Sáng 2-6, đa số các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Điều chỉnh nhiều dự án luật
Theo nghị quyết, Quốc hội quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023) dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023) các dự án luật, trong đó có Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi)...
Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024) sẽ trình Quốc hội thông qua 9 luật, 1 nghị quyết, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp)... Cùng với đó, trình Quốc hội cho ý kiến 9 dự án luật.
Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024) sẽ trình Quốc hội thông qua 9 luật, đồng thời trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật là Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Việc làm (sửa đổi).
Giữ tiến độ trình dự án Luật Chuyển đổi giới tính tại kỳ họp thứ 8
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo nghị quyết trên.
Về đề nghị xây dựng Luật Đô thị đặc biệt, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy thời gian qua, Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết về thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hà Nội, TP.HCM và các thành phố trực thuộc trung ương khác.
Theo quy định tại các nghị quyết, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội kết quả sơ kết thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại kỳ họp cuối năm 2023.
Đồng thời, trong dự kiến chương trình năm 2023, 2024 đã có các dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Bên cạnh đó, theo yêu cầu tại đề án định hướng và kế hoạch số 81, Chính phủ đang nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Quản lý và phát triển đô thị để kịp thời thể chế hóa nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Do đó, đề nghị Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên.
Quá trình nghiên cứu, sơ kết, xây dựng các dự án luật có liên quan, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để làm rõ, đề xuất các chính sách, giải pháp quản lý, phát triển đô thị đặc biệt.
Về dự án Luật Chuyển đổi giới tính, ông Tùng nói Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy bản dạng giới là vấn đề phức tạp.
Do đó cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cả về mặt khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta cũng như truyền thống văn hóa, nhận thức xã hội…
Trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp, để bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh của luật như hồ sơ đề nghị xây dựng luật.
Trong quá trình thi hành luật sau này sẽ tiến hành sơ kết, tổng kết, xem xét việc sửa đổi, mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật khi đáp ứng đủ điều kiện.
Về tiến độ trình dự án luật, do chuyển đổi giới tính là vấn đề mới và khó, nội dung điều chỉnh tác động đến nhiều khía cạnh xã hội, liên quan tới nhiều văn bản luật khác, cần có sự nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng.
Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tiến độ trình dự án luật này tại kỳ họp thứ 8 như đã đề xuất để có thêm thời gian chuẩn bị.
Trước đó, chiều 30-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng bên cạnh cơ chế đặc thù, các cơ quan cần nghiên cứu, hướng tới xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho thành phố.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề xuất xây dựng Luật đô thị đặc biệt cho TP.HCM, tương tự Hà Nội có Luật Thủ đô
Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.