* Hà Lan tính mua xe tăng cho Ukraine
Hà Lan sẽ đề nghị Chính phủ Thụy Sĩ cho phép mua xe tăng chiến đấu Leopard 1 từ một công ty Thụy Sĩ để chuyển cho Ukraine, Hãng thông tấn ANP của Hà Lan đưa tin ngày 1-6.
Chính phủ Hà Lan từng cho biết sẽ chuyển giao ít nhất 100 xe tăng Leopard 1 cho Ukraine, với sự hợp tác của Đức và Đan Mạch.
Bộ Quốc phòng Hà Lan nói thông tin trên ANP là một phần của kế hoạch ban đầu, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Văn phòng của Thủ tướng Mark Rutte không phản hồi lập tức yêu cầu bình luận.
Tháng trước, Chính phủ Thụy Sĩ đã ủng hộ việc ngừng hoạt động 25 xe tăng chiến đấu tiên tiến Leopard 2 nhằm bán lại cho Đức. Tuy nhiên bán xe tăng là một vấn đề nhạy cảm ở Thụy Sĩ vì luật trung lập và lệnh cấm vận vũ khí riêng biệt. Điều này khiến Thụy Sĩ không thể gửi vũ khí trực tiếp đến Ukraine.
* Apple bị tố bắt tay tình báo Mỹ
iPhone, thiết bị của Apple được nhiều người đánh giá cao vì tính bảo mật, trở thành đối tượng mới nhất bị lôi vào căng thẳng Mỹ - Nga. Vấn đề bảo mật và chống tin tặc cũng gây chú ý khi Mỹ và Hàn Quốc cùng cảnh báo về hoạt động của tin tặc Triều Tiên.
Ngày 1-6, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) tuyên bố đã phát hiện một hoạt động gián điệp của Mỹ khiến hàng ngàn chiếc iPhone bị xâm nhập bằng phần mềm tinh vi. Trong số này có nhiều iPhone của người Nga, các nhà ngoại giao nước ngoài tại Nga.
Kaspersky Lab, một công ty bảo mật của Nga, cùng ngày cũng cho biết hàng chục thiết bị của nhân viên hãng này đã bị xâm nhập trong quá trình hoạt động.
FSB nhấn mạnh có "sự hợp tác chặt chẽ" giữa Apple và Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), nơi chịu trách nhiệm về mật mã và thông tin tình báo, an ninh. Tuy nhiên cơ quan này không đưa ra bằng chứng.
Apple phủ nhận cáo buộc và nhấn mạnh chưa bao giờ bắt tay với một chính phủ nào để cài "cửa hậu" vào các thiết bị của hãng. NSA từ chối bình luận.
Đầu năm nay, Điện Kremlin đã yêu cầu các quan chức liên quan bầu cử tổng thống Nga năm 2024 ngừng sử dụng iPhone, vì lo ngại các thiết bị này dễ bị các cơ quan tình báo phương Tây tấn công, tờ Kommersant đưa tin.
* Mỹ yêu cầu Liên Hiệp Quốc họp công khai về Triều Tiên
Cũng liên quan đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên, phái đoàn đại diện Mỹ tại Liên Hiệp Quốc vừa yêu cầu Hội đồng Bảo an họp công khai về nỗ lực phóng vệ tinh của Triều Tiên.
Washington lên án vụ phóng, nói rằng nó sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an và có nguy cơ gây bất ổn tình hình an ninh trong khu vực lẫn thế giới.
Một nhà ngoại giao khác của Liên Hiệp Quốc xác nhận ngoài Mỹ còn có Anh cũng yêu cầu cuộc họp, bên cạnh các nước Albania, Ecuador, Pháp, Nhật Bản và Malta. Họp công khai nghĩa là mọi thông tin từ cuộc họp sẽ được phát trực tuyến, theo Hãng tin Reuters
Một phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh bất kỳ vụ phóng nào của Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
* Mỹ, Hàn Quốc cùng cảnh báo tin tặc Triều Tiên
Ngày 2-6, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc xác nhận Mỹ và Hàn Quốc đã công bố một cảnh báo an ninh mạng chung cho nhóm tin tặc Triều Tiên có tên Kimsuky.
Nhóm này bị cáo buộc đã tiến hành các chiến dịch quy mô lớn, nhắm vào các trung tâm tư vấn chính sách, truyền thông và viện nghiên cứu để thu thập thông tin tình báo.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hướng dẫn các cơ quan, cá nhân nghi ngờ mình là nạn nhân của Kimsuky trình báo.
Trước đó, Hàn Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt độc lập đối với nhóm này, sau khi Triều Tiên thất bại trong nỗ lực phóng vệ tinh do thám quân sự hôm 31-5.
* Mỹ dừng chia sẻ một số thông tin trong hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga
Ngày 1-6, Mỹ tuyên bố sẽ ngừng cung cấp cho Nga một số thông báo cần thiết theo hiệp ước kiểm soát vũ khí New START từ tháng 6, để đáp trả "những vi phạm liên tục" của Nga với hiệp ước này.
Theo đó, Washington sẽ không chuyển cho Matxcơva dữ liệu về tình trạng và vị trí của các tên lửa, bệ phóng chịu sự kiểm soát của New START.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ ngừng cung cấp cho Nga thông tin các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa chính thức rút khỏi New START. Tuy nhiên vào ngày 21-2 vừa qua, ông tuyên bố Nga sẽ đình chỉ tham gia hiệp ước này, làm dấy lên nhiều lo ngại toàn cầu.
* Các chuyến bay Mỹ - Trung Quốc né không phận Nga
Các hãng hàng không Trung Quốc đang tránh bay qua không phận Nga trong các chuyến bay mới được phê duyệt đến và đi từ Mỹ, theo trang web theo dõi chuyến bay FlightAware và các quan chức trong ngành.
Nga đã cấm các hãng hàng không Mỹ và nước ngoài khác bay qua không phận của mình. Việc này nhằm trả đũa Washington cấm các chuyến bay của Nga qua Mỹ sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ.
Hồ sơ của FlightAware cho thấy các chuyến bay của Trung Quốc được Mỹ phê duyệt gần đây đã không bay qua Nga. Trong khi đó, chuyến bay của các hãng hàng không Mỹ được phê duyệt trước đó vẫn đang sử dụng không phận Nga.
* Pháp thúc giục đảm bảo an ninh cho Ukraine
Ngày 1-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi NATO đưa ra các đảm bảo an ninh rõ ràng và mạnh mẽ cho Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania vào tháng 7 tới.
"Hội nghị ở Vilnius phải gửi một thông điệp rõ ràng tới Ukraine và người dân Ukraine. Tôi ủng hộ những đảm bảo an ninh rõ ràng, cụ thể hơn", ông Macron nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu ở Moldova.
Tổng thống Pháp cũng đồng thời cho biết ông sẽ có cuộc hội đàm về vấn đề này với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Potsdam vào ngày 7-6.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó đã tuyên bố ông muốn có những đảm bảo rõ ràng nếu Kiev không được kết nạp vào NATO trong thời gian ngắn.
Thủ tướng Đức Scholz cùng ngày cũng tỏ ý tán thành với Pháp. Ông cho rằng các đảm bảo an ninh nên được thiết kế để mang lại cho Ukraine sự an toàn cần thiết trước nguy cơ bị tấn công.
Thi… bụng bầu
Ở thủ đô Managua của Nicaragua, năm nào Đài phát thanh La Nueva Radio Ya cũng tổ chức cuộc thi "Madre panza" cho các bà bầu nhân Ngày của Mẹ. Các thí sinh sẽ cạnh tranh về độ dài của bụng bầu đo theo chiều dọc. Trong hình, một phụ nữ đang dự thi hôm 30-5 - Ảnh: AFP
Đối thoại Shangri-La 2023, nơi quy tụ các quan chức quốc phòng và an ninh cấp cao của nhiều nước châu Á, sắp khai mạc với nhiều chú ý dồn về Mỹ và Trung Quốc.