý đô thị Hội An lấy lại, chúng tôi phải ra chung cư ở cho tới nay", bà nhớ lại.
Bà Hoa nói do chưa có nhà riêng nên khi chung cư có chủ trương giải tỏa, chính quyền cho bà và các gia đình về lại phố cổ. Dù được về lại nơi đã là một phần ký ức nhưng bà lòng dạ ngổn ngang.
"Tôi già rồi. Bè bạn, học trò ở xa tới thăm viếng rất nhiều mà giờ sống trong phố cổ họ cấm xe máy nên bạn bè tới lui cũng bất tiện. Hơn nữa, phải sinh hoạt chung trong một nhà với các hộ khác cũng có nhiều cái không quen", bà Hoa tâm sự.
Người dân hồi hương để ngăn phố cổ "nguội lạnh"
Theo thống kê, phố cổ Hội An hiện có 1.273 nhà, di tích cổ tuổi đời khoảng 400 năm. Khoảng 20% trong số này thuộc sở hữu nhà nước.
Đánh giá về di sản Hội An, UNESCO cho rằng cộng đồng cư dân sinh sống với tín ngưỡng, tập quán sinh hoạt và thờ phụng đặc trưng đã làm nên sức sống, khiến Hội An là "di sản sống" có giá trị hấp dẫn riêng biệt.
Tuy nhiên, trước lợi nhuận của việc kinh doanh cho thuê nhà trong phố cổ, đang có cuộc "di cư buồn" âm thầm diễn ra lâu nay khi đa số cư dân gốc Hội An đã bán, cho thuê nhà cổ để dời đi nơi khác sinh sống.
40% nhà cổ Hội An nay được chuyển nhượng cho chủ tại TP.HCM, Hà Nội... Tất cả các nhà đều không có người hiện diện sinh hoạt, mà ban ngày mở cửa cho thuê, đêm khép cửa khóa trái.
30% nhà vẫn là chủ người Hội An nhưng lại đem cho thuê, gia đình chuyển ra ngoài sinh sống. Chỉ số ít còn lại là còn có "hơi người" hiện diện sinh sống hằng ngày.
Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn nói đây là thực tế khiến "di sản sống" Hội An dần biến đổi. Không có dân sinh sống thì phố cổ chỉ là quần thể nhà cổ mà không có con người, không có hơi ấm, một phố cổ "rỗng ruột".
"Chúng tôi đang làm mọi cách, thực hiện nhiều chính sách để đưa người dân quay về lại sinh sống trong phố cổ. Một trong những cách đó là đưa các gia đình thuộc diện giải tỏa chung cư Lý Thái Tổ về bố trí cho thuê, hỗ trợ bà con sống lâu dài trong phố cổ", ông Sơn nói.
Cùng nhận nhà cổ chung đợt với cô giáo Hoa, bà Thương còn có hai gia đình khác. Họ là chị em dâu, từng sống chung trong nhà cổ 26 Bạch Đằng. Ngôi nhà cổ này thuộc sở hữu tư nhân, từng là nơi ngụ cư của một gia đình thuộc diện "đặc trưng" của phố cổ Hội An gồm "tứ đại đồng đường".
Nhưng năm 2007, trận mưa lụt lớn khiến nhà hư hại nặng. Hai gia đình được cho dời ra chung cư ngoại ô để ở, nhà cổ được chính quyền cho vay tiền để đại tu, làm xong thì vừa cho ở, vừa kết hợp làm tiệm buôn bán.
Mới đây, khi giải tỏa chung cư Lý Thái Tổ, các gia đình từng rời nhà cổ được vận động về chung sống ở nhà cũ. Do nhà quá chật, chỉ hơn 200m2 sử dụng nên không thể đủ chỗ cho hàng chục con người của nhiều thế hệ nên đa số các hộ không muốn về.
"Chúng tôi nghèo nên không có đất, có nhà. Nay chung cư giải tỏa thì cũng không thể về sinh sống trong nhà 26 Bạch Đằng. Mọi thứ cứ rối bời, tiến thoái lưỡng nan", ông Nguyễn Đình Thanh Sơn nói.
Từ ngày 15-5, Hội An có thêm một tuyến phố đi bộ và nhiều quầy vé nằm ngoài phố cổ, bán vé về tận khu lưu trú cho du khách.