Gelsinger hiểu rất rõ ông phải hành động thật nhanh để Inte không trở thành đại gia công nghệ tiếp theo của Mỹ bị các đối thủ bỏ lại phía sau. Trong thập kỷ qua, Nvidia đã vượt qua Intel để trở thành hãng sản xuất thiết bị bán dẫn giá trị nhất thế giới. Các đối thủ liên tục ra mắt các chip tiên tiến nhất. Thị phần của Intel cũng đang bị đối thủ lâu năm AMD ăn mòn.
Intel gần đây liên tục phải hoãn ra mắt chip mới và hứng chịu sự giận dữ từ các khách hàng. "Nếu mọi chuyện tốt đẹp, chúng ta đã không rơi vào vũng bùn này. Intel có nhiều vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết, từ lãnh đạo, nhân lực đến phương pháp", ông cho biết khi nhậm chức CEO năm 2021.
Gelsinger nhận thấy các vấn đề của Intel chủ yếu phát sinh từ sự chuyển dịch trong hoạt động sản xuất chip. Intel nổi tiếng nhờ làm được cả hai việc là thiết kế vi mạch và tự sản xuất chip bằng nhà máy riêng. Nhưng hiện tại, các hãng chip chỉ tập trung vào một trong hai việc đó. Intel thì vẫn chưa thể tiến xa trong hoạt động sản xuất chip do các công ty khác thiết kế.
Đến nay, việc lật ngược tình thế vẫn rất khó khăn. Kế hoạch của Gelsinger là đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các nhà máy mới, sản xuất cho các công ty khác, bên cạnh việc tạo ra sản phẩm của chính Intel. Nhưng hai năm đã trôi qua, việc sản xuất theo hợp đồng này vẫn gặp nhiều vấn đề.
Nguồn tin của WSJ cho biết đại gia chip di động Qualcomm và hãng xe điện Tesla đã tìm hiểu việc để Intel sản xuất chip cho họ, nhưng sau đó lại từ bỏ. Tesla cho rằng Intel không thể cung cấp dịch vụ thiết kế chip mạnh như các bên gia công khác. Qualcomm thì rút lui sau khi phát hiện một số sai sót kỹ thuật của Intel.
"Gia công chip là một ngành dịch vụ. Intel chưa có văn hóa đó", Gelsinger cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Việc ông có thành công hay không sẽ không chỉ ảnh hưởng đến số phận của Intel, mà còn cả các công ty khác. TSMC (Đài Loan) và Samsung Electronics (Hàn Quốc) hiện là các hãng sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới. Các công ty Trung Quốc cũng đang dần bắt kịp. Mỹ cũng đang nỗ lực củng cố ngành chip trong nước, do căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và Covid-19 khiến nguồn cung từ châu Á gián đoạn.
Intel trở thành gã khổng lồ tại Thung lũng Silicon thập niên 80 và 90, nhờ các bộ vi xử lý (CPU) dùng trong máy tính cá nhân. Dưới thời CEO Andy Grove, chip của Intel hỗ trợ hệ điều hành Windows của Microsoft. IBM cũng dùng sản phẩm của Intel trong các máy tính được dùng phổ biến ở gia đình và văn phòng.
Những năm 2000, Intel đã thử nghiệm và thất bại trong việc lấn sân sản xuất chip cho điện thoại di động và chip xử lý đồ họa máy tính cao cấp. Vài năm gần đây, TSMC và Samsung đã vượt Intel để sản xuất chip có các bóng bán dẫn nhỏ nhất, tốc độ xử lý nhanh nhất.
Quy mô thị trường chip toàn cầu được dự báo vượt 1.000 tỷ USD cuối thập kỷ này. Vì vậy, việc trở thành hãng sản xuất chip hợp đồng hàng đầu thế giới "không phải là một sự lựa chọn", mà là bắt buộc, Gelsinger cho biết.
Gelsinger lớn lên trong một trang trại nhỏ ở Pennsylvania, thích sửa TV, radio và từng học tại một trường kỹ thuật gần nhà. Năm 18 tuổi, ông chuyển đến California để làm việc cho Intel và từng bước trở thành Giám đốc Công nghệ đầu tiên của công ty này năm 2001. Sau đó, ông bị sa thải vì thất bại trong một dự án chip đồ họa máy tính. Gelsinger chuyển sang hãng phần mềm Vmware và làm CEO tại đây 8 năm.
