Một người phụ nữ ở Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc đã gửi tiết kiệm 2,05 triệu NDT (tương đương 6,8 tỷ VND) vào một ngân hàng địa phương và được nhân viên ngân hàng tiếp đón vô cùng nhiệt tình. Thế nhưng, 3 năm sau, khi người phụ nữ đến ngân hàng rút tiền thì được thông báo số dư tài khoản chỉ còn vỏn vẹn 100 tệ (tương đương 330.000 VND). Khi được yêu cầu giải thích, phía ngân hàng cho rằng đây là hành vi của một cá nhân và ngân hàng không chịu trách nhiệm cho vấn đề này.
Bà Trình Mai là một ví dụ điển hình cho mẫu người phụ nữ thành đạt, bà đã dành hơn nửa đời mình để cống hiến cho sự nghiệp. Kết quả sau những nỗ lực ấy, bà đã mua được hai căn nhà và một chiếc xe hơi cùng 2,05 triệu NDT tiền mặt. Sau khi quyết định nghỉ hưu, bà Trình đã đem số tiền mặt kia gửi ngân hàng, phòng trường hợp sau này con trai của mình cần nó để lập nghiệp hay cưới hỏi.
Hôm ấy, bà Trình đến một ngân hàng và yêu cầu nhân viên thực hiện thủ tục gửi tiết kiệm số tiền của mình. Yêu cầu của bả đối với dịch vụ này không quá khắt khe, chỉ cần thật an toàn để giữ số tiền này.
Nhân viên ngân hàng Lý Lệ đã nhiệt tình chào đón bà và ân cần phục vụ trà và bánh. Nhưng chính sự nhiệt tình quá đà này của Lý Lệ đã khiến bà Trình không đề cao cảnh giác. Ngay sau đó, người quản lý này giới thiệu các dịch vụ và sản phẩm tiết kiệm, quản lý tài sản cho bà Trình. Bà Trình không hiểu quá rõ về cách thức sinh lời của những thứ này, chỉ đơn thuần nghĩ rằng với dịch vụ này thì số lợi nhuận sau 3 năm là khá ổn thỏa, vừa hay đủ để chuẩn bị hôn lễ cho con trai.
Vì vậy, cuối cùng bà Trình đã quyết định và tiến hành làm thủ tục với Lý Lệ và gửi số tiền 2,05 triệu NDT của mình. Sau nửa tiếng rời đi, Lý Lệ quay lại và gửi lại bà Trình thẻ ngân hàng trị giá 2,05 triệu NDT, không quên dặn bà cần bảo quản thẻ và mật khẩu thật kỹ, phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.
Ba năm sau, con trai bà Trình quyết định kết hôn, bà Trình vui mừng đi đến ngân hàng muốn rút số tiền tiết kiệm cùng tiền lãi để lo cho con trai. Kết quả, số dư tài khoản cho thấy trong thẻ của bà chỉ còn vỏn vẹn 100 tệ (tương đương 330.000 VND). Bà Trình lúc đầu vẫn cho rằng đây là sự cố kỹ thuật, nhất định yêu cầu nhân viên kiểm tra lại. Thế nhưng, câu trả lời của ngân hàng thực sự khiến bà sốc nặng: số tiền 2,05 triệu NDT tiết kiệm của bà đã bị lấy đi, chỉ còn đúng 100 tệ (tương đương 330.000 VND) trong tài khoản! Bà hết sức ngỡ ngàng, bởi thẻ ngân hàng và mật khẩu chỉ một mình bà biết, tại sao số tiền lớn như vậy có thể không cánh mà bay như vậy?
Khi được yêu cầu giải thích về vấn đề bảo mật của ngân hàng, giám đốc ngân hàng liên tục khẳng định không có sự cố kỹ thuật nào trong vấn đề bảo mật. Đồng thời, giám sát cho thấy không có bất cứ hành vi rút tiền phi pháp nào xảy ra. Nhưng sự thật không thể chối cãi là số tiền 2,05 triệu NDT của bà Trình đã biến mất.
Không chịu nổi cú sốc này, bà Trình đã có cuộc tranh cãi gay gắt với người quản lý ngân hàng, thậm chí còn vô tình "tác động vật lý" gây ra sự náo loạn tại ngân hàng này. Sau khi bị bảo vệ ngân hàng cưỡng ép rời đi, bà Trình đã tuyệt vọng và nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát.
Sau khi bắt tay vào cuộc, phía cảnh sát phát hiện: Lý Lệ, nhân viên quản lý ngân hàng hai năm trước phụ trách tư vấn và làm thủ tục cho bà Trình trước đây, đã xin nghỉ việc từ hai năm trước và hiện tại không rõ tung tích. Phía cảnh sát nghi ngờ chính cô ta là người đã can dự việc này nên đã tiến hành điều tra. Dưới sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các chiến sĩ cảnh sát, Lý Lệ bị bắt và đưa ra trước tòa chỉ sau một tháng.
Trong quá trình thẩm vấn, ban đầu, Lý Lệ vẫn khăng khăng mình vô tội, nhưng ngay khi đối mặt với những bằng chứng thép từ phía cảnh sát, cô ta đã thừa nhận hành vi của mình. Hóa ra, ban đầu cô ta không hề đem số tiền 2,05 triệu NDT của bà Trình gửi vào trong thẻ mà đã rút về làm của riêng.
Do biết được bà Trình không hiểu biết về vấn đề tài chính nên cô ta đã lấy danh nghĩa của bà chuyển số tiền khổng lồ này vào một tài khoản đứng tên mình. Hai năm vừa qua, cô ta sử dụng số tiền này để ăn uống và chơi bời. Nhưng chính sự ham chơi vô độ này đã khiến cô ta lâm vào túng quẫn, nhà và xe của cô ta cũng phải đem đi thế chấp, chứ đừng nói đến chuyện hoàn trả lại cho bà Trình. Vì vậy, bà Trình chỉ có thể hy vọng phía ngân hàng sẽ chịu bồi thường cho sự việc này.
Tuy nhiên, phía ngân hàng dù lên án mạnh mẽ hành vi của Lý Lệ, nhưng không đồng ý chịu trách nhiệm và bồi thường. Bởi họ cho rằng, đây là hành vi cá nhân của cô ta, không liên quan đến ngân hàng. Không còn cách nào khác, bà Trình đã liên hệ luật sư soạn thảo cáo trạng. Luật sư của bà cho biết, phía ngân hàng có trách nhiệm rất lớn trong việc giám sát và quản lý số tiền được gửi vào ngân hàng nên họ không thể chối bỏ trách nhiệm như vậy.
Trong khi đó, phía ngân hàng vẫn một mực lập luận rằng hành vi của Lý Lệ xuất phát từ động cơ của cá nhân và không liên quan gì với ngân hàng. Kết quả, phía bà Trình đã đâm đơn kiện lên tòa án và yêu cầu giải quyết theo quy định pháp luật.
Ai đúng ai sai
1. Lý Lệ : tội danh chiếm đoạt tài sản và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật
Theo Điều 271 của "Luật Hình sự" (Trung Quốc), bất kỳ nhân viên nào của công ty, xí nghiệp hoặc đơn vị khác lợi dụng chức vụ của mình để chiếm giữ trái phép tài sản của đơn vị với số lượng đặc biệt lớn, sẽ bị kết án cố định từ mười năm tù đến tù chung thân và bồi thường tiền.
Là người quản lý tài khoản của ngân hàng, Lý Lệ đã lợi dụng chức vụ và nghiệp vụ để tiếp cận tài sản của khách hàng. Bên cạnh đó, cô không làm theo thủ tục quy định mà tự ý đem tài sản của khách hàng - 2,05 triệu NDT (tương đương 6,77 tỷ VND) - chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân và sử dụng chúng. Đây được coi là hành vi chiếm đoạt tài sản của đơn vị công tác. Hành vi này của cô ta đã gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho khách hàng lên tới 2,05 triệu NDT (tương đương 6,77 tỷ VND), đồng thời xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Vì vậy, cô ta sẽ phải đối mặt với mức phạt hơn 10 năm tù.
2. Với tư cách là người sử dụng lao động, ngân hàng sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bà Trình Mai.
Theo Điều 1165 "Bộ luật Dân sự" (TQ), nếu bên nào xâm phạm quyền, lợi ích dân sự của người khác mà gây thiệt hại, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Việc Lý Lệ lợi dụng sơ hở trong kiểm soát nội bộ của ngân hàng dẫn đến cô ta có thể lấy đi toàn bộ số tiền gửi của bà Trình Mai, cho thấy đây là hành động xâm hại quyền và lợi ích dân sự, cô ta sẽ phải chịu bồi thường theo quy định pháp luật.
Điều 584 "Bộ luật Dân sự" (TQ) cho biết, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không đúng với thỏa thuận mà gây thiệt hại cho bên còn lại, thì số tiền bồi thường thiệt hại là tương đương với những thiệt hại do việc vi phạm hợp đồng gây ra. Bà Trình Mai đã ký hợp đồng tiền gửi với ngân hàng, nhưng do lỗi của ngân hàng nên mục đích của hợp đồng không thực hiện được, do đó, bà Trình có quyền yêu cầu ngân hàng chịu trách nhiệm theo hợp đồng và bồi thường thiệt hại.
Theo Điều 1191 của "Bộ luật Dân sự" (TQ), nếu nhân viên của người sử dụng lao động gây thiệt hại cho người khác do thực hiện nhiệm vụ công việc, người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm pháp lý. Sau khi người sử dụng lao động chịu trách nhiệm ngoài hợp đồng, người sử dụng lao động có thể yêu cầu bồi thường từ nhân viên đã cố ý hoặc sơ suất nghiêm trọng trong quá trình công tác. Như vậy, với tư cách là người sử dụng lao động và tổ chức quản lý kinh doanh của Lý Lệ, phía ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Trình Mai.
*Theo Sina