Ông quay trở lại Intel tháng 2/2021, dù biết việc lật ngược tình thế sẽ không dễ dàng. Kế hoạch của ông là mở rộng đáng kể các nhà máy của Intel và lập ra mảng gia công chip để tăng đơn hàng. Trước khi nhậm chức CEO, ông đã nói chuyện với các thành viên HĐQT Intel về kế hoạch này. Và họ đều ủng hộ.
Ông quay lại Intel đúng thời điểm toàn cầu thiếu chip do doanh số máy tính cá nhân bùng nổ trong đại dịch. Lợi nhuận ngành này đột ngột tăng vọt, nhưng sau đó lại giảm dần khi đại dịch qua đi và người dân đi làm trở lại, khiến thị trường chip lại dư thừa. Việc này khiến kế hoạch của Gelsinger thêm phức tạp.
Ngày 27/4, Intel công bố quý lỗ nặng nhất lịch sử, đồng thời dự báo quý này tiếp tục thua lỗ. Họ cắt giảm cổ tức, khởi động chiến dịch giảm chi phí (trong đó có sa thải hàng loạt) và giảm lương lãnh đạo. Intel đặt mục tiêu giảm 10 tỷ USD chi phí mỗi năm, cho đến năm 2025.
Họ cũng đang lắp đặt thêm các thiết bị sản xuất chip trị giá hàng triệu USD trong các nhà máy mới, để đáp ứng nhu cầu chip. Kế hoạch về một trung tâm nghiên cứu trị giá 200 triệu USD tại Israel đã bị hủy bỏ. Một dự án phòng thí nghiệm 700 triệu USD Oregon cũng vậy. Dịch vụ đưa đón nhân viên bằng máy bay giữa các trung tâm sản xuất ở Oregon và Arizone đến trụ sở tại Thung lung Silicon cũng đang tạm dừng.
Cổ phiếu Intel đã giảm 30% kể từ khi Gelsinger được công bố là CEO. Trong khi đó, chỉ số theo dõi ngành bán dẫn PHLX Semiconductor lại tăng 10%. Vốn hóa của TSMC hiện cũng cao gấp 4 lần Intel. Giá trị Nvidia thậm chí gấp 8. Hôm 30/5, vốn hóa Nvidia đã chạm mốc 1.000 tỷ USD.
Gelsinger cho biết ông tự tin Intel có thể hoàn thành cam kết đạt 5 tiến bộ về công nghệ chip trong 4 năm. Họ cũng sẽ sản xuất các bộ vi xử lý tiên tiến nhất thế giới trong vòng vài năm tới.
"Có rất nhiều thách thức và rủi ro khi thực thi. Họ sẽ phải mất thời gian dài để thực hiện chiến lược kéo dài nhiều năm đó", Andrew Boyd – Giám đốc Đầu tư tại Gibraltar Capital Management nhận định. Công ty ông đã bán toàn bộ cổ phần trong Intel từ tháng 1, sau 15 năm coi đó là tài sản cốt lõi.
Gelsinger thì lạc quan rằng Intel có thể trở thành một trong hai hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. "TSMC có thể tiếp tục phát triển cho đến cuối thập kỷ này không? Câu trả lời là có. Samsung thì sao? Cũng có. Vậy còn Intel? Tôi hy vọng chúng tôi sẽ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với cả hai công ty trên", ông nói.
Các lãnh đạo Intel cũng đặt mục tiêu nắm vị trí số hai năm 2030, sau TSMC. Họ ước tính chỉ cần thu hút một vài khách hàng lớn, doanh thu Intel có thể tăng thêm 20-25 tỷ USD một năm cho đến cuối thập kỷ này.
Trước mỗi cuộc họp với HĐQT, Gelsinger đều mời họ ăn tối và hỏi lại về sự ủng hộ. "Chúng ta vẫn đang chung một chiến tuyến chứ? Chúng ta vẫn đang đi đúng hướng phải không? Chiến lược vẫn có hiệu quả nhỉ? Đây là một chặng đường gian nan, và một khi đã bước vào, chúng ta cần đoàn kết", ông nói với họ.
Chủ tịch Intel Frank Yeary khẳng định họ vẫn luôn ủng hộ Gelsinger và nhận định "công ty đang có tiến triển". Tuy nhiên, họ vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Để tăng tốc trong mảng sản xuất chip theo hợp đồng, năm ngoái, Intel đồng ý mua một hãng gia công ở Israel - Tower Semiconductor với giá gần 6 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ đang gặp rắc rối pháp lý và chưa thể sớm hoàn thành.
Qualcomm – hãng chuyên thiết kế chip và thuê gia công – cũng muốn làm việc với Intel. Họ đã cử một nhóm kỹ sư nghiên cứu việc sản xuất chip cho điện thoại di động tại các nhà máy của Intel. Qualcomm ấn tượng với một công nghệ sản xuất mà Intel kỳ vọng là tiên tiến nhất thế giới vào cuối năm sau.
Đầu năm ngoái, Intel cử đại diện sang trụ sở của Qualcomm để gặp CEO Cristiano Amon. Tuy nhiên, đến tháng 6, Intel bỏ lỡ một cột mốc quan trọng hướng tới sản xuất thương mại loại chip này. Tháng 12/2022, họ tiếp tục chậm tiến độ với một hạn chót khác.
Các lãnh đạo Qualcomm vì thế cho rằng Intel sẽ gặp khó trong việc sản xuất loại chip cho điện thoại di động mà họ muốn. Họ thông báo tạm dừng việc hợp tác để chờ tiến triển từ phía Intel, nguồn tin của WSJ cho biết.
Nguồn tin này giải thích Intel đến nay chỉ tập trung vào chip sử dụng cho máy tính cá nhân. Vì thế, việc làm chip cho điện thoại, với thời lượng pin hạn chế, lại đòi hỏi kỹ năng và thiết kế mới. Intel gần đây thông báo đang hợp tác với Arm – một hãng thiết kế chip chuyên làm vi mạch cho điện thoại.
Cuối năm 2021, Tesla cũng bắt đầu cân nhắc để Intel làm chip xử lý dữ liệu và hình ảnh cho tính năng tự lái của xe. Tesla từ lâu đã sử dụng sản phẩm của Samsung và gần đây bắt đầu hợp tác với TSMC. Tesla thiết kế chip, nhưng cần các công ty khác sản xuất. Đây là việc Intel chưa thể thực hiện.
Khách hàng hàng đầu của Intel hiện là hãng chip MediaTek. Intel cung cấp loại chip ít tiên tiến hơn cho smart TV và các module thu phát Wifi của MediaTek. Họ còn làm chip cho hãng ổ cứng máy tính Seagate.
Năm ngoái, Intel chỉ ghi nhận doanh thu từ mảng gia công chip là 895 triệu USD, chiếm chưa đầy 2% tổng doanh thu. Trong các cuộc họp năm ngoái, Gelsinger nói với các nhân viên mảng sản xuất chip rằng ông đặt cược cả sự nghiệp của mình vào hoạt động gia công và sẽ làm mọi việc để đạt được điều này.
Chính phủ Mỹ cũng đang muốn hồi sinh hoạt động này, sau khi để phần lớn việc sản xuất chuyển sang châu Á – nơi có chi phí lao động thấp hơn và giới chức có nhiều ưu đãi hào phóng hơn. Washington năm ngoái kích hoạt Đạo luật Chips (Chips Act) tài trợ 53 tỷ USD cho việc sản xuất chip trong nước. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó cũng ghé thăm một nhà máy của Intel ở Ohio.
Kế hoạch của Gelsinger dựa trên giả thiết nhu cầu chip sẽ tăng mạnh trở lại. Khi công bố kết quả kinh doanh cuối tháng 4, ông dự báo nhu cầu sẽ phục hồi từ cuối năm nay.
Dù thừa nhận một số nhà máy của Intel đang được xây dựng mà chưa tìm được khách hàng nào, Gelsinger cho biết đây là ván cược ông sẵn sàng tham gia.
"Nếu không có một chút liều lĩnh, anh đừng nên bước chân vào ngành bán dẫn", ông nói.
Hà Thu (theo Wall Street Journal